Quản lý văn hóa không hề đơn giản, vì người lãnh đạo phải có năng lực thẩm mỹ và tinh thần liên tài. Triển lãm “Improvisation” chỉ gồm những bức tranh trừu tượng, không hề vi phạm thuần phong mỹ tục hay đạo đức cộng đồng. Cho nên, việc tiêu hủy tranh nếu xảy ra, sẽ gây hệ lụy khôn lường. Bởi lẽ, trong thế giới hội nhập hôm nay, không nơi nào còn xem việc ứng xử thô bạo với các tác phẩm nghệ thuật là một thái độ khôn ngoan.
Quyết định xử phạt hành chính và tiêu hủy tranh vì triển lãm không xin phép, vẫn chưa được giải đáp có tình có lý tại cuộc họp báo chiều 17/8 tại TP.HCM.
Tiêu hủy tranh được xem là biện pháp khắc phục hậu quả đối với triển lãm “Improvisation” (Ứng tác) bị xử phạt hành chính 25 triệu đồng vì không xin phép. Việc buộc tiêu hủy tranh được ghi trong điều 6 của Quyết định 2696, do Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức ký ngày 9/8. Vì sao phải tiêu hủy tranh, là nỗi băn khoăn của nhiều người, mà khi trao đổi với chúng tôi thì chính Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cũng bày tỏ “khó hiểu và kỳ quặc”.
Triển lãm “Improvisation” của Bùi Chát (Bùi Quang Viễn) khai mạc tại phòng tranh Alpha Art Station (số 271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) vào tối 15/7. Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa đã phát hiện triển lãm “Improvisation” không có giấy phép, và lập biên bản ngày 22/7. Trên cơ sở xác minh các tình tiết liên quan, ngày 3/8, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM có Tờ trình số 3277 đề nghị UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính.
Quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng vì triển lãm không xin phép, được áp dụng theo khoản 4 điều 19 của “Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo”, thì không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, biện pháp khắc phục hậu quả “buộc ông Bùi Quang Viễn tiêu hủy 29 bức tranh” lại khiến dư luận xôn xao.
Tại buổi họp báo chiều 17/8, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM Phạm Văn Dũng giải thích: “Theo quy định, khi tổ chức triển lãm các loại tranh sơn dầu và có tính chất thương mại thì cần phải xin phép. Khi đi kiểm tra triển lãm này, chúng tôi dựa trên nguyên tắc tôn trọng việc sáng tạo của văn nghệ sĩ và sau khi kiểm tra nội dung của các bức tranh, chúng tôi thấy không có vi phạm nghiêm trọng nên chúng tôi không thu giữ tang vật mà cho tác giả tự giữ tác phẩm và tự thực hiện hành vi tiêu hủy”.
Rõ ràng, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM đã uyển chuyển một cách nửa vời và máy móc một cách cứng nhắc, khiến “việc bé xé ra to”. Nếu đã “kiểm tra nội dung các bức tranh, chúng tôi thấy không có vi phạm nghiêm trọng” thì tại sao Sở Văn hóa Thể thao TP. HCM còn tham mưu cho lãnh đạo UBND TP.HCM áp dụng “biện pháp khắc phục hậu quả” là tiêu hủy tranh?
Triển lãm “Improvisation” gồm 29 bức tranh, không hề bán được một bức tranh nào. Tiêu hủy 29 bức tranh đồng nghĩa tiêu hủy toàn bộ tác phẩm của một triển lãm. Thậm chí, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM Phạm Văn Dũng còn tiết lộ: “Sau trường hợp của họa sĩ Bùi Quang Viễn, phía Sở thấy quy định tiêu hủy tác phẩm không có giấy phép tổ chức triển lãm chưa phù hợp thực tiễn nên kiến nghị lên UBND TP Hồ Chí Minh. Vào ngày 15/8, UBND TP Hồ Chí Minh có gửi công văn khẩn ra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị bỏ điều khoản tiêu hủy tác phẩm không có giấy phép tổ chức triển lãm. Tuy nhiên, với triển lãm của Bùi Quang Viễn, quyết định xử phạt hành chính, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm vẫn được thực thi”.
Có hai điều đáng ái ngại khiến một vụ triển lãm không xin phép trở thành một sự kiện ầm ĩ. Thứ nhất, ở điểm c, khoản 8 điều 19 của “Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo” quy định buộc tiêu hủy tang vật vi phạm khi triển lãm vừa không xin phép vừa “Triển lãm tác phẩm, hiện vật, tài liệu có nội dung vi phạm quy định về nếp sống văn minh, tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái”. Nghĩa là, chỉ tiêu hủy khi đã xác định những tác phẩm lén lút trưng bày là thứ vô cùng độc hại.
Thứ hai, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM cũng nhận ra quy định tiêu hủy tranh “chưa phù hợp thực tiễn”, sao lại vội vàng tham mưu cho UBND TP.HCM biện pháp khắc phục hậu quả? Cho dù cách làm của Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM hội đủ sự hợp lý, thì cũng chưa thuyết phục về sự hợp tình.
Lẽ ra, đứng trước việc buộc tiêu hủy tranh chưa từng có tiền lệ, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM phải xử lý thật cẩn trọng và thật cầu thị. Ít nhất, phải tham khảo ý kiến chuyên môn của Hội Mỹ thuật Việt Nam hoặc Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh & Triển lãm của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, nhằm có được giải pháp tối ưu.
Một bức tranh trong triển lãm “Improvisation”.
Quản lý văn hóa không hề đơn giản, vì người lãnh đạo phải có năng lực thẩm mỹ và tinh thần liên tài. Triển lãm “Improvisation” chỉ gồm những bức tranh trừu tượng, không hề vi phạm thuần phong mỹ tục hay đạo đức cộng đồng. Cho nên, việc tiêu hủy tranh nếu xảy ra, sẽ gây hệ lụy khôn lường. Bởi lẽ, trong thế giới hội nhập hôm nay, không nơi nào còn xem việc ứng xử thô bạo với các tác phẩm nghệ thuật là một thái độ khôn ngoan.
Chúng tôi, bằng tất cả thiện chí xây dựng một đời sống văn hóa Việt Nam văn minh, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc, mong muốn UBND TP.HCM và Sở Văn hóa Thể thao TPHCM hãy đắn đo kỹ lưỡng. Đừng để việc tiêu hủy tranh xảy ra, dù do họa sĩ Bùi Quang Viễn tự làm theo quyết định đã ban hành, hay do một đơn vị cưỡng chế thực hiện. Đừng để “cái sảy nảy cái ung”.
Tiêu hủy 29 bức tranh trừu tượng, dù bằng cách đốt đi, dù bằng cách nghiền nát, dù bằng cách ngâm hóa chất, cũng không có lợi cho môi trường tiến bộ chung. Những bức tranh nếu không có giá trị sẽ tự tiêu hủy trong lòng công chúng theo thời gian.
L.T.N.
Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam
Leave a Comment