Phạm Lê Đoan (VNTB)
Bệnh viện công từng được gọi là “nhà thương thí” ở miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa.
Bệnh viện công, theo người ở miền Nam trước tháng 4-1975, thì đó là “nhà thương” để giúp đỡ những người nghèo khổ, nuôi dưỡng người ốm yếu và để chữa bệnh tật. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí, nên còn gọi là “nhà thương thí”.
Theo các tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1957, “bệnh viện” được hiểu theo nghĩa rộng hơn, “bệnh viện là một bộ phận không thể tách rời của một tổ chức xã hội và y tế, chức năng của nó là chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân, cả phòng bệnh và chữa bệnh. Dịch vụ ngoại trú của bệnh viện phải vươn tới cả gia đình và môi trường cư trú. Bệnh viện còn là trung tâm đào tạo cán bộ y tế và nghiên cứu y học”.
Chữ “công” trong thuật ngữ “bệnh viện công”, theo Từ điển Tiếng việt có nghĩa là “công cộng”, “của cộng đồng”.
Như vậy, bệnh viện công là những đơn vị sự nghiệp công thực hiện cung cấp dịch vụ y tế cho xã hội, và thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn về y tế theo quy định, được hoạt động dưới sự quản lý kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Những đặc điểm hoạt động bệnh viện công giống những đặc điểm của đơn vị sự nghiệp công, và gắn với đặc thù của bệnh viện, nơi cung cấp dịch vụ y tế cho xã hội.
Từ ngày 15-8-2021, quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng với bệnh viện công theo điều chỉnh của Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Theo đó, “cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công” là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công; giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; phân loại mức độ tự chủ tài chính; tự chủ sử dụng nguồn tài chính; tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan.
Trước đó, một số bệnh viện công được lựa chọn “thí điểm tự chủ toàn diện” với yêu cầu thực hiện trách nhiệm xã hội của bệnh viện là bảo đảm quyền lợi cho người có bảo hiểm y tế, người nghèo và các đối tượng chính sách, bảo đảm không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu.
Ông Nguyễn Huy Quang – Trưởng ban Tư vấn phản biện và giám định xã hội, Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết, việc lựa chọn thí điểm tại 4 bệnh viện công là bệnh viện K, Bạch Mai, Việt Đức và Chợ Rẫy trên hơn 1.300 bệnh viện công lập nếu thành công sẽ áp dụng cho toàn quốc.
Tuy nhiên chỉ có 2 bệnh viện là Bạch Mai và K thực hiện thí điểm, 2 bệnh viện còn lại vì lý do chủ quan và khách quan khác nhau chưa thực hiện. Hai bệnh viện thực hiện đều là bệnh viện hạng đặc biệt có thương hiệu và số lượng bệnh nhân động, ổn định vì vậy khó đánh giá được thành quả của tự chủ toàn diện.
“Để thực hiện được tự chủ, thứ nhất phải tự chủ về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thứ hai tự chủ về tổ chức nhân sự, thứ ba là tự chủ về đầu tư mua sắm và quản lý tài sản, thứ tư là tự chủ về tiền lương và giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên trong bốn vấn đề này đều chưa rõ về cơ chế tài chính” – ông Nguyễn Huy Quang nhìn nhận.
Cựu phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan nói rằng “tự chủ toàn diện” ở bệnh viện công dễ vấp váp chuyện viện phí, bởi không phải người dân nào cũng có điều kiện kinh tế để chi trả mức phí gọi là tính đúng, tính đủ. Điều này đi ngược lại mục tiêu của ngành y tế là công bằng, không phân biệt bệnh nhân giàu nghèo.
“Cái khó của y bác sĩ là họ đã quá quen chịu đựng. Nếu lương thấp, công nhân có thể đình công để đòi quyền lợi, còn nhân viên y tế thì không. Đạo đức nghề y không cho phép họ ngừng làm việc và bỏ mặc bệnh nhân” – bà Phạm Khánh Phong Lan, đặt vấn đề khác nữa trong chuyện hạch toán về lương khi buộc phải “tự chủ toàn diện” nhưng lại chưa rõ về cơ chế tài chính thích hợp với cái gọi là bệnh viện công./.
Leave a Comment