[Bàn tay chính quyền]
Sáu thành viên Tịnh Thất Bồng Lai lãnh án hơn 23 năm tù, được Hoa Kỳ đưa vào danh sách nạn nhân của việc đàn áp tự do tôn giáo
Ngày 20 và 21/7/2022, Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm sáu thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai sau lần hoãn xét xử vào cuối tháng 6/2022.
Sáu người này bị truy tố theo Điều 331, Bộ luật Hình sự – tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo đó, tòa đã tuyên phạt: [1]
- Ông Lê Tùng Vân, 90 tuổi, 5 năm tù giam
- Lê Thanh Hoàn Nguyên, 32 tuổi, Lê Thanh Nhất Nguyên, 31 tuổi và Lê Thanh Trùng Dương, 27 tuổi: 4 năm tù giam
- Lê Thanh Nhị Nguyên, 24 tuổi: 3 năm 6 tháng tù
- Bà Cao Thị Cúc, 62 tuổi, 3 năm tù giam
Họ bị cáo buộc đã thực hiện và đăng tải năm clip và một bài viết trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xúc phạm cá nhân Thượng tọa Thích Nhật Từ, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương, v.v. [2]
Vào đầu phiên xét xử, luật sư của các bị cáo đề nghị ngừng phiên tòa với nghi vấn một số chứng cứ không có trong hồ sơ, kiến nghị triệu tập nhân chứng. Tuy nhiên, tòa đã bác đề nghị này. [3] Ông Lê Tùng Vân bị cáo buộc là chủ mưu, các thành viên còn lại là đồng phạm. Ông Vân phủ nhận cáo buộc này. [4]
Vụ án nhận được sự quan tâm rộng rãi của công chúng. So với thời điểm ban đầu khi báo chí nhà nước loan tin vô căn cứ rằng các thành viên tịnh thất bị điều tra tội loạn luân, công chúng hiện nay đã bắt đầu lên án sự thiếu minh bạch của chính quyền trong vụ việc này.
Sau phiên tòa, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã đưa sáu thành viên tịnh thất vào danh sách các nạn nhân của việc đàn áp tự do tôn giáo và tín ngưỡng trên toàn thế giới. [5] Danh sách này tại Việt Nam gồm 76 người.
Một số nhà quan sát từ các nhóm tôn giáo độc lập nói với VOA rằng bản án không công bằng với đối với Tịnh Thất Bồng Lai. [6]
Tịnh Thất Bồng Lai là cơ sở Phật giáo không đăng ký với chính quyền nhưng lại hoạt động công khai và gây nhiều ồn ào. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần gây áp lực với chính quyền, yêu cầu dẹp bỏ tịnh thất này.
Từ năm 1981, chính quyền đã tạo điều kiện để Giáo hội Phật giáo Việt Nam giữ vị thế tổ chức Phật giáo duy nhất được nhà nước công nhận. Tất cả các cơ sở Phật giáo đều phải trở thành thành viên của giáo hội này nếu muốn hoạt động công khai.
Một tín đồ Cao Đài độc lập bị công an thẩm vấn tại sân bay
Vào ngày 22/7/2022, bà Nguyễn Xuân Mai, tín đồ đạo Cao Đài Chơn Truyền 1926 đã bị thẩm vấn hơn sáu tiếng đồng hồ tại sân bay Tân Sơn Nhất. [7]
Cao Đài Chơn Truyền là tổ chức Cao Đài độc lập, không đăng ký, không chịu sự quản lý của chính quyền Việt Nam.
Bà Mai nói với RFA rằng công an đã tự tiện lấy điện thoại của bà để in các tài liệu học tập về nhân quyền từ email, kèm theo thông tin người gửi rồi buộc bà phải ký nhận.
Theo bà Mai, bà trở về Việt Nam sau chuyến đi Mỹ để vận động cho quyền tự do tôn giáo, trong đó bà có phát biểu tại Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế. Bà đã gặp Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ Rashad Hussain trong chuyến đi này.
Chính quyền Việt Nam kiểm soát rất chặt chẽ các hội thánh Cao Đài do các tổ chức này có lịch sử chống cộng và sức ảnh hưởng trong quá khứ. Các tín đồ độc lập như bà Mai thường xuyên bị sách nhiễu, buộc tham gia các tổ chức được chính quyền cấp phép.
Vào tháng 3/2022, chính quyền đã làm việc với các tổ chức Cao Đài ở Đà Nẵng, Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang và Tiền Giang về việc duy trì các quy định quản lý theo Thông báo số 34/TB/TW năm 1992. Các chỉ đạo bao gồm: không khuyến khích phát triển đạo Cao Đài, không cho lập bộ máy hành chính và không cho thống nhất các chi phái. [8]
Nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam thường xuyên thẩm vấn những người trở về nước sau khi vận động nhân quyền công khai ở nước ngoài. Đây là một nỗi sợ đối với những nhà hoạt động ở Việt Nam.
Chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị chính quyền yêu cầu thu hồi đất làm kênh mương nước
Vào tháng 7/2022, trụ trì chùa Thiên Quang tiếp tục làm đơn khiếu nại đến chính quyền huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, yêu cầu xem xét việc xây dựng kênh mương nước đi qua phần đất thuộc sở hữu của nhà chùa. [9]
Việc khiếu nại đã kéo dài hơn một năm qua nhưng không có tiến triển nào đáng kể.
