Tưởng đã đến lúc đặt câu hỏi này một cách nghiêm túc, bởi dù muốn hay không muốn, suốt gần trăm năm nay, chế độ Cộng sản đã làm mưa làm gió ở miền Bắc và gần nửa thế kỉ ở miền Nam sau này, di họa, di chứng, di căn của nó cũng đã đầy đủ. Vậy người ta trông chờ gì và chính cái chế độ Cộng sản này trông chờ điều gì? Thực sự, rất khó để nói rằng người ta trông chờ vào sự lớn mạnh của chế độ Cộng sản, và càng khó hơn để nói rằng chế độ Cộng sản trông chờ vào sự tồn tại của nó.
Bởi, cho đến lúc này, và hình như không phải lúc này, đã từ lâu lắm rồi, từ thời chính thức vứt bỏ kinh tế tập trung bao cấp, mà không chừng sâu xa hơn nữa là chính những vụ đàn áp văn hóa, từ Tự Lực Văn Đoàn đến Nhân Văn Giai Phẩm và nhiều vụ khác, người ta cảm thấy sợ, mất thiện cảm, mất niềm tin và mất rất nhiều thứ cần thiết cho uy tín để tồn tại của chế độ Cộng sản. Bởi chế độ này ngày càng lộ ra gương mặt lạnh lùng của nó. Tuy nhiên, người ta không dám nói thẳng về sự mong chờ của mình, bởi trả giá cho việc nói thật ấy có thể là không riêng gì tính mạng cá nhân.
Suốt bao nhiêu năm nay, người ta hầu như một mặt bắt tay, thỏa hiệp với mọi điều kiện đưa ra của người Cộng sản, mặt khác luôn chờ thời cơ để làm một điều gì đó bứt thoát khỏi chế độ mà có lợi cho bản thân và gia đình, trường hợp giới chức chóp bu Cộng sản chạy sang các nước tư bản tá túc, tị nạn giáo dục/văn hóa… sau khi mãn nhiệm hoặc hạ cánh là những ví dụ điển hình. Một khía cạnh khác, người ta chấp nhận sự hiện hữu của nó vì không còn lựa chọn nào khác và đương nhiên người ta chấp nhận cả những phiền toái, đau khổ, bất công do nó gây ra như một thử thách đấng tối cao hoặc giả như một biểu trưng số phận chẳng thể chối bỏ, và người ta đi từ mong chờ cái ngày tàn lụi của nó cho đến lúc chẳng còn cảm giác gì về điều này, nó tồn tại hay không tồn tại thì đời sống của người ta vẫn vậy. Đây là biểu hiện của đại bộ phận dân chúng dưới vòng kiềm tỏa của Cộng sản, đại bộ phận nhân dân thấp cổ bé miệng là ví dụ khá sinh động.
Về phía người Cộng sản, họ có lý tưởng không? Họ có mong chế độ tồn tại lâu dài không? Và họ có trông đợi vào tương lai Cộng sản xã hội chủ nghĩa không?
