Trường Sơn (VNTB)
Khi hồ thủy điện tích nước, gây áp lực với hệ thống đứt gãy bên dưới khiến động đất hoạt động sớm hơn so với hoạt động tự nhiên
Bảy ngày cuối tháng 8-2022, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra 19 trận động đất. Trong đó ngày 23-8 xảy ra đến 11 trận động đất, đặc biệt có một trận mạnh 4,7 độ richter.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, vào hồi 20 giờ 35 phút 8 giây (giờ GMT) ngày 29-8 tức 3 giờ 35 phút 08 giây (giờ Hà Nội) ngày 30-8-2022 một trận động đất có độ lớn 3,3 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14,818 độ Vĩ Bắc, 108,223 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Theo ghi nhận, đây là trận động đất có cường độ lớn, chỉ sau trận động đất kỷ lục 4,7 độ richter vào ngày 23-8-2022 tại đây.
Tính từ tháng 4-2021, Kon Plông trở thành điểm nóng về động đất với hàng trăm trận ghi nhận được, gấp 6 lần số trận động đất ghi nhận tại đây trong hơn một thế kỷ trước đó.
Động đất bất thường tại Kon Plông được các chuyên gia của Viện Vật lý Địa cầu lý giải là động đất kích thích, xảy ra khi hồ thủy điện tích nước, gây áp lực với hệ thống đứt gãy bên dưới khiến động đất hoạt động sớm hơn so với hoạt động tự nhiên. Theo nhận định, cường độ động đất tại đây mạnh nhất có thể lên tới 5,5 richter.
Trong một diễn biến có thể liên quan, sáng 28-8, trận động đất mạnh 2,5 độ xảy ra ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, độ sâu chấn tiêu 10 km. Sơn Hà và Sơn Tây là hai huyện miền núi Quảng Ngãi giáp ranh Kon Tum, thường xuyên chịu ảnh hưởng động đất. Đây cũng là hai huyện có nhiều dự án thủy điện nhất tỉnh Quảng Ngãi.
Trước đó ít hôm, trong một trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Trân – Chủ tịch huyện Sơn Tây cho biết, kể: “Chiều 23-8, xảy ra động đất ở Kon Tum, nhưng ở Sơn Tây tôi vẫn cảm nhận rất rõ mức độ rung lắc. Lúc đó, tôi ngồi làm việc ở tầng 2, cảm nhận độ rung lắc rất mạnh. Mạnh nhất từ trước đến nay”.
Trước đây khi xảy ra động đất ở Kon Tum, độ rung lắc lan sang tới huyện Sơn Tây, huyện đã báo cáo với UBND tỉnh Quảng Ngãi, sau đó đoàn công tác của Viện vật lý địa cầu đã đến huyện làm việc, và lắp đặt trạm quan trắc động đất để theo dõi. “Về trận động đất chiều 23-8, huyện cũng đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời chúng tôi cũng yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Đăkđrinh báo cáo tình hình để huyện nắm thông tin”- ông Trân cho hay.
“Khoảng hơn 14 g ngày 23-8, tôi đang ngồi ăn cơm ở nhà, thì nghe mái tôn rung lên bần bật. Lúc đầu cứ tưởng là có xe tải chở hàng hóa nặng chạy qua, nên không để ý. Sau thấy rung lắc ngày càng mạnh diễn ra khoảng 10 giây, mới biết rung lắc là do động đất, nên tôi rất sợ. Đợt rung lắc này làm tôi nhớ lại các trận động đất tại khu vực Thuỷ điện sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam. Lúc đó, ở đây cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt rung lắc mạnh” – Hồ Thanh Vương- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tây, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, kể.
Tin tức còn cho hay là dư chấn trận động đất không chỉ gây rung lắc mạnh ở các huyện như Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Đăk Glie của Kon Tum, mà các tỉnh thành lân cận như Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi… và thậm chí Hội An, thành phố Đà Nẵng xa trên 300 cây số vẫn cảm nhận rung lắc rất rõ mặt đất, nhà cửa…
Cơ quan hữu trách hiện tạm đưa ra dự báo là Kon Plông có thể tái diễn kịch bản như động đất kích thích ở sông Tranh 2. Theo đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 bắt đầu từ năm 2012, kéo dài đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam trong thời gian dài. Vì vậy, trong nhiều tháng tới, hoặc nhiều năm tới, Kon Tum vẫn sẽ ghi nhận các trận động đất./.
Leave a Comment