CTV Phúc Khánh – Facebook Việt Tân
Cứ đến gần ngày khai giảng năm học mới là phụ huynh ai cũng vừa mừng vừa lo. Mừng vì sau 3 tháng hè, con em mình lại được đến trường để học và vui cùng bạn bè thầy cô. Nhưng cái lo cũng nhiều không kể xiết. Ngoài lo tiền mua cho con bộ sách giáo khoa, cái cặp sách, đôi dép mới,… thì nỗi lo lớn nhất là làm sao có được vài triệu để đóng góp các khoản do nhà trường, hội phụ huynh và ngành giáo dục đề ra. Chỉ tính sơ qua cũng cả chục khoản đóng góp:
– Tiền học phí 4 tháng học kỳ I (tiền học phí của 5 tháng còn lại sẽ nộp vào những ngày đầu của học kỳ II);
– Tiền xây dựng trường, (có trường tiểu học còn ‘kêu gọi’ phụ huynh “tự nguyện” đóng tiền mua lưới “thông minh” bao quanh các ban công từ tầng thứ 2 trở lên để đề phòng các em rơi từ tầng cao xuống);
– Tiền nước uống và giấy vệ sinh;
– Tiền điện sử dụng đèn, máy điều hoà hoặc quạt trần;
– Tiền trả công cho bảo vệ, người quét dọn;
– Tiền quỹ trường;
– Tiền quỹ lớp;
– Tiền khuyến học;
– Tiền trả cho nhắn tin tự động đến điện thoại của các phụ huynh;
– Tiền bảo hiểm y tế;
– Tiền bảo hiểm thân thể;
– Tiền mua đồng phục;
– …
Ngoài cả chục khoản tiền bắt buộc phụ huynh phải đóng góp như trên thì đa phần các trường (nếu như không muốn nói là tất cả ) còn có những chương trình “tự nguyện” nhắm vào túi tiền của phụ huynh như:
– Tiền “tự nguyện” mua máy điều hoà;
– Tiền “tự nguyện” học thêm.
Trước ngày khai giảng năm học 2022 – 2023 này, Trường Trung Học Phổ Thông Lê Chân ở thành phố Hải Phòng còn có ý tưởng “tuyệt vời” là “vận động phụ huynh tài trợ” để lắp đặt trạm biến áp 250 KVA-22/0,4 KV có kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Cũng may là nhờ có mạng Internet nên tin tức đó cũng đến tai lãnh đạo thành phố và trước ngày 2/9, Sở Giáo Dục Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu Trường Lê Chân phải trả lại số tiền vừa thu từ các phụ huynh. Hoan hô Sở Giáo Dục Hải Phòng đã làm được một việc phù hợp với lòng dân.
Tuy không nói ra nhưng người viết tin rằng ai cũng biết:
Đằng sau các mỹ từ “tự nguyên,’ “vận động,” “tài trợ,”.. thì đó chính là sự bắt buộc các cha mẹ học sinh phải đóng góp theo yêu cầu của nhà trường và của chi hội phụ huynh đề ra. Vậy, dù nghèo đến đâu thì các gia đình phụ huynh vẫn phải chạy vạy, tìm đủ mọi cách để vay mượn tiền mà đóng góp, bởi ai cũng sợ con mình sẽ bị gây khó dễ khi đến trường.
Thực tế đã cho thấy: 30 học sinh ở trường THPT Tư Thục Trần Hưng Đạo – thành phố Huế đã bị trường này đình chỉ học tập vì chậm nộp tiền học phí (Báo Dân Trí ra thứ Năm, ngày 9/9/2010)…
Còn nhiều sự thật đau lòng hơn nữa đã xảy ra khi học sinh chưa đóng đủ tiền cho các khoản đóng góp.
Rất mong ngành giáo dục Việt Nam sẽ đổi mới nhiều hơn để tất cả các phụ huynh ở mọi miền đất nước giảm đi nỗi lo âu khi cho con trẻ cắp sách đến trường.
Rất mong!
CTV Phúc Khánh
Leave a Comment