Theo phần giải thích trên trang Facebook của Chùa Thiên Quang, chính quyền muốn tháo gỡ các công trình của chùa để xây kênh mương nước nhưng lại chỉ bồi thường đất và hoa màu trên đất. Vài tháng trở lại đây, chính quyền liên tục kêu gọi, vận động nhà chùa tự nguyện tháo gỡ một phần kiến trúc bên trong khuôn viên. [10]
Cũng theo chùa Thiên Quang, nhà chùa không được chính quyền mời họp để thảo luận về việc này. Thứ họ nhận được chỉ là các thông báo yêu cầu giải tỏa.
Chùa Thiên Quang thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, được thành lập từ trước năm 1975. Ngôi chùa hiện nay được khởi công xây dựng vào năm 2000, vẫn chưa được cấp giấy phép. Dưới sức ép quốc tế, chính quyền vẫn cho phép các nhà sư của giáo hội duy trì sinh hoạt một cách hạn chế.
Chính quyền ngăn cản tín đồ Tin Lành độc lập sinh hoạt tôn giáo tại hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên
Tại tỉnh Đắk Lắk, Công an thành phố Buôn Ma Thuột đã ngăn cản 40 tín đồ Tin Lành làm lễ tại một tư gia thuộc buôn K’mrơng Prong B, xã Ea Tu vào ngày 5/7/2022, theo RFA. [11]
Theo VOA, từ ngày 8 đến ngày 10/7/2022, chính quyền xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã ngăn cản các tín đồ Hội thánh Tin Lành Đấng Christ tụ tập sinh hoạt tôn giáo. [12]
Ngày 13/7/2022, ba thành viên của hội thánh, trong đó có ông Nay Y Blăng và ông Ksơr Y Thêm, đã bị chính quyền mời lên làm việc về hoạt động của hội thánh.
Một trong các thành viên cho biết chính quyền xã đã nói với VOA rằng: “Nếu các anh cứ tụ tập như thế này, chính quyền sẽ xử lý, bắt bớ bằng bất cứ hình thức nào. Bây giờ nhà nước làm mạnh, không thả lỏng để các anh làm như thế”.
Dù việc sinh hoạt tôn giáo của các nhóm Tin Lành độc lập luôn gặp nhiều khó khăn, chính quyền ở một số nơi vẫn thả lỏng đối với các hoạt động thuần túy tôn giáo. Lời đe dọa trên có thể là dấu hiệu cho thấy mức độ trấn áp đang gia tăng.
Đọc thêm phóng sự về các nhóm Tin Lành độc lập ở Tây Nguyên: Khi Tây Nguyên không còn là nhà
[Tôn giáo 360]
Tạp chí nhà nước: 73% tín đồ Tin Lành là người dân tộc thiểu số
Trong một bài viết đăng ngày 28/7/2022, Tạp chí Xây dựng Đảng cho biết trong 1,2 triệu tín đồ Tin Lành cả nước thì có đến 873.700 tín đồ, tương ứng với 73% là người dân tộc thiểu số (DTTS). [13]
Tín đồ Tin Lành là người DTTS tập trung ở hai khu vực: miền núi phía Bắc với 238.900 tín đồ và khu vực Tây Nguyên với 575.940 tín đồ.
Năm 2020, chính quyền đã thừa nhận đạo Tin Lành đang phát triển rất nhanh ở hai khu vực này. [14]
Đây cũng là hai khu vực xuất hiện các tôn giáo mới như Giê-Sùa, Bà Cô Dợ, Dương Văn Mình, Hội thánh Đức Chúa Trời v.v.
Chính quyền cũng cho biết có nhiều tín đồ Tin Lành đã theo các nhóm tôn giáo mới. Ví dụ như năm 2019, có 1.208 người ở tỉnh Điện Biên, vốn trước đây theo đạo Tin Lành đã chuyển sang tín ngưỡng Giê Sùa. [15]
[Tôn giáo mới]
Tỉnh Bắc Kạn: Sáu tháng cuối năm 2022 là cao điểm trấn áp đạo Dương Văn Mình
Báo Công an Nhân dân ngày 12/7/2022 cho biết chính quyền tỉnh Bắc Kạn đang trấn áp tín đồ theo đạo Dương Văn Mình theo Đề án số 78 của Chính phủ, trong đó nêu rõ sáu tháng cuối năm 2022 là cao điểm của chiến dịch trấn áp. [16]
Tên đầy đủ của đề án này là “Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”, được ban hành vào năm 2021. Mục tiêu của đề án là đạo Dương Văn Mình sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn tại tỉnh Bắc Kạn vào năm 2023.
Nội dung đầy đủ của đề án này không được chính quyền công bố.
Bài báo cho biết, tính đến tháng 5/2022, tỉnh Bắc Kạn có 889 người theo đạo Dương Văn Mình. Sau hai tuần thực hiện đề án, không rõ về thời gian cụ thể, lực lượng công an đã bắt 221 người ký cam kết không theo đạo Dương Văn Mình.
Trong các hộ cam kết từ bỏ đạo, có một hộ gia đình được chính quyền tặng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để thay cho việc thực hành tín ngưỡng Dương Văn Mình.
Trong nhiều tháng qua, sau khi nhà sáng lập đạo Dương Văn Mình qua đời, chính quyền các tỉnh miền núi phía Bắc liên tục trấn áp các tín đồ theo đạo này. Theo đó, chính quyền các địa phương tìm mọi cách để buộc các tín đồ ký giấy cam kết không theo đạo Dương Văn Mình./.
Leave a Comment