Thới Bình (VNTB)
Từ năm 2014 đến năm 2016 làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng…
Theo thông tin cơ quan điều tra cung cấp rộng rãi cho báo chí, các bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung thực hiện hành vi thông qua việc từ năm 2014 đến năm 2016 làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, tính đến ngày 24-02-2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác do Quyết nhờ đứng tên, thu được tổng cộng 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Trịnh Văn Quyết bán ra. Nhà chức trách cũng đề nghị nhà đầu tư là những người mua cổ phiếu của FLC gồm các mã chứng khoán FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB từ ngày 1-12-2021 đến ngày 10-1-2022 liên hệ với cơ quan điều tra để cung cấp thông tin.
Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, sau khi công ty đi vào hoạt động thì vốn điều lệ của công ty cổ phần chỉ tính trên số cổ phần đã bán, tức là số cổ phần đã được các cổ đông đăng ký mua và thanh toán đủ cho công ty cổ phần. Sự quy định này nhằm làm hạn chế bớt vốn điều lệ “ảo” trong công ty cổ phần.
Về nguyên tắc, thì từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ giám sát việc doanh nghiệp có hoàn tất số vốn đã đăng ký hay không, nhằm đảm bảo sự minh bạch và an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo quan sát của nhóm luật sư chuyên trách tham vấn các vấn đề kinh doanh, thì công ty cổ phần được tạo lập bởi những công ty gia đình, việc kê khai khống vốn điều lệ, khi các cổ đông không góp đủ, thực góp trên số cổ phần đã đăng ký, nhưng vẫn thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trên số vốn đã đăng ký mà không vấp sự giám sát giữa các nhà đầu tư là dễ hiểu. Sau đó, chủ doanh nghiệp cổ phần này tiến hành rao bán, chuyển nhượng cổ phần. Điều này tạo ra những hệ luỵ cho các nhà đầu tư.
Trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế, khi tổng hợp số liệu về mức vốn đầu tư của các doanh nghiệp, trong đó, có những công ty kê khai “khống vốn điều lệ” làm cho số liệu tổng hợp trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội không đúng thực tế, dẫn đến khó kiểm soát và điều tiết nền kinh tế. Ví dụ như trước đây doanh nhân Trịnh Văn Quyết thường xuất hiện với một số lãnh đạo chính trị chóp bu như Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước…, tất cả tạo nên hào quang ảo trong truyền thông.
Do đó, nên bỏ quy định kê khai số vốn điều lệ trong hồ sơ đăng ký thành lập, cũng như trong quá trình kinh doanh sau này. Bỏ không phải vì không quản lý được, mà đơn giản ở lẽ vốn là yếu tố kinh doanh không thể thiếu được ở bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào.
Doanh nghiệp không thể kinh doanh mà không có vốn, dù ít hay nhiều. Hiện nay, pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp tự chủ trong việc quyết định mức vốn điều lệ đưa vào đầu tư kinh doanh, trừ những lĩnh vực ngành nghề mà pháp luật quy định, doanh nghiệp phải chứng minh thực lực của mình khi vốn được giải ngân trong từng dự án kinh doanh cụ thể, tạo niềm tin với đối tác, bạn hàng.
Mặt khác, việc đăng ký vốn điều lệ là công ty cổ phần tự quyết định, cơ quan quản lý nhà nước chỉ gíam sát qua báo cáo tài chính, báo cáo thuế… rất khó nên dẫn đến doanh nghiệp kê khai “vốn ảo”.
“Vốn điều lệ là căn cứ của chuyện đánh phần trăm thuế môn bài hàng năm. Có lẽ để bảo toàn nguồn thu, đề xuất bỏ thủ tục đăng ký vốn điều lệ xem ra chắc cũng khó!” – một luật sư nhận xét./.
Leave a Comment