Hai hôm nay, những bức ảnh này được chia sẻ rất nhiều, để chọc, để cười, để khinh bỉ, v.v.. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận vấn đề nghiêm túc hơn trong mối liên hệ với tình trạng tan nát của nền giáo dục Việt Nam.
Khai giảng (mà tôi có lần đề nghị đổi thành ‘khai học’) là chuyện của ngành giáo dục, chuyện của thầy cô và người học, chứ không phải nơi chốn của các ông bà quan lại trong bộ máy hành chính công quyền.
Từ bao giờ các ông bà quan chức lại đến trường đánh trống khai giảng?
Từ bao giờ trong lễ khai giảng nhưng thầy cô giáo và học sinh lại trở thành những diễn viên phụ và người chạy bàn để đón tiếp và phục vụ quan chức?
Từ bao giờ hiệu trưởng đã kiêm luôn bí thư chi bộ?
Những hình ảnh này phải làm chúng ta đau lòng: giáo dục đã bị giằng khỏi tay nhà giáo. Quyền lực thực sự ở các nhà trường không thuộc về thầy cô; trung tâm trong giáo dục không phải là học sinh.
Nó kéo theo hàng loạt những vấn nạn: khi quyền lực không còn thuộc về tri thức thuần túy, khi tự do học thuật bị tước đoạt…, thì nạn cửa quyền kéo theo, sự thật bị bóp méo, giáo dục thành giáo điều; sự giả dối lên ngôi, bất công lan tràn…
Chừng nào giáo dục chưa có được một vị trí độc lập xứng đáng, chừng ấy chúng ta không thể hi vọng gì, dù nó có cải cách thêm hàng trăm lần nữa./.
Thái Hạo
Leave a Comment