Việt Nam mới

- Quảng Cáo -

Nhiên Hoà Đoàn Viết Hoạt – (VNTB) – Dân của mỗi dân tộc để thực hiện được lý tưởng Tam Nhân: dân tộc, dân đạo, dân văn, dân trị, dân sinh, dân vực

Việt Nam Mới xuất hiện ngay khi tiếp cận với Tây Phương nghĩa là từ giữa thế kỷ 19. Việc tiếp cận với Tây Phương đã trải qua nhiều giai đoạn, do đó, Việt Nam Mới cũng đã hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau.

1/ Giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ thế kỷ 16 khi những người công giáo Bồ Đào Nha đầu tiên đến Việt Nam, nhưng phải đến đầu thế kỷ 17 các cộng đồng giáo dân công giáo Bồ Đào Nha mới được thành lập tại Hà Nội và Sài Gòn. Đây là những cộng đồng người Việt mới đầu tiên chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, cụ thể là của Thiên chúa giáo. Nếp sống mới theo Tây Phương bắt đầu hình thành và phát triển từ những cộng đồng công giáo này.

2/ Giai đoạn thứ 2 có thể coi như bắt đầu năm 1867 khi triều đình Nguyễn cắt nhựơng Nam kỳ Lục tỉnh cho Pháp. Miền Nam Việt Nam chịu ảnh hưởng toàn diện của Pháp, từ trên chính quyền đến đời sống dân chúng trong xã hội, cả trong chính trị đến kinh tế và văn hóa giáo dục.Toàn bộ hệ thống giáo dục đều hoàn toàn mới, từ tiểu học đến trung học và sau đó đến đại học. Nền văn hóa đông phương theo Hán học hoàn toàn bị thay thế bằng nền văn hóa Tây phương, cụ thể là bằng nền văn hóa Pháp, từ ngôn ngữ đến văn chương và lối sống. Trong giai đoạn này có 2 nước Việt, một nước Việt dưới quyền cai trị của triều đình Huế, vẫn sinh hoạt như từ mấy ngàn năm trước, và một nước Việt Mới tại miền Nam, dưới quyền quản lý của thực dân Pháp, với những nề nếp sinh hoạt mới theo Pháp.

- Quảng Cáo -

3/ Giai đoạn thứ 3 bắt đầu từ năm 1918 khi nhà Nguyễn, dưới sức ép của Pháp, hủy bỏ toàn bộ hệ thống khoa cử cũ có từ thời nhà Lý, từ đó, chữ Quốc ngữ thay thế chũ Hán, trở thành ngôn ngữ chính thức. Việc Hán tự không còn được sử dụng và thay thế bằng chữ quốc ngữ đã làm thay đổi toàn diện từ tư tưởng đến hành động của quần chúng, thật sự tạo ra một nước Việt Nam hoàn toàn mới, trong đó ảnh hưởng Tây phương, trước là Pháp, sau là Mỹ và Nga, thay thế ảnh hưởng Đông phương, cả Ấn Độ và Trung Hoa –dẫn đến tranh chấp bắc-nam, tư bản-cộng sản, vào giữa thế kỷ 20.

4/ Giai đoạn hiện nay: Hiện nay môi trường quốc tế hậu tranh chấp tư bản-cộng sản, đang tạo ra nhu cầu và điều kiện để xây dựng một nước Việt Mới hội nhập quốc tế toàn cầu, mang tính vừa dân tộc vừa nhân loại, vừa độc lập dân tộc vừa hội nhập nhân loại. Đây là một thách đố nghiêm trọng cho Việt tộc trong thời đại mới: phải chuyển hóa đất nước thành công để vừa thích nghi và tiến bộ kịp thời đại cùng toàn thể nhân loại, vừa duy trì và phát huy được tính đặc thù Việt tộc. Cần thoát ra khỏi tranh chấp tư bản-cộng sản quốc tế, thống nhất dân tộc đồng thời hội nhập vào xu thế tiến bộ chung của toàn nhân loại. Nước Việt Mới cần có được cả 2 nội dung này, do đó, thống nhất dân tộc chưa đủ hay nói đúng hơn không thể thống nhất dân tộc nếu không sáng tạo được một đường hướng mới vừa phát huy dân tộc vừa hội nhập nhân loại. Đó là động cơ và mục đích của Lý Đông A khi ông sáng tạo chủ nghĩa Duy Dân, Thắng Nghĩa, vào đầu thập niên 1940, theo hướng vừa phát huy đặc thù tính Việt tộc mấy ngàn năm, vừa “tập đại thành đông-tây kim-cổ” toàn nhân loại, không sa vào tranh chấp quốc tế tả-hữu, tư bản-cộng sản.

Thắng Nghĩa (*), sáng tạo tư tưởng của Lý Đông A, đáp ứng xu thế chung hiện nay của toàn nhân loại trong thời kỳ hậu tranh chấp tư bản-cộng sản –xu thế chấp nhận nhân loại như một thể thống nhất toàn cầu của mọi dân tộc để cùng nhau đi tìm một con đường sống chung thích hợp với Con Người, Nhân Đạo, phát huy được Nhân Tính, và phát triển được tính chủ động của Con Người — Nhân Chủ. Đó là lý tưởng Tam Nhân của Thắng Nghĩa, và con đường Lục Dân của mỗi dân tộc để thực hiện được lý tưởng Tam Nhân: dân tộc, dân đạo, dân văn, dân trị, dân sinh, dân vực. Thắng Nghĩa Lý Đông A là sáng tạo tư tưởng cần thiết để Việt tộc có vũ khí tinh thần giúp vượt qua được tình trạng chậm tiến, mở đường tiến vào thời đại văn minh mới toàn cầu toàn nhân loại hiện nay và sắp tới./.

Nhiên Hòa ĐVH (20/8/2022)

*https://thangnghia.org

- Quảng Cáo -