Von Pavel Lokshin – Welt
Ilja Ponomarjow kẻ thù không đội trời chung với Putin
Một nhóm kháng chiến quốc gia chưa từng được biết đến ở Nga tuyên bố chịu trách nhiệm về việc giết chết con gái của Alexander Dugin. Nhóm này kêu gọi các phe phái đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ Putin. Phó cựu chủ tịch Duma, Ilya Ponomarev đại diện cho nhóm này đã lên tiếng. Ông là người duy nhất bỏ phiếu chống lại việc sáp nhập Crime.
Tháng 8 được coi là tháng đen tối trong đời sống chính trị ở nước Nga. Trong tháng 8, theo mê tín chính trị, từ nhiều năm nay đã xẩy ra nhiều sự kiện quan trọng như: âm mưu đảo chính năm 1991, cuộc xâm lược của Nga vào Gruzia năm 2008, hay vụ đầu độc nhân vật đối lập nổi tiếng nhất của nước Nga là Alexei Navalny, năm 2020.
Tháng 8 năm 2022 dường như đã minh chứng cho huyền thoại này. Các sự kiện trong hai ngày qua có thể sẽ dẫn đến sự thay đổi ở nước Nga. Một nhà hoạt động cực đoan cánh hữu trẻ tuổi đã bị sát hại không xa Moscow hôm thứ bẩy: Darja Dugina, cô này được biết đến với tư cách là khách mời trong trường quay của các đài truyền hình nhà nước. Cô ấy đã trở thành nạn nhân của một trái bom gắn trên xe ô tô của mình. Cuộc tấn công thực ra là nhắm vào cha cô, nhà tư tưởng tân phát xít Alexander Dugin, người chủ trương chiến tranh tổng lực chống lại Ukraine và ước mơ về một đế chế Âu-Á rộng lớn.
Một số nhà quan sát ở phương Tây coi ông là nguồn cảm hứng quan trọng cho Điện Kremlin. Trên thực tế, ảnh hưởng của ông đối với nhà cầm quyền Nga, Vladimir Putin, thực ra có thể là rất nhỏ. Dugin có nhiều khả năng là người giữ liên lạc với các phần tử cực hữu ở châu Âu, ví dụ như với Lega của Ý hoặc AfD của Đức, thay mặt cho các cơ quan mật vụ Nga. Dugin được coi là người bảo vệ nhà tài phiệt Chính thống giáo Nga Konstantin Malofeev, người trung thành với Putin và là người tài trợ cho các tiểu đoàn tình nguyện trong cuộc chiến Ukraine của Putin.
Rất nhanh chóng nảy sinh một loạt suy đoán, ai là người đứng đàng sau vụ đánh bom này: cơ quan mật vụ Ukraine? Cơ quan tình báo nội địa của Nga, FSB, nhằm tạo cớ cho các cuộc trả đũa hoặc leo thang chiến tranh. Cũng có thể để tạo cớ cho tổng động viên? Hay do đối thủ của Dugin là Malofeev? Kiew đã chính thức phủ nhận trách nhiệm về cái chết của Dugina, và truyền thông nhà nước Nga ban đầu cũng không khẳng định kẻ gây tội ác.
Video thú nhận vụ tấn công là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh du kích
Hôm chủ nhật xẩy ra một “vụ nổ” gây chấn động: “Quân đội Cộng hòa Quốc gia”, một tổ chức ngầm chưa được biết đến đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ đánh bom nhằm lật đổ Putin này.
Ông chủ Điện Kremlin bị gọi là “kẻ soán ngôi” và “tội phạm chiến tranh”. “Quân đội” tuyên chiến với bộ máy tuyên truyền và các quan chức của nó, từ cảnh sát đến quan chức chính phủ. Theo “quân đội”, ngay cả những doanh nhân trung thành với Putin cũng không còn cảm thấy được an toàn. Mọi người đều đang ở trong làn đạn, mọi người đều có thể là kẻ tiếp theo.
Điều này xuất hiện trong một tuyên bố mà nhóm đã công bố trên kênh Telegram có tên “Rospartisan”, cho đến nay đã xử lý các vụ phá hoại các cơ sở hậu cần chiến tranh của Nga, chẳng hạn như các cuộc tấn công vào các tuyến đường sắt. Ngôn ngữ của tuyên bố này giống như một tấm chăn chắp vá về ý thức hệ: đề cập đến “các dân tộc anh em”, về sự cần thiết phải loại bỏ nước Nga khỏi “rác rưởi” và về một tương lai tự do cho nước Nga xanh và trắng, nơi không có chỗ cho bọn trùm tài phiệt, tham nhũng và đói nghèo.
Việc các thành viên của phe đối lập dùng biện pháp ám sát vì mục tiêu chính trị là một bước ngoặt trong lịch sử đương đại của Nga. Trong hơn 20 năm cầm quyền của Putin, các thành viên phe đối lập tránh xa mọi hình thức bạo lực chính trị. Trọng tâm cuộc đấu tranh là các hành động ôn hòa, đòi xây dựng nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên điều này trong những năm gần đây đã trở thành chuyện hư cấu, viễn tưởng.
Phe đối lập đã trở nên cực đoan hóa
Người ta có thể cho rằng các bộ phận của phe đối lập Nga đã trở nên cực đoan vì cuộc chiến tranh ở Ukraine. Theo quan điểm của phe đối lập Nga, việc chuyển từ phá hoại tài sản, hủy hoại các tuyến đường sắt, sang ám sát vì động cơ chính trị là một chuyển biến rất lớn, đến mức người ta phải nghi ngờ về những tuyên bố của “quân đội cộng hòa” có tồn tại thực sự hay không.
Tổ chức ngầm này có tồn tại không? Hay đây là một dự án của các cơ quan mật vụ Moscow nhằm biện minh cho một làn sóng đàn áp mới, hay thậm chí là chuẩn bị thực thi tổng động viên trong cuộc chiến chống Ukraine? Những câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, một phần cũng vì bộ máy tuyên truyền của nhà nước Nga vẫn chưa thể hiện quan điểm với tuyên bố của “quân đội”.
Nhân vật mà “quân đội” chọn làm người đại diện cho mình cũng gây ra nhiều nghi ngờ: Ilya Ponomaryov. Trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình February Morning , do chính ông này thành lập, Ilya Ponomaryov đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc chiến tranh hiện nay, ông ta cũng giải thích điều gì đằng sau vụ sát hại Dugina. Người đàn ông 47 tuổi xuất thân trong một gia đình giầu lòng yêu nước Nga-Xô Viết, ông nội của Ilya Ponomaryov từng là đại sứ Liên Xô tại Ba Lan. Bản thân Ponomaryov đã ngồi hai nhiệm kỳ trong Duma Quốc gia, là đại diện cho Đảng Cánh tả trung thành với nước Nga, trung thành với Điện Kremlin. Trong thời gian ở Duma, ông ta ủng hộ các luật đàn áp, cho phép nhà nước Nga kiểm duyệt internet cho đến tận ngày nay.
Chỉ có ông này bỏ phiếu chống lại việc sáp nhập Crimea
Năm 2014, ông là thành viên Duma duy nhất đã bỏ phiếu chống lại việc sáp nhập Crimea. Người dân Ukraine vẫn biết ơn Ponomaryov vì điều đó. Năm 2016, sau các cuộc điều tra chống lại Ponomaryov vì bị tình nghi liên quan đến biển thủ Quỹ Đổi mới Nhà nước Skolkovo, lúc đầu ông ta phải bỏ trốn sang Hoa Kỳ, nơi anh ta thành lập một công ty đầu tư, và sau đó đến Kiew. Vài năm trước, ông này muốn sản xuất khí đốt tự nhiên ở Biển Đen để “đánh bại Putin về mặt kinh tế”, như ông đã nói trong một cuộc phỏng vấn.
Năm 2014 Ilja Ponomarjow là người đại diện cho người dân ở Nowosibirsk trong Duma Quốc gia Nga
Ponomarev không thuộc hàng ngũ những người đứng đầu phe đối lập Nga, ông là người tự coi mình là một nhà hoạt động chính trị tự thân , người không né tránh các cuộc tiếp xúc với các đại diện chính quyền Putin. Khi tham gia vào làn sóng biểu tình phản đối ở Moscow năm 2011-2012, Ponomaryov đã được Phó Thủ tướng lúc bấy giờ và là người thân tín lâu năm của Putin là Vladislav Surkov bật đèn xanh, như ông này kể trong một cuộc phỏng vấn.
Thật khó có thể tưởng tượng các chiến sỹ trong đội quân ngầm thực sự lại để cho một nhân vật đáng ngờ như thế này trong giới đối lập Nga, đại diện họ báo cáo về chiến công đầu tiên của mình. Cuối cùng, cuộc phỏng vấn của Ponomarev để lại nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ hơn là các câu trả lời. Các phản ứng chính thức từ Moscow có thể cho phép đưa ra kết luận ai là người thực sự chịu trách nhiệm về vụ này. Điều này không lâu nữa chắc chắn sẽ được sáng tỏ./.
Leave a Comment