Định Tường (VNTB)
Nếu ví Đảng như “con đê” vững chãi thì “tham nhũng vặt” chính là loài “mối” nguy hại có thể làm rỗng “thân đê” bất cứ lúc nào.
Hồi ấy ông còn kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước. Trong một lần phát biểu khi tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội hồi giữa năm 2018, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn”.
Ông Trọng đã “nói vo” rằng công tác phòng, chống tham nhũng đang được đẩy mạnh với nhiều đại án tham nhũng bị phát hiện, xét xử làm nức lòng nhân dân. Thế nhưng, “tham nhũng vặt” – như tên gọi – là những khoản biếu xén, lót tay giá trị nhỏ, nên nhiều người tặc lưỡi chấp nhận cho xong việc, thay vì tố giác, do vậy ít bị phát hiện, lên án và khó xử lý.
“Tham nhũng vặt” biến công chức làm nhiệm vụ phục vụ trở thành “quan chức” để trục lợi. Những cán bộ, công chức nhận phong bì từ người dân, nâng đỡ họ đạt mục đích nào đó cho rằng đó là “lộc”.
Hệ lụy của “tham nhũng vặt” là gây ra mất công bằng, cạnh tranh không lành mạnh; làm cho các thiết chế xã hội mất đi ý nghĩa, kéo lùi sự phát triển xã hội, làm chậm tiến trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Nghiêm trọng hơn – nói theo kiểu chính trị hóa, thì nó khiến nhân dân mất niềm tin vào bộ máy công quyền thực thi pháp luật, vào Đảng, Nhà nước – nói như phát ngôn để đời lúc ông Trần Quốc Vượng còn là Thường trực Ban Bí thư hồi tháng 12-2019: “Nếu làm không tốt công tác cán bộ, chúng ta sẽ tự lật đổ chứ không phải do kẻ thù”.
“Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Do vậy, chúng ta phải đặc biệt chú ý. Đây là thực tiễn và thời sự. Thành bại là do cán bộ. Thành trì xã hội chủ nghĩa cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà cơ đồ đổ xuống biển sâu. Có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu”, ông Vượng nói.
Ông Vượng cho hay, khi sang châu Âu 10 năm sau Liên Xô sụp đổ, nghe các phương tiện thông tin đại chúng ở đây nói về sự kiện này như một ngày hội, ông đã rất đau xót. “Mình nghĩ lại làm sao để Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy”, ông nói.
Câu chuyện của hôm nay
Sáng 19-8-2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam – Ban công tác phía Nam tổ chức hội nghị lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân về những bất cập trong công tác quản lý đối với đời sống xã hội; vướng mắc của doanh nghiệp; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiết kiệm trong các cơ quan hành chính nhà nước…
Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, cho hay thời gian qua, việc chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, có thực tế nạn tham nhũng, nhũng nhiễu lan tràn ở các cấp, các ngành, các cơ sở. “Tham nhũng vặt bám chặt đời sống xã hội. Đừng để nó trở thành một hiện tượng phổ biến”, ông Khoa nói.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Hải Châu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nhìn nhận, “Việc phòng chống tham nhũng không chỉ riêng ở vấn đề lớn lao, ngay cả việc người dân đến cơ quan chính quyền thì ai cũng lắc đầu, ngao ngán vì có tình trạng tham nhũng vặt, làm phiền dân, làm người dân mất lòng tin, nhất là ở các văn phòng đăng ký dịch vụ nhà đất”.
Lâu nay, câu chuyện mất niềm tin của người dân từ những việc “nhỏ” ở chính quyền cơ sở đã trở thành bài học kinh nghiệm lớn với Đảng và Nhà nước mà điển hình là vụ việc xảy ra tại Thái Bình năm 1997.
Nếu không trị được “tham nhũng vặt” thì hô hào của mục tiêu xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân có thể bị chệch hướng. Bởi, nếu ví Đảng như “con đê” vững chãi thì “tham nhũng vặt” chính là loài “mối” nguy hại có thể làm rỗng “thân đê” bất cứ lúc nào./.
Leave a Comment