Thực ra, việc thành lập các trung đoàn trấn áp biểu tình đã từng diễn ra và nó vãn một thời gian rồi lại nổi lên theo chu kì. Nhưng, lần xuất hiện sau bao giờ cũng phức tạp hơn lần xuất hiện trước, đặc biệt, lần này, công tâm mà nói, các trung đoàn trấn áp biểu tình là trên danh nghĩa, thực tế, mục đích của các trung đoàn này phải nói đến chuyện chống cát cứ địa phương. Bởi hơn bao giờ hết, không ai khác ngoài chính những nhóm lợi ích địa phương đã mượn màu dân chủ, và rất khó để nhận chân đâu là kẻ xỏ mũi trong chuyện này. Vấn đề các trung đoàn chống biểu tình xuất hiện, có vẻ như họ là những trung đoàn trấn áp người anh em của họ trong lúc này nhiều hơn.
Còn nhớ những năm 2000, đó là khoảng thời gian mà hầu như trên cả nước, đi bất kì nơi nào cũng có thể thấy bóng của lính 113, cảnh sát cơ động. Các trung đoàn cảnh sát cơ động có mặt khắp mọi nơi, chỉ cần có động tịnh là họ xuất hiện. Chưa dừng ở đó, tại Đà Nẵng, Chủ tịch thành phố Nguyễn Bá Thanh còn tổ chức riêng một lực lượng dân quân tự vệ chuyên nghiệp, gọi là Thanh Niên Xung Kích. Lực lượng này suốt ngày đêm đi khắp hang cùng ngõ hẻm thành phố để giữ gìn trật tự, để viết biên lai phạt bất kì người nào lấn chiếm vỉa hè hoặc bắt giam bất kì người nào có dấu hiệu khả nghi. Thời những năm 2000, lực lượng thanh niên xung kích Đà Nẵng phải nói là hét ra lửa.
Và đâu riêng gì thành phố Đà Nẵng, khắp cả nước, chỉ cần có chuyện gì đó nhạy cảm thì công an đông nghịt, đông hơn cả dân. Thời Tin lành Đề Ga ở Tây Nguyên, thời mà phía Bắc cũng có nhiều chuyện khác liên quan đến đất đai… dường như cả nước, nhìn đâu cũng thấy công an, cảnh sát cơ động. Lực lượng này khá là đông cho đến lúc kinh tế trì trệ, có đợt khủng hoảng tài chính những năm cuối thập niên đầu thế kỉ 21, vậy là giải giáp lực lượng, để lại một số gọi là tinh hoa, chuyên nghiệp, số còn lại về quê làm thợ, làm công nhân… Điều đáng nói là lực lượng Thanh niên xung kích của ông Nguyễn Bá Thanh cũng chính thức bãi bỏ.
Điều này không phải vô duyên vô cớ mà xảy ra đồng loạt trên cả nước tức là giảm cơ số cảnh sát cơ động và các lực lượng tương đương (như thanh niên xung kích, dân quân tự vệ) trong lúc chẳng bao lâu trước đó, chính quyền cấp quận/huyện ở một số tỉnh thành còn thành lập thêm lực lượng 113 cấp xã. Và hầu hết lực lượng từ cấp xã cho đến cấp tỉnh đều rất hăng máu, rất ghê gớm, hét ra lửa… Nhưng tại sao phải bỏ đi?
Bởi vì một phần không có kinh phí, phần khác, thực ra cũng đã đến lúc họ không có việc gì để làm và phát sinh tiêu cực, ví dụ như thanh niên xung kích ở Đà Nẵng, họ được quản lý an ninh khu vực song song với công an khu vực và họ cọ sát thực tế nhiều hơn công an bởi tuần tra hằng ngày, hằng giờ, họ được quyền viết phiếu phạt người vi phạm… Thử nghĩ, họ làm gì một khi lực lượng đi đâu cũng chạm mặt nhau, người dân thì thấy khó chịu bởi nhìn đâu cũng thấy thanh niên xung kích, thậm chí ‘trộm cắp đâu không thấy, thỉ thấy thanh niên xung kích đi tới đi lui rình rập từng li từng tí. Và đương nhiên lực lượng này không thiếu kẻ tìm cách vòi vĩnh, sách nhiễu người dân. Bởi vì họ quá rảnh, bởi họ thiếu thốn, bởi họ cảm giác mình đang thừa thải trong guồng máy… Cuối cùng, họ phải về quê và đương nhiên chẳng có chính sách hỗ trợ gì cho họ. Điều này khác xa với lúc được tuyển vào, họ được xét lý lịch gắt gao, được hứa hẹn tương lai rộng mở, được trao cho quyền hành và được Chủ tịch thành phố lên dây cót. Nhưng họ không thể tồn tại lâu hơn, bởi cũng giống như lực lượng cảnh sát 113 ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, họ là gánh nặng của ngân sách, phải nói là rất nặng và tiềm ẩn nguy cơ nổi loạn một khi nhân dân chẳng mấy ai nổi loạn mà bản thân lực lượng lại thiếu trước hụt sau.
Mãi đến gần đây, chính xác là sau các đợt bùng phát dịch và chết chóc, mọi chuyện bất an xuất hiện, đặc biệt là lò của Tổng Trọng càng đốt thì càng lòi ra nhiều củi toàn củi gộc, củi rừng già, củi có mấy đời làm chúa mộc… Mối nguy đụng chạm rất lớn và hơn hết là những kiểu mượn dân chủ để làm loạn, tạo ra những đợt sóng bất an trong dân chúng mà kẻ đứng sau lưng lại chính là các nhóm lợi ích địa phương, những quan chức giấu mặt đã ngấm ngầm chống lưng cho một số kẻ ngây thơ nhưng tham vọng. Có thể nói rằng hình ảnh một số nhân vật là blogger, là tù nhân lương tâm đã được bảo lãnh sang Mỹ và sau