Quảng Cáo

Gorbachev qua đời do sốc và hoang mang vì xung đột Ukraine

Quảng Cáo

Reuters

Cù Tuấn, dịch

 Matxcơva, ngày 1 tháng 9 (Reuters) – Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, đã bị sốc và hoang mang trước cuộc xung đột Ukraine trong những tháng trước khi ông qua đời và bị suy sụp tâm lý trong những năm gần đây do quan hệ ngày càng tồi tệ của Matxcơva với Kyiv, theo người phiên dịch của ông cho biết hôm thứ Năm.

Pavel Palazhchenko, người đã làm việc với cố tổng thống Liên Xô này trong 37 năm và đã ở bên cạnh Gorbachev tại nhiều hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Xô, đã nói chuyện với Gorbachev vài tuần trước qua điện thoại và cho biết ông và những người khác đã cảm thấy choáng váng khi thấy các sự kiện xảy ra tại Ukraina đã làm tổn thương nặng nề tới Gorbachev.

“Không chỉ là hoạt động (quân sự đặc biệt) bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, mà toàn bộ diễn biến của mối quan hệ giữa Nga và Ukraine trong những năm qua thực sự, thực sự là một đòn đánh mạnh vào ông ấy. Nó thực sự đã nghiền nát ông ấy về mặt tình cảm và tâm lý,” Palazhchenko nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.

“Chúng tôi thấy rất rõ ràng trong các cuộc trò chuyện với Gorbachev, rằng ông ấy bị sốc và hoang mang trước những gì đang xảy ra (sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine vào tháng 2) vì đủ loại lý do. Ông ấy không chỉ tin vào sự gần gũi giữa người Nga và người Ukraine, mà ông ấy còn tin rằng hai quốc gia này còn ràng buộc chặt chẽ với nhau.”

Tổng thống Vladimir Putin đã đưa hàng chục nghìn quân vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 trong cái mà ông gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” mà theo ông là cần thiết để đảm bảo an ninh của Nga trước một liên minh quân sự NATO đang mở rộng thêm, và để bảo vệ những người nói tiếng Nga.

Kyiv nói rằng quốc gia này không gây ra mối đe dọa nào và hiện đang tự bảo vệ mình trước một cuộc chiến tranh xâm lược kiểu đế quốc mà không có lý do chính đáng. Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Matxcơva để cố gắng khiến Putin rút quân Nga trở lại, nhưng đó là điều mà Putin không hề có dấu hiệu sẽ làm.

Trong các bức ảnh chụp hội nghị thượng đỉnh những năm 1980 với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người ta có thể nhìn thấy hình ảnh đầu trọc, râu ria xồm xoàm của Palazhchenko ở bên cạnh Gorbachev, nghiêng mình để lắng nghe và phiên dịch từng lời nói.

Năm nay đã 73 tuổi, Palazhchenko đủ biết rõ về trạng thái tâm trí của vị chính trị gia quá cố trong giai đoạn trước khi ông qua đời. Bản thân ông đã gặp Gorbachev trong những tháng gần đây và có liên lạc với Irina, con gái của Gorbachev.

Palazhchenko cho biết ông Gorbachev, 91 tuổi, qua đời hôm thứ Ba vì một căn bệnh không xác định, có mối liên hệ mang tính gia đình với Ukraine. Ông đang phát biểu tại trụ sở chính ở Matxcơva của Quỹ Gorbachev nơi ông làm việc và nơi Gorbachev giữ một văn phòng có bức chân dung rất lớn của người vợ quá cố Raisa của ông. Bà có cha là người Ukraine.

MÂU THUẪN VÌ UKRAINE

Khi còn tại vị, Gorbachev đã cố gắng giữ cho 15 nước cộng hòa của Liên Xô, bao gồm cả Ukraine, gắn chặt với nhau nhưng không thành công sau khi những cải cách mà ông tiến hành đã gợi ý nhiều nước nằm trong Liên bang Xô viết đòi độc lập.

Quân đội Liên Xô đã sử dụng vũ lực chết người trong những ngày cuối của Liên Xô để chống lại dân thường các quốc gia này. Các chính trị gia ở Litva và Latvia nhớ lại những sự kiện đó với sự kinh hoàng. Và sau cái chết của Gorbachev, họ nói rằng họ vẫn đổ lỗi cho ông về những vụ đổ máu trong quá khứ.

Palazhchenko cho biết Gorbachev, người mà ông nói rằng chỉ tin vào việc giải quyết các vấn đề thông qua các biện pháp chính trị thuần túy, đã không biết trước về một số vụ giết người đẫm máu đó hoặc “cực kỳ miễn cưỡng” cho phép sử dụng vũ lực để ngăn chặn sự hỗn loạn.

