tuankhanh’s blog – RFA
Ba ngày sau sự kiện nữ streamer bình luận hài hước về cái đầu hói của những nhà lãnh đạo, mọi thứ vẫn yên ắng. Không thấy báo chí hay truyền hình đưa tin việc công an đến nhà và triệu tập vai chính trong sự kiện. Điều này hoàn toàn khác với lệ thường của ngành công an Việt Nam, vốn nổi tiếng về việc điều tra và phát hiện nhanh những gì đã công bố quyết định truy tìm. Và trong sự yên ắng đó, người ta có thể hình dung rằng có rất nhiều điều đang diễn ra dưới bề mặt của sự kiện.
Đã có rất nhiều lời bàn về chuyện này. Không những vậy, cách giải quyết cũng là một thách thức với hàng ngũ lãnh đạo khi đột nhiên bị truyền thông và ngành an ninh đẩy vào thế phải giải quyết dứt điểm.
Trong bối cảnh toàn trị của nhà nước đang có quá nhiều những điều luật áp đặt và mơ hồ – mà chỉ cần một chút sơ xuất là người ta có thể vào tù – xã hội lại càng bị thao túng và khó thở hơn với một lực lượng mang khuynh hướng tinh thần quân phiệt đang xuất hiện khắp các trang mạng. Việc đặt tội và kêu gào phải “xử” hiện ra ở nhiều trang, bài viết cực đoan. Trong các video thời sự trên Youtube kể về sự kiện, người ta tìm thấy không ít các bình luận ở bên dưới đòi phải cho cô gái này “bóc lịch” mới đáng, hoặc hò hét xử nặng làm gương vì bây giờ tinh thần chính trị giới trẻ có vẻ lơi lỏng.
Nhiều người khẳng định rằng ngôn ngữ hài hước của cô gái này là nhằm vào chủ tịch Phúc. Dĩ nhiên mọi suy luận đều là giả định, nhưng ngay cả khi việc giả định đó, có khuynh hướng tập trung thì thủ tướng ắt cũng phải bối rối. Còn nhớ năm 2016, khi thủ tướng Phúc đi vào phố cổ Hội An và đoàn xe tháp tùng chạy vào đường cấm, đã nhiều bình luận phản ứng về câu chuyện này. Lúc đó, nhóm tư vấn cho thủ tướng Phúc đã làm rất tốt bằng cách để ông Phúc nói lời xin lỗi. Dĩ nhiên, cách làm cũng xoa dịu dư luận và đem lại thiện cảm.
Tuy nhiên lần này, với chuyện cô gái game thủ hài hước vu vơ, có lẽ nhóm tư vấn của chủ tịch Phúc đã không có một giải pháp tốt như vậy. Việc im lặng cũng có thể là một giải pháp để thủ tướng Phúc lùi hẳn xa lằn ranh bị buộc phải vào vai một nhà độc tài khắc nghiệt và bị chỉ trích hay là một nhà lãnh đạo có tinh thần dân chủ và độ lượng.
Có nhiều ý kiến nói rằng việc rùm beng không đáng có, là bởi sự chủ ý của thế lực đó đang muốn làm khó vị chủ tịch. Nhưng nếu sống đủ lâu ở Việt Nam để hiểu guồng máy chính trị luôn luôn căng mắt, gồng cơ để tìm cách lập chiến công với cấp trên, chuyện xé to phát ngôn của nữ streamer Milona chỉ là kiểu cầm đèn chạy trước ô tô – mà ông tổ của cộng sản thế giới từng nói rằng “nhiệt tình cộng ngu dốt sẽ thành phá hoại”. Lâu lâu mới thấy có kiểu đáp trả tự hoại như ông sư Từ, tự xác nhận việc mình bị so đúng với trâu bò, bằng cách làm đơn chỉ điểm và hại người cho thỏa ác tính.
Đối diện với thế giới hôm nay, các nhà lãnh đạo khó tính nhất, tệ nhất, cũng đủ thông minh để đi qua những điều rất phổ biến trong ngày thường như kiểu bông đùa của Milona. Tại cafe vỉa hè mỗi ngày, người dân vẫn đọc báo chửi đổng, tranh cãi và gọi tên những nhà lãnh đạo cũ, mới để mỉa mai, chỉ trích. Sở Thông tin và Truyền thông cũng như ngành an ninh thực sự quan tâm đến những điều này, có lẽ mỗi ngày phải có vô số xe thùng đi lùng bắt ở các nẻo đường, ngã phố.
Hồi tháng 6-2022, trên báo Hàn Quốc có đưa tin tại một phường ở Bình Nhưỡng, Một sáng nọ, nhân viên an ninh khu vực phát hiện có một dòng chữ viết bằng bút lông trên tường, chỉ trích dòng họ Kim lãnh đạo. Thoạt đầu ai đi ngang nhìn thấy cũng phớt lờ đi qua. Nhưng mọi chuyện lớn dần khi quan chức trong vùng chứng minh lòng trung thành bằng cách thề bắt cho được bọn phản động. An ninh đến chụp ảnh làm chứng cứ trước khi xóa. Sau đó dân cư mấy ngàn người của cả phường đó phải đi cho mẫu chữ viết để tìm ra thủ phạm. Không biết họ tìm ra được người viết hay không nhưng vì ồn ào đó, mà báo Hàn Quốc nghe được đưa tin. Và bây giờ thì có cả những người Việt Nam biết đến cả những bọn làm chính trị tào lao, biến cả một quốc gia thành nồi nước chờ sôi.
Vào vị trí lãnh đạo, nếu không được yêu thì cũng bị ghét, hoặc ít nhất là nhân vật được đưa vào chuyện bông đùa. Còn nếu khác đi, thì đó chỉ là xã hội trại lính hoặc triều đình. Loại xã hội đó, không đáng để tồn tại ở thế kỷ 21 văn mình này.
Một lần đến Sydney, nghe anh bạn sống ở đó kể chuyện về thủ tướng Úc Bob Hawke (1929-2019), một nhà lãnh đạo chính trị được nhiều người yêu mến, và luôn được báo chí dành cho những lời đẹp nhất. Ấy thế, không có nghĩa là không có người ghét.
Một buổi sáng ông Bob Hawke như thường lệ chạy bộ quanh bờ hồ, phía sau có hai nhân viên cận vệ chạy xa xa theo dõi. Đột nhiên đến một đoạn, có người đàn ông gọi tên, hối hả chạy đến “Bob, bob”. Ông Thủ tướng Úc chạy chậm lại, có ý chờ vì nghĩ là người quen. Thế nhưng đến sát bên, người đàn ông này giơ gión giữa lên, la lên “F**k you, Bob”. Chung quanh chết sững. Hai nhân viên cận vệ chạy ra chắn trước mặt người đàn ông này. Nhưng ông Bob Hawke bật cười lớn, ra hiệu cho nhân viên cận vệ là không có chuyện gì lớn, rồi lại chạy tiếp.
Chuyện này sau đó được biết và báo chí đưa tin. Ông Bob Hawke cũng được hỏi lại trên truyền hình, ông chỉ cười nói đơn giản “chắc ông ta giận tôi điều gì đó”. Ông cười. Tất những người biết chuyện đều cười.
Ngồi ở Việt Nam chợt nhớ chuyện của ông Bob và cũng bật cười. Làm quan cũng là làm người. Mà làm người thì phải vậy.
Leave a Comment