Còn nhớ suốt 5 năm nhiệm kỳ thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc, với ngành nào ông cũng bảo là “ngành kinh tế mũi nhọn” đến nỗi người dân mỉa mai rằng nền kinh tế Việt Nam là nền “kinh tế con nhím” hay “nền kinh tế trái sầu riêng” vì nhìn đâu cũng thấy tua tủa mũi nhọn.
Làm đến tầm người đứng đầu Chính phủ mà không biết ngành nghề nào là mũi nhọn thì xem như hỏng. Giữa rừng hoa trái, anh không biết đâu là trái ngọt đâu là trái độc thì rõ ràng anh đang đánh đu sinh mệnh của anh với sự may rủi, mà thường là rủi nhiều hơn may. Trong trường hợp đấy thì Đảng Cộng Sản cũng đang đánh đu sinh mệnh nền kinh tế Việt Nam với sự may rủi.
Cách đây 10 năm, Giáo sư Hoàng Tụy có nhận xét về giáo dục Việt Nam rằng “giáo dục Việt Nam không chỉ là lạc hậu mà còn lạc lối”. Lạc hậu thì còn chạy theo người ta được chứ lạc lối thì vô phương cứu chữa, càng cố chạy thì lại càng bị người khác bỏ xa. Đấy là câu ví von không gì chính xác hơn.
Thực tế thì nền kinh tế Việt Nam cũng đang vướng vào vấn đề như nền giáo dục đang gặp phải, cũng đang lạc lối chứ không chỉ là lạc hậu. Nguồn nhân lực thì có hạn mà không định được đâu là hướng mũi nhọn thì làm sao tập trung vào những ngành chủ lực để bứt phá cho nền kinh tế nước nhà?
Đảng Cộng Sản Việt Nam đang lạc lối trong vấn đề ra chiến lược phát triển đất nước. Mù lòa sẽ gây nên sự lạc lối, sự lạc lối mà cộng thêm sự kiêu ngạo (hay gọi một cách văn vẻ là “duy ý chí”) thì hậu quả của nó là khôn lường. Năm 2006, Đảng Cộng Sản đề ra mục tiêu đến 2020 Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp tiên tiến và đã thất bại. Sau đó Đảng Cộng Sản lại đề ra tiếp mục tiêu đến năm 2045. Tuy nhiên thực tế thì Đảng Cộng Sản cũng đang dựa trên sự kiêu ngạo và sự lạc lối như cách đây 16 năm. Kết quả của năm 2045 cũng không có gì khó đoán.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài thì trong số công nghệ đầu tư vào Việt Nam thì 15% là công nghệ lạc hậu, 80% là công nghệ trung bình và chỉ có 5% là công nghệ tiên tiến từ Âu Mỹ. Công nghệ lạc hậu thì xem như là rác, công nghệ bình thường thì cũng sẽ lạc hậu trong tương lai không xa, còn 5% công nghệ tiên tiến thì Việt Nam không tiếp thu được. Cuối cùng, thu hút cho nhiều FDI thì cái được của Việt Nam vẫn là con số không tròn trĩnh.
Bắt đầu từ nền giáo dục lạc lối mà nguồn nhân lực nó tạo ra thiếu hẳn đội ngũ có tay nghề cao, thiếu hẳn kỹ năng mềm. Quản trị mà thiếu kỹ năng mềm thì xem như vứt, công nghệ cao mà thiếu nguồn chất xám có chất lượng thì không thể nắm bắt. Gom được một lượng chất xám rất khó khăn mà gặp quản trị tồi thì cũng hỏng.
Một doanh nghiệp muốn thành công dựa vào 3 chân trụ, thứ nhất là chất lượng nguồn nhân lực, thứ nhì là vốn, thứ ba là chất lượng đội ngũ quản trị. Nền giáo dục lạc hướng không cho ra nguồn nhân lực tốt, nền giáo dục lạc hướng không cho ra đội ngũ quản trị tốt thì doanh nghiệp Việt Nam chưa lớn nhưng đã bị què mất 2 trong 3 chân trụ, vậy thì cạnh tranh thế nào được với mấy ông lớn toàn cầu? Tất nhiên nền kinh tế Việt Nam vẫn tạo ra được những ông lớn hiếm hoi có thể cạnh tranh với đối tác nước ngoài, nhưng nhìn tổng thể nền kinh tế là vẫn không thể làm gì để ngoi lên.
Doanh nghiệp FDI tìm đến Việt Nam là giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận nhưng họ cũng mang đến Việt Nam những công nghệ. Khi GDP tăng lên đến một ngưỡng cận bẫy thu nhập trung bình thì lợi thế nhân công giá rẻ không còn khi đó các FDI rút đi và họ để lại cho Việt Nam những gì? Chúng ta không nắm bắt được 5% công nghệ cao từ các FDI thì khi họ rút đi là một lỗ hổng mênh mông và nền kinh tế Việt Nam sẽ bị sụp vào và chôn chân trong “hố tử thần” ấy. Và khi đến năm 2045, Đảng Cộng Sản lại đặt tiếp mục tiêu mới và lại tiếp tục “đuổi hình bắt bóng” tiếp.
Đã 77 năm Đảng Cộng Sản dẫn dắt dân tộc này đi tìm ảo tưởng về một thứ chủ nghĩa bánh vẽ. Có lẽ Đảng Cộng Sản thấy dân tộc Việt chưa biết ngán nên họ dẫn đi tìm thứ khác, lần này là tìm một mục tiêu ảo vọng cho nền kinh tế. Với những gì mà Đảng Cộng Sản đang làm thì Việt Nam sẽ không bao giờ thoát nghèo dù cho hằng ngày họ vẫn múa hát với các con số tăng trưởng./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
Leave a Comment