Palazhchenko cho biết quan điểm của Gorbachev về Ukraine là phức tạp và mâu thuẫn trong suy nghĩ của ông, bởi vì vị chính trị gia quá cố này vẫn có lòng tin vào ý tưởng về một Liên bang Xô viết.

Palazhchenko nói: “Tất nhiên trong trái tim ông ấy, cái bản đồ tinh thần đối với ông ấy và đối với hầu hết những người thuộc thế hệ của ông ấy vẫn là một đất nước tưởng tượng bao gồm phần lớn Liên Xô cũ”.

Nhưng theo Palazhchenko, Gorbachev sẽ không tiến hành chiến tranh để khôi phục lại đất nước hiện đã không còn tồn tại mà ông đã từng lãnh đạo từ năm 1985-1991.

“Tất nhiên là tôi không thể tưởng tượng được việc Gorbachev sẽ nói ‘đây là Liên Xô, và tôi sẽ làm bất cứ điều gì để áp đặt sự tồn tại của nó.’ Không.”

Trong khi Gorbachev tin rằng nhiệm vụ của ông là thể hiện sự tôn trọng và ủng hộ đối với Putin, thì người phiên dịch cũ của ông cho biết Gorbachev đã công khai lên tiếng khi không đồng ý với Putin, chẳng hạn như về cách đối xử với giới truyền thông. Nhưng ông đã quyết định không “đưa ra một bình luận tại chỗ” về Ukraine, ngoài việc thông qua một tuyên bố hồi tháng Hai kêu gọi chấm dứt sớm các hành động thù địch và giải quyết các mối quan ngại về vấn đề nhân đạo.

Mối quan hệ của Gorbachev với Ukraine đôi khi gặp khó khăn. Kyiv đã cấm Gorbachev nhập cảnh vào năm 2016 sau khi Gorbachev nói với tờ Sunday Times của Anh rằng ông sẽ hành động theo cách giống như Putin đã làm vào năm 2014 trong việc sáp nhập Crimea.

“Tôi luôn ủng hộ ý chí tự do của người dân và hầu hết người dân ở Crimea muốn được đoàn tụ với Nga”, Gorbachev nói vào thời điểm đó, đề cập đến kết quả của cuộc trưng cầu dân ý mà Kyiv và phương Tây coi là bất hợp pháp.

Một số người Ukraine cũng đổ lỗi cho ông vì sự che đậy ban đầu của Liên Xô về thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.

ĐÁNH GIÁ CỦA LỊCH SỬ

Trong khi thừa nhận rằng một số người Nga và người dân trên khắp đế chế Liên Xô cũ có quan điểm cực kỳ tiêu cực về Gorbachev vì những biến động kinh tế và địa chính trị sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Palazhchenko lập luận rằng di sản của Gorbachev để lại vẫn còn rất lớn.

Ông nói, Gorbachev không chỉ giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh và giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân, mà còn tự nguyện xóa bỏ chủ nghĩa toàn trị bên trong Liên Xô và cho Nga cơ hội được tự do và dân chủ.

Palazhchenko nói: “Tôi nghĩ rằng ông ấy vẫn lạc quan về tương lai của nước Nga, mặc dù di sản của ông ấy bị “xáo trộn” và còn lại một số ý kiến ông ấy coi là “những lời chỉ trích không công bằng”.

“Ông ấy tin rằng người dân Nga là những người rất tài năng và một khi họ được trao cơ hội thể hiện, không lần thứ nhất thì lần thứ hai, tài năng đó… sẽ được thể hiện.”

Palazhchenko, người hồi tưởng về các hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh và các cuộc trò chuyện trên xe limousine với Gorbachev sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, cho biết giờ đây ông và các đồng nghiệp phải đối mặt với nhiệm vụ đọc lại các giấy tờ và sách của Gorbachev tại nhà nghỉ thuộc sở hữu nhà nước của vị chính trị gia quá cố ở ngoại ô Matxcơva, vì có rất nhiều tài liệu vẫn chưa được lập danh mục một cách có hệ thống trong kho lưu trữ của ông.

Palazhchenko tỏ ra tức giận trước những lời chỉ trích đối với Gorbachev kể từ khi ông qua đời của một số người trên mạng xã hội mà ông gọi là “những kẻ thù ghét”. Palazhchenko cho biết người lãnh đạo cũ của ông nghĩ rằng lịch sử sẽ đánh giá ông chính xác hơn.

“Gorbachev hay nói rằng lịch sử là một phụ nữ đỏng đảnh. Tôi nghĩ rằng Gorbachev luôn tin tưởng và mong rằng phán quyết cuối cùng của lịch sử về ông ấy sẽ là những lời tích cực.”./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux