Lê Anh Hoài – Nông Hồng Diệu
TP – Từ ngày 15/7/2022- 30/7/2022, họa sỹ Bùi Quang Viễn (tức Bùi Chát) tổ chức triển lãm cá nhân mang tên “Improvisation”, gồm 29 bức tranh nhưng không xin phép. Hậu quả, họa sỹ Bùi Chát bị xử phạt hành chính với số tiền 25 triệu đồng và bị yêu cầu tiêu hủy toàn bộ các tác phẩm đã triển lãm. Vụ việc này gây bất bình lớn không chỉ trong giới cầm cọ Việt Nam…
Xâm phạm “đứa con tinh thần” của tác giả và quyền tự do sáng tạo của nghệ sỹ
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ, họa sỹ Nguyễn Quang Thiều khẳng khái: “Quyết định tiêu hủy số tranh của Bùi Chát là một quyết định rất đáng tiếc. Tôi mong lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh có quyết định “hủy” quyết định “tiêu hủy” tranh, như thế sẽ là một quyết định đúng đắn và cần thiết.
Một số tranh trong triển lãm không xin phép của Bùi Chát
Các bức tranh của Bùi Chát được vẽ theo trường phái trừu tượng. Việc “đọc” một bức tranh trừu tượng là vô cùng khó khăn. Cho dù mỗi người xem có thể “đọc” bằng cách riêng của mình thì việc khẳng định những bức tranh đó mang tư tưởng gì là không có cơ sở và càng không thể trở thành sự áp đặt của một cá nhân hoặc một tập thể đối với một tác phẩm nghệ thuật”.
Ông Nguyễn Quang Thiều cũng bày tỏ: “Tôi mong muốn trường hợp này là trường hợp cuối cùng trong cách nhìn nhận và xử lý một tác phẩm nghệ thuật, đừng để cho việc xử lý một vấn đề không có gì to tát thành một vấn đề trầm trọng và gây ra nhiều bất lợi”.
Hoạ sỹ Đỗ Phấn, với kinh nghiệm vài chục năm làm nghề, ông đi sâu hơn vào các quy định pháp luật: “Việc buộc họa sĩ phải tự tiêu hủy tranh khi triển lãm đã kết thúc là sai. Cái sai này bắt nguồn từ việc Sở văn hóa thể thao TPHCM áp dụng nghị định 38 CP ngày 29-3-2021. Và đáng tiếc là nghị định khi biên soạn đã không chặt chẽ. Thiếu phối hợp đồng bộ với các cơ quan chuyên ngành như Hội Mỹ thuật chẳng hạn.
Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiều năm nay luôn có những hội đồng xem trước một triển lãm sắp khai mạc. Triển lãm nào có vấn đề thì Hội đồng nghệ thuật sẽ quyết định không cho khai mạc. Tranh nào có vấn đề sẽ được đề nghị rút ra khỏi phòng trưng bày chứ chưa bao giờ tịch thu hay tiêu hủy. Bởi vì bức tranh vật chất là tài sản công dân không ai có quyền tịch thu hay tiêu hủy. Cách làm của họ nhiều năm nay là chặt chẽ, thấu tình đạt lí, giúp động viên khuyến khích tác giả rất nhiều. Ngoài ra, Sở văn hóa TPHCM biết triển lãm không có giấy phép đã không ngay lập tức có quyết định dừng triển lãm cũng là việc làm chưa đầy đủ trách nhiệm.
Họa sỹ Bùi Chát
Họa sỹ Đào Hải Phong bình luận ngắn gọn: “Cái buồn là nhà quản lý dường như đánh đồng giá trị văn hóa nghệ thuật với hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng, khi họ áp dụng các quy định mà không phân biệt triển lãm đó là triển lãm cái gì. Đó là điều không hiểu nổi ở thế kỷ này”. Rất nhiều người yêu tranh tán đồng ý kiến của họa sỹ Đào Hải Phong. Họ so sánh tiêu hủy tranh với tiêu hủy… gà thời dịch cúm gia cầm. Những bức tranh “vô tội” cũng được mang ra liên hệ với hoạt động biểu diễn nghệ thuật: “Biểu diễn ca nhạc không xin phép chỉ phạt tiền, cớ sao không tiêu hủy nhạc cụ, loa, băng rôn…?”.
Còn họa sỹ Phạm Luận phản ứng: “Tôi thấy không thể được! Vì nếu xét về tác phẩm không có gì sai. Người ta có thể chưa tới về mặt nghệ thuật nhưng không gửi thông điệp nào sai. Đó là lao động nghiêm túc của người ta. Nếu không xin phép thì đúng là phải phạt nhưng tại sao phải hủy? Tôi không hiểu được”. Trước câu hỏi của phóng viên: “Ông tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước, tranh của ông cũng có mặt trong bộ sưu tập của nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước, đã bao giờ ông được nghe kể hoặc chứng kiến một cuộc tiêu hủy tranh?”. Phạm Luận thẳng thắn: “Tôi chưa bao giờ nghe, chưa bao giờ thấy phải hủy mấy chục tác phẩm như thế. Tôi nghĩ đây là vụ việc “có một không hai”, phải làm rõ?”. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, họa sỹ Đặng Tiến gay gắt bày tỏ thái độ “Tôi nghĩ dốt mới làm việc ấy. Tôi chẳng phải nói tránh né việc này. Người ta không xin giấy phép thì hướng dẫn cho người ta xin giấy phép hay phạt hành chính. Làm gì mà bắt người ta phải tiêu hủy tranh? Trong khi tranh không có nội dung xấu, chỉ là những bức trừu tượng”.
Cục trưởng Cục Điện ảnh, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, họa sỹ Vi Kiến Thành xác nhận: Đúng là lần đầu tiên ở Việt Nam có triển lãm tranh không xin phép bị tiêu hủy. “Thanh tra Sở Văn hóa- Thể thao TPHCM căn cứ vào nghị định 38. Nhưng nghị định 38 cũng không rõ ràng, cho nên khi áp dụng phải cân nhắc rất nhiều yếu tố, chứ không thể áp dụng máy móc trên văn bản chữ nghĩa của nghị định 38 được, vì có một số điều trong đó chưa phù hợp với thực tế”, ông Vi Kiến Thành nói. Ông tán thành việc xử phạt mở triển lãm không xin phép. Tuy nhiên, ông không đồng tình mức xử phạt: “Mức xử phạt của Sở Văn hóa- Thể thao TP.Hồ Chí Minh cũng không phù hợp.
Tôi nghĩ chỉ cần xử phạt ở mức thấp hơn là được”. Còn về vấn đề tiêu hủy tranh, ông Vi Kiến Thành cũng đồng tình với ý kiến của các họa sỹ nổi tiếng: “Cái này thì sai quá rồi. Vì tiêu hủy tranh phải căn cứ vào nội dung của tác phẩm, nếu tác phẩm ấy mang nội dung đặc biệt nghiêm trọng vi phạm luật cấm của Việt Nam thì mới xem xét đến việc tiêu hủy tranh được. Còn đây là triển lãm tranh trừu tượng thôi, có gì sai phạm đâu?
Như thế là xâm phạm quyền tự do sáng tạo của nghệ sỹ. Có thể nói là xâm phạm nghiêm trọng đến tinh thần cũng như đến quyền lợi bảo vệ “đứa con tinh thần”, sản phẩm nghệ thuật của nghệ sỹ. Sai lầm nghiêm trọng”. Theo ông Vi Kiến Thành, giá như Sở Văn hóa- Thể thao TP. Hồ Chí Minh tham khảo ý kiến của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thì có lẽ đã không xảy ra vụ tiêu hủy tranh hy hữu này.
Cần hoàn thiện luật
Cách nhìn của nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang quanh vụ việc: “Mở triển lãm theo luật thì phải xin phép. Nhưng tranh thì không được hủy. Vì tranh là hàng hóa đặc biệt cần có luật ghi rõ, thì người thi hành mới có cơ sở để thi hành đúng. Ví dụ, tranh vẽ “bậy” thì nên tiêu hủy. Nhưng thế nào là “bậy”? Vậy tranh gì phải hủy, tranh gì không? Và quy định thế nào là triển lãm? Nếu tôi có tranh trong nhà, bạn bè đến xem đông, có phải là triển lãm không phép không? v.v… Tóm lại cần hoàn thiện về luật”.
Một doanh nhân, nhà sưu tập tranh Việt lâu năm chia sẻ cảm xúc: “Ban đầu khi mới tiếp cận thông tin, cảm giác của tôi rất hoang mang. Nhưng khi tìm hiểu thông tin sâu hơn thì tôi không còn hoang mang nữa vì tin rằng vấn đề sẽ được xử lý một cách thỏa đáng, công tâm”. Theo ông, thu hồi quyết định tiêu hủy là việc nên làm.
Vụ việc tiêu hủy tranh “có một không hai” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều ý kiến cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá năng lực cán bộ quản lý văn hóa ở địa phương. Nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, họa sĩ Vi Kiến Thành không ngại nói thẳng: “Chúng ta phải nhìn nhận thực tế. Đội ngũ những người làm quản lý văn hóa ở các Sở Văn hóa chỉ thạo mảng văn hóa cơ sở, quản lý di sản và một phần của lĩnh vực biểu diễn, còn các lĩnh vực khác, đặc biệt những lĩnh vực thuộc về sáng tạo nghệ thuật từ văn học, mỹ thuật đến điện ảnh… thì còn thiếu kiến thức, hiểu biết nên căn cứ vào luật, thực hiện một cách máy móc, thậm chí không đúng, gây nên những ồn ào đáng tiếc”.
Chúng tôi đã nhiều lần kết nối liên lạc với ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, để trao đổi về vụ việc đáng buồn này, song chưa nhận được hồi âm từ ông.
Họa sỹ Bùi Chát: Tôi choáng váng, gần như không chịu nổi
Việc tiêu hủy tranh nghe nói được ưu ái dành cho anh tự thực hiện? Phải tự tiêu hủy tranh của chính mình, tâm trạng của anh thế nào?
Họa sỹ Bùi Chát: Buộc phải tiêu hủy những “đứa con” của mình thì tôi choáng váng, sốc, cảm giác như chịu không nổi. Bây giờ họ nói có tình, có lý, nhân văn hơn là cho tác giả tự tiêu hủy, cảm giác còn kinh khủng hơn, khác nào tự giết “con” mình.
Những ngày qua anh sống thế nào?
Họa sỹ Bùi Chát: Tôi cũng hoang mang, cũng muốn tìm người giúp, nhờ nhiều người lên tiếng giúp và mong chờ…
Nếu quyết định cuối cùng vẫn là phải tiêu hủy, anh sẽ tự làm hay nhờ cơ quan chức năng?
Họa sỹ Bùi Chát: Nếu quyết định cuối cùng vẫn là phải tiêu hủy thì đầu tiên tôi cũng không tiêu hủy. Nhưng đến mức cưỡng chế buộc phải thi hành thì có lẽ giây phút đó tôi không cho ai động đến tác phẩm của mình, tôi sẽ tự làm, tìm cách nào đó xử lý nhanh và nhẹ hơn, không để chúng bị người ta tiêu hủy tàn nhẫn.
Quan điểm nghệ thuật của anh?
Họa sỹ Bùi Chát: Thực ra tôi thực hành theo cách riêng, đó là hội họa tình huống. Trước thực hành tôi không có ý tưởng nào hết, hoàn toàn rỗng. Tôi không hoàn toàn vẽ trừu tượng, có những bức là biểu hiện, cứ diễn biến theo tình huống thôi. Người ta cũng đã khẳng định tôi không vi phạm nội dung.
Từ đó đến nay anh có bị thúc giục tiêu hủy?
Họa sỹ Bùi Chát: Vẫn chưa. Tôi chưa nhận quyết định. Có quyết định mới biết thời hạn thực hiện. Sự việc vẫn đang trì hoãn.
Cú sốc này ảnh hưởng thế nào tới hành trình sáng tác của anh?
Họa sỹ Bùi Chát: Hiện tại tôi không nghĩ tới chuyện sáng tác nữa, sự việc trên làm tôi không còn bình tĩnh nữa.
Tôi là họa sỹ tự do. Tôi nghĩ những nghệ sỹ sáng tác, không chỉ riêng lĩnh vực hội họa sẽ đứng bên tôi. Và còn bao nhiêu người yêu nghệ thuật nữa.
L.A.H – N.H.D.
Nguồn: tienphong.vn
Leave a Comment