Có thể nói nhanh, gọn rằng họ trông đợi sự tồn tại một cái vỏ bọc Cộng sản thật lâu dài và đương nhiên mọi thứ lý tưởng Cộng sản càng trút sạch khỏi cái vỏ bọc ấy bao nhiêu thì họ càng mừng bấy nhiêu, nhưng chớ hề đụng vào cái vỏ bọc ấy, thật khó lường họ sẽ làm gì khi bạn đụng vào. Đương nhiên, khẳng định về thái độ, tâm tính đảng viên Cộng sản như vừa nói là quá võ đoán và phiến diện, tuy nhiên, có những thứ được trả lời bằng thực tiễn lịch sử và thực tế xã hội chứ không phải những câu lý thuyết suông. Về mặt lý thuyết, có ai mong đảng Cộng sản tồn tại lâu dài hơn các đảng viên, có ai nuôi lý tưởng Cộng sản hơn các đảng viên?! Nhưng trên thực tế, người ta vào đảng chả phải vì lý tưởng gì sất, động cơ lớn nhất thành đảng viên Cộng sản chính là lấy một cái vé tiến thân, muốn tiến thân vững chắc trong hệ thống nhà nước, không có con đường nào khác ngoài lựa chọn này. Nhưng bản chất, động cơ của lựa chọn không phải lý tưởng, mà là vinh thân phì gia, là cơ hội thăng tiến và đến khi thăng tiến đủ, vinh thân phì gia, no đủ, thì việc trốn khỏi hệ thống hoặc khéo léo đặt một chân bên ngoài hệ thống sẽ là đích đến, khát khao…
Trong trường hợp khác, một trường hợp đặc biệt hơn và hiếm hoi trong hệ thống, đó là người ta áp đặt mô hình tham vọng của mình đồng nhất với lý tưởng Cộng sản, nghĩa là người ta chấp nhận một đời sống theo mô thức Cộng sản một cách thuyết phục trước các đảng viên khác và biến bản thân thành chuẩn mực, gương mẫu trong đảng. Bù đắp cho sự hi sinh này là quyền lực tối thượng trong đảng, hầu như lịch sử chỉ có vài ba người như vậy thôi chứ không nhiều, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Nguyễn Phú Trọng là những ví dụ sinh rõ nét cho tuýp người này.
Bản thân những người này, phân tích cho cùng, họ không có lý tưởng Cộng sản, họ đầy tham vọng Cộng sản, họ không tỏ ra tin tưởng vào bất cứ người nào khác khi bàn đến sự thanh liêm, chính chuyên, đạo đức, tính trung thực… Vì không tin vào người khác nên họ không thể đề cử, nâng dỡ đàn em lên thay thế họ, kéo dài nhiệm kì, thậm chí ôm ghế cho đến cuối đời là khát khao cháy bỏng của những người Cộng sản như thế. Họ luôn khẳng định đất nước cần những con người liêm khiết, sáng suốt như họ. Trường hợp Nguyễn Phú Trọng càng thấy rõ hơn khi ông ta chần chừ đi qua nhiều nhiệm kì Tổng Bí Thư, thậm chí đến lúc bị tai biến, chân tay đi lại xiêu vẹo, mọi thứ không còn bình thường nhưng tham vọng tiếp tục duy trì quyền lực để “tiếp tục đốt lò” chống tham nhũng…
Và đương nhiên, mọi động thái của ông đều cho thấy ông khăng khăng bảo vệ đảng, bảo vệ lý tưởng đảng và củng cố, duy trì sự trong sạch, cao vời của đảng, của thiên đường Cộng sản… Đó là điều nhìn thấy bên ngoài, kỳ thực, bên trong của chiếc vỏ lý tưởng đảng này lại là sự phá hoại ghê gớm, có thể đạp đổ, đánh sập đảng Cộng sản trong phút chốc, chẳng ai khác ngoài Nguyễn Phú Trọng. Bởi cho đến khi đi không nổi, không thể tự tiểu tiện bình thường mà ông vẫn giữ chức vì “chưa có ai đủ tin cậy để thay thế” ông ngồi cái ghế Tổng Bí thư thì khác nào ông ném thông điệp cho thế giới và cho nhân dân rằng ông là người Cộng sản tốt cuối cùng, sau ông chẳng còn tay nào ra trò trống gì. Chính vì vậy, cho dù có nằm tại chỗ, chó dù có nhấc tay không nổi, ông vẫn phải giữ chức để duy trì lý tưởng, duy trì trật tự và sự chuyên chính của đảng.
Thực sự, cách làm việc đầy tính ôm đồm và luôn tỏ ra liêm khiết của ông Nguyễn Phú Trọng lúc này lợi bất cập hại. Bởi cái lợi cho cá nhân ông, cho gia đình ông, nhưng cái hại lại cho cả chế độ Cộng sản, và sâu xa hơn là báo hại nhân dân luôn phải bất an trước các đợt sóng chính trị của các phe nhóm Cộng sản. Điều này không thể nói khác đi được!
Leave a Comment