Dù cùng viết cho tờ Thời Báo nhiều năm, và dù cả hai cũng đã từng chung tay với chủ bút Đỗ Nghi thực hiện đôi việc từ thiện nhỏ, tôi chưa bao giờ có cơ hội được gặp Ngy Thanh (NT) cả. Chỉ đọc ông thôi thì tôi cũng có thể đoán rằng nhân vật này chắc lớn hơn mình cỡ vài ba tuổi, chứ không nhiều. Tuy thế, dường như trên mọi nẻo đường đời, ông đều đi trước tôi vài bước – hơi dài!
Mãi đến 2015, tôi mới lò dò đặt chân đến Đế Thiên – Đế Thích trong khi NT đã tới nơi đây gần chục năm trước lận, và đã thu vào ống kính rất nhiều hình ảnh tuyệt vời của cả Angkor Wat lẫn Angkor Thom.
Vốn là một nhiếp ảnh gia và phóng viên chuyên nghiệp nên NT không chỉ dừng chân ở những nơi có kỳ quan hay thắng cảnh mà còn lang bạt khắp xứ Chùa Tháp, chả sót một xó xỉnh nào. Ông len lỏi vào tận “Thánh Địa Ấu Dâm” và ghi lại những dòng chữ nát lòng về tình cảnh bi phẫn của lắm đứa trẻ thơ :
“Svay Pak là làng điếm truyền thống gồm những căn nhà vừa gạch vừa bê tông làm nơi chứa gái bán dâm đến từ Việt Nam, công khai mời chào ‘boom boom’ (làm tình với bé gái) và ‘yum yum’ (khẩu dâm với bé trai) với giá mạt hạng chỉ 5 đô trong những vuông phòng chật hẹp được ngăn ra bằng ván ép xập xệ…
NT cũng đã từng vác máy đến bãi rác Stung Meanchey, nơi được nhật báo The Guardian mô tả là “the world’s most famous rubbish dumps” của thế kỷ XX. Khi tôi tìm đến nơi thì “bãi rác nổi tiếng nhất thế giới” này đã bị dẹp bỏ nhưng hình ảnh của đám trẻ con bần cùng, khốn khổ mà ông đã chụp được tại đây vẫn khiến cho tôi bứt rứt và … ấm ức!
Tưởng bở nên tôi cũng mang máy nhẩy xổ vào một bãi rác khổng lồ khác (cũng ở Phnom Penh) vì muốn được nhìn tận mắt cái thứ “địa ngục trần gian” này. Tới nơi, tôi dặn taxi trở lại đón sau chừng vài tiếng nhưng vừa hăm hở mở cửa xe là đã bị “oẹ” liền. Không khí nồng nặc mùi hôi thối khiến tôi chui vội lại vào bên trong, và ra dấu cho tài xế chạy ngay tức khắc. May mà tôi không có thói quen ăn sáng nên chưa đến nỗi nôn mửa ra xe của người ta.
Rời Miên, tôi băng qua Nam Lào bằng cửa khẩu Stung Treng. Rồi tà tà lội từ Si Phan Don lên Paske, Vientiane, Vang Vieng, Luang Prabang, Luang Namtha, đến tuốt Muang Sing – một thị trấn heo hút ở cực Bắc – giáp giới với Tầu. Sau chuyến đi xuyên suốt này, tôi vội vã kết luận rằng: “Không thấy người Lào không bóp còi xe, và cũng chả gặp ai đi ăn xin cả.”
Nói vừa dứt câu thì tôi lại tình cờ nhìn được bức hình cha con một người ăn mày, đang băng qua đường (giữa thủ đô Vạn Tượng) của NT trên trang mạng Trekearth – nơi tụ tập của nhiều nhiếp ảnh gia quốc tế!
Hóa ra, NT cũng đã đến Lào từ lâu và đôi mắt nhà nghề của ông chả bỏ sót một hình ảnh thương tâm nào cả. Phải công nhận là “thằng chả” rất chịu đi, và luôn luôn lên đường rất sớm, kể cả khi lao vào … chỗ chết!
Mãi đến ngày 10 tháng 10 năm 1972, tôi mới lò dò đến Trung Tâm Xã Hội Sài Gòn để trình diện nhập ngũ nhưng binh nhất NT và hạ sỹ Đoàn Kế Tường (với vai trò là phóng viên cho quân đội và ký giả chiến trường) đã có mặt giữa Mùa Hè Đỏ Lửa rồi :
“Phái viên Ngy Thanh và Đoàn Kế Tường của Sóng Thần cho hay họ đã vượt sông Mỹ Chánh để tới một đoạn đường dài 10 cây số Đông Nam Quảng Trị gọi là ‘đoạn đường máu’, nơi đây còn hàng trăm xác quân xa chở đồng bào Quảng Trị di tản trong ngày 1-5, cháy xém nằm la liệt, bên cạnh còn thấy những xác của đồng bào bị lính BV pháo kích chết cách đây hơn 2 tháng. Những xác nầy nay đã rữa thối, chỉ còn trơ xương.” (“Xác Dân Tỵ Nạn Trơ Xương Nằm Dài 2 CS Trên Quốc Lộ I.” Sóng Thần 02 July 1972).
Trong tác phẩm mới vừa xuất bản, NT cho biết thêm đôi ba chi tiết về biến cố hãi hùng này:
“Với các bản tin như trên và tương tự, cùng với hình ảnh chúng tôi gửi về toà báo hằng ngày, ban chủ biên đã bàn bạc, thảo luận ngay chương trình ‘Thác Một Nấm Mồ’ cho các nạn nhân bị giết bởi bom đạn trên Đại Lộ Kinh Hoàng, bằng cách lạc quyên từ độc giả của tờ báo …
Kết cuộc lại, năm 1972 anh chị em báo Sóng Thần chúng tôi đã đến, đã thấy, đã vận động những người hảo tâm đóng góp, để tìm gặp và thu lượm được trong các đợt hốt xác, mang về trường tiểu học Mỹ Chánh tẩm liệm và mai táng ở nghĩa trang Đồng Bào Chiến Nạn Quảng Trị 1.841 thi thể, từ tháng 8/1972 đến tháng 1/1973. Những tưởng thế là xong việc. Nhưng ngày 22/06/2016, chúng tôi đi tìm để vận động nâng cấp, mới biết nghĩa trang đã bị xóa sổ”. (Ngy Thanh. Đại Lộ Kinh Hoàng. San Jose: Nhân Ảnh, 2022.)
Từ 1972 đến 2016 là một khoảng thời gian không ngắn. Trong gần nửa thế kỷ, NT đã tận tụy làm trọn nhiệm vụ của một công dân, đối với đồng bào cũng như đồng đội. Cuộc đời của cá nhân ông, nếu chỉ kể đến đây (tưởng) cũng đã đủ dài, và đủ đẹp rồi, nhưng chuyện về Đại Lộ Kinh Hoàng thì e còn thiếu.
Năm 2008, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân cho ra đời một cuốn nhật ký chiến tranh (Mùa Hè Cháy) của Đại Tá Nguyễn Quý Hải. Ông chính là vị sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn 2, trung đoàn 38 Pháo Binh Bông Lau – đơn vị đã nã pháo vào đám đông thường dân và binh lính miền Nam trên Đại Lộ Kinh Hoàng – hồi năm 1972.
Tuy thế, trong tác phẩm này, tác giả chỉ ghi lại sự kiện trên bằng một câu văn ngắn: “Dọc đường số 1 hàng trăm xe ngổn ngang, địch bỏ chạy. Máy bay địch thâm độc thả bom vào những đoàn xe để phi tang, bất kể lính của chúng bị thương còn ngổn ngang. Xe cháy nghi ngút.”
Thế mới biết xóa sổ một cái nghĩa trang với hàng ngàn xác người chỉ là chuyện nhỏ, rất nhỏ, đối với người cộng sản VN. Họ còn có thể xóa sạch mọi tội ác đã gây ra bằng một thủ thuật rất quen thuộc, và vô cùng giản dị ̣(gắp lửa bỏ tay người) cứ đổ vấy hết cho Mỹ/Ngụy là xong!
Là người lính và là nhân chứng hiếm hoi có mặt trên Đại Lộ Kinh Hoàng, NT đã đặt nghi vấn:
“Thứ nhất, hố bom do máy bay thả xuống và hố đạn pháo binh sau khi bị kích hỏa, tôi nghĩ là không thể trộn lẫn với nhau… Là người đi suốt chiều dài tử lộ từ sông Bến Đá đến sông Nhung, tôi khẳng định với người anh hùng Bông Lau rằng, trên mặt đường nhựa ấy, chỉ có xác chết và xác xe, không có một hố bom, dù là loại bom nhỏ nhất.”
Không chỉ “khẳng định” suông như thế, NT còn biên soạn cả một tác phẩm (Đại Lộ Kinh Hoàng) gần năm trăm trang đầy ắp dữ kiện, hình ảnh, tài liệu, chứng từ … Ông cũng đã thư từ với Đại Tá Nguyễn Quý Hải, và nhận được hồi đáp (vào hôm 17 tháng 5 năm 2019) như sau :
“Trong đoạn nhật ký của tôi bạn trích ở trên, rõ ràng tôi viết chưa chuẩn vì tôi không trực tiếp nhìn thấy, chỉ là nghe các quan sát viên nói lại rồi suy diễn… trong lần tái bản tới tôi sẽ bỏ đoạn: ‘Dọc đường số 1 hàng trăm xe ngổn ngang, địch bỏ chạy. Máy bay địch thâm độc thả bom vào những đoàn xe để phi tang, bất kể lính của chúng bị thương còn ngổn ngang. Xe cháy nghi ngút.” (S.đ.d. tr. 351).
Thật là giản dị, dễ dàng, lẹ làng, gọn gàng hết sức!
Ông Quý Hải (nói riêng) và những người CSVN (nói chung) xem chừng khó mà hiểu được điều giản dị này: “Chỉ cần làm chết một người khi người ấy không vũ khí phòng thân … cũng đủ để trở thành tội ác.” Câu văn thượng dẫn được viết vào ngày 2 tháng 6 năm 2022, đây là dòng chữ cuối cùng mà NT đã dùng để làm kết cho tác phẩm (Đại Lộ Kinh Hoàng) mới nhất của ông./.
Leave a Comment