Trần Đông A – VOA
Đó là bài học đắt giá từ những diễn biến tiêu cực trong mấy thập kỷ qua, làm triệt tiêu thành quả Đổi Mới từ thập kỷ thời Gorbachev – Trần Xuân Bách. Và giờ đây, Việt Nam vẫn đang sa lầy giữa ngã ba đường ý thức hệ.
TBT Nguyễn Phú Trọng muốn giải quyết vấn đề kiểm soát quyền lực và tham nhũng mà không phải thay thể chế, tức là không phải thay đổi mô hình đảng trị (party rule) bằng pháp quyền (rule of law).
Nhớ “cơn sốt Gorby” ngày ấy và bây giờ… Được biết nước Nga của Putin không tổ chức quốc tang Gorbachev và ĐCSVN của Nguyễn Phú Trọng cũng không chia buồn với gia đình ông, tôi thấy chính trị thật là bạc bẽo. May mà còn có mấy lời ai điếu cảm động từ các nguyên thủ châu Âu và Hoa Kỳ. Đó mới đúng là những chính khách lịch lãm và có văn hóa…
Trần Đông A
Đón vị Giáo sư – Trưởng khoa tại sân bay quốc tế Nội Bài vào một trưa mùa hè oi ả năm 1987. Giáo sư đến thăm Viện tôi theo thỏa thuận giữa hai Đại học. Vừa vứt áo com-lê vào chiếc Volga nóng như một lò thiêu, ông phàn nàn ngay: “Sao chú mày không mang về Hà Nội một ít ‘gió’ của ‘tư duy mới’ và ‘peresroika’? Bức bối như thế này thì tao chỉ sang Hà Nội lần này là lần cuối”. Suốt từ Nội Bài về Nhà Khách Chính phủ ở 12 Ngô Quyền, câu chuyện giữa chúng tôi xoay quanh cơn sốt “Gorbymania” (cuồng Gorbachev) ở nước ông và ông muốn tôi cho biết phản ứng của Hà Nội thế nào. Giáo sư tỏ phấn khích khi tôi nói về “tư duy mới” và ghi nhận chính sách vừa ban bố của Liên Xô đối với châu Á có nhiều điều khá hấp dẫn.
“Gorbymania” ngày ấy và bây giờ…
Tâm lý “mê Gorbachev” (Gorbymania) là hoàn toàn có cơ sở khách quan ở Việt Nam thời bấy giờ. Đại hội ĐCSVN lần thứ VI (15 – 18/12/1986) là một Đại hội lịch sử, xét cả về mặt nội trị lẫn xây dựng Đảng. Rất nhiều tài liệu nước ngoài ghi nhận rằng, chính sách perestroika (cải tổ), glasnost (công khai), cùng với 2,88 tỷ USD (được quy đổi từ đồng Rúp) tiền viện trợ của Matxcơva đã khiến Hà Nội vững tin hơn để chấn chỉnh có hạn chế cách điều hành kinh tế kiểu cũ, thực chất là bỏ dần các sai lầm tự mình gây ra, về sau được gọi là “Đổi Mới”. Việt Nam vừa thoát khỏi hàng chục năm chiến tranh ác liệt, lại phải đương đầu chống Khmer Đỏ do Trung Quốc chống lưng, tiếp theo là đối phó với cuộc xâm lược của chính Trung Quốc tại 6 tỉnh biên giới. Trong bối cảnh ấy, ĐCSVN chỉ còn mỗi hy vọng, dựa vào Liên Xô để triển khai kế hoạch kinh tế 5 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, Đại hội VI của ĐCSVN chỉ mới mở ra một số tiền đề chứ chưa tạo được đột phá nào có tác động tức thì trong chính sách đối ngoại. Các báo cáo chính trị và kinh tế đều nhấn mạnh đến chính sách Đổi Mới. Võ Văn Kiệt dường như là người đi đầu trong việc ủng hộ khái niệm về cải cách, mở cửa để hội nhập. Theo ông Kiệt, nông nghiệp chứ không phải công nghiệp nặng sẽ là quan trọng nhất trong những năm sắp tới. Một ủy viên Bộ Chính trị khác (BCT), tuy chỉ xếp thứ 10 theo vị trí, nhưng đứng thứ 3 trong Ban bí thư, đó là Trần Xuân Bách – một trong những ngôi sao vụt sáng trên chính trường Việt Nam mấy năm trước và sau Đại hội VI. Cùng với Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, về sau thêm tướng Trần Độ, nhóm của Trần Xuân Bách hồi bấy giờ nổi lên như những người đi tiên phong của làn sóng Đổi Mới của Hà Nội.
Tuy nhiên, sự cố kết và tầm ảnh hưởng của nhóm Kiệt – Bách – Thạch ở Việt Nam không thể nào sánh được với sự cố kết và tầm ảnh hưởng của nhóm Gorbachev – Yeltsin – Yakovlev ở Liên Xô. Thất bại của ông Bách cũng là nằm ở chỗ này. Các trợ lý gần gũi các lãnh đạo Hà Nội hồi bấy giờ cho biết, những căng thẳng trong nội bộ Đảng còn bao gồm cả sự cọ xát giữa cá nhân những con người cụ thể, chứ không chỉ đơn thuần về lý luận. Cho tới lúc đó, “đa nguyên” chưa xuất hiện trên báo chí như là một vấn đề mang tính tư tưởng. Tháng 10/1988, nhân có cuộc hội thảo diễn ra tại Hà Nội của các nhà khoa học xã hội đến từ các nước xã hội chủ nghĩa, ông Trần Xuân Bách, với tư cách là uỷ viên BCT phụ trách Khoa – Giáo, đã tới dự và phát biểu khai mạc. Bài phát biểu của ông Trần Xuân Bách bắt đầu chạm tới những vấn đề cốt lõi của lý luận và bị coi như là cột mốc của những “chệch hướng” công khai.
Ông Trần Xuân Bách lập luận, chủ nghĩa xã hội mà Karl Marx dự báo “có những điểm không hoàn toàn khớp với hiện thực bảy mươi năm qua”, trong khi “chủ nghĩa tư bản chứa đựng những mầm mống và tiền đề vật chất – kỹ thuật cho xã hội mới”. Ông Bách cũng cho rằng: “Mô hình chủ nghĩa xã hội sẽ giảm tính thuyết phục, sức hấp dẫn, nếu năng suất lao động thấp hơn chủ nghĩa tư bản, nếu mọi công dân không thực sự có quyền tự do dân chủ… Ông Bách kêu gọi: “Các nhà khoa học xã hội Việt Nam cũng cần sử dụng đúng đắn quyền dân chủ và tự do sáng tạo của mình để nghiên cứu sâu sắc hơn, đề xuất với Đảng những ý kiến mới và cụ thể hơn liên quan đến thời kỳ quá độ… Khoa học xã hội có nhiệm vụ làm cho mọi người ý thức đầy đủ quyền tự do dân chủ của họ, giúp họ thực hiện quyền đó”.
Nga không quốc tang, Việt Nam chẳng chia buồn
Sau gần 35 năm vật đổi sao dời, hai tư tưởng cốt lõi nhất của Gorbachev được Trần Xuân Bách chuyển tải là tự do và dân chủ vẫn là điều cấm kỵ trong xã hội toàn trị ở Việt Nam và Liên bang Nga ngày nay. Tự do là gắn đến con người tự do và sáng tạo. Dân chủ gắn đến thể chế bảo đảm cho con người các quyền tự do ấy trong một nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự. Nếu Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Đào Duy Tùng vẫn còn sống đến ngày hôm nay, những người này vẫn sẽ hè nhau triệt tiêu “ánh sáng Trần Xuân Bách” để cứu Đảng, mà thực chất là giành và giữ mấy cái ghế của họ. Những người này và phe cánh họ vẫn căm Gorbachev, mặc dầu con tàu “Đổi Mới” lúc vừa xuất phát vẫn phải khởi động bởi năng lượng từ “perestroika” và “glasnost”. Không có Gobachev cùng với động lực từ “cải tổ” và “công khai” thì đã không có “Đổi Mới”. Cơn sốt “say mê Gorby”, “say mê tư duy mới” cũng từ đó mà ra.
Xem YouTube “Gorbachev qua đời, vì sao dân Việt kẻ khen người chê”, phần nào cảm nhận được ngày nay ở Việt Nam vẫn chưa hết “cơn nghiện Gorby”. Một trong hàng trăm cái “tuýt” thật đáng đọc: “Gorbachev là một người đáng khâm phục nhất của thế giới ngày nay. Vì lúc đó ông là một người quyền lực nhất quả đất (có thể nói là con người số một thời điểm đó), nhưng đã sẵn sàng gạt bỏ cái tôi. Mục đích là đưa thế giới xích lại gần nhau hơn, tránh được chiến tranh lạnh, hạn chế chạy đua vũ trang để đầu tư vào phát triển kinh tế, phục vụ đời sống của nhân dân… Gorbachev là một người hùng đáng để cả nhân loại vinh danh. Nếu như ở VN ta có nhiều người vì lợi ích của nhân dân mà từ bỏ quyền lực thì là diễm phúc cho dân ta quá. Nhưng thực tế điều đó không xảy ra. Họ là những người bị cả nước lên án nhưng vẫn cố bám ghế đến cùng! Buồn thay!”
Từ trời Tây, tạp chí “Economist” bình luận: Mikhail Gorbachev đã giải phóng cho hàng triệu người, ngay cả khi ông không có ý định làm như vậy. Tuy nhiên, những bạo chúa thời nay lại coi cuộc đời và sự nghiệp của Gorbachev như một câu chuyện cần cảnh giác. Một đế chế được xây dựng trên sự dối trá và bạo lực không đáng để cứu giúp. Mikhail Gorbachev, người vừa qua đời tuần trước ở Matxcơva ở tuổi 91, hiểu rõ điều đó hơn tất cả. Vì điều này, ông xứng đáng được tôn vinh, đặc biệt là nhờ có ông, hàng trăm triệu người đã sống trong tự do và hòa bình hơn kể từ khi ông đã khiến đế chế Liên Xô sụp đổ và do đó kết thúc Chiến tranh Lạnh. Bi kịch là rất nhiều người, kể cả các chính khách, đã quên những bài học trong câu chuyện phi thường của ông, hoặc rút ra những kết luận sai lầm chính xác từ chúng.
Di sản Gorbachev có giá trị gì đối với ban lãnh đạo VN ngày nay, ngoài những lời tụng niệm phải cảnh giác, ngăn chặn đừng để “tư tưởng peresroika – glasnost” len lỏi vào hàng ngũ lãnh đạo của Hà Nội? Trong khi đó, TBT Nguyễn Phú Trọng lại hết sức đau đầu trước hai vấn nạn lớn: kiểm soát quyền lực và đấu tranh chống tham nhũng. Ông Trọng muốn giải quyết hai vấn đề này mà không phải thay đổi thể chế, tức là không phải thay mô hình đảng trị (party rule) bằng pháp quyền (rule of law). Nhưng ông cũng biết rằng, quyền lực nếu không bị kiểm soát, sẽ tiếp tục đẻ ra tham nhũng, do quản trị yếu kém và thiếu minh bạch. Đó là nguyên nhân chính làm kinh tế thị trường “định hướng XHCN” bị méo mó, đi trệch đường ray phát triển. Từ mô hình phát triển để “hóa rồng – hóa hổ” Việt Nam đang biến thành “con mèo hoang”, với mô hình thất bại. Đó là bài học đắt giá từ những diễn biến tiêu cực trong mấy thập kỷ qua, làm triệt tiêu thành quả Đổi Mới từ thập kỷ thời Gorbachev – Trần Xuân Bách. Và giờ đây, Việt Nam vẫn đang sa lầy giữa ngã ba đường ý thức hệ.
Leave a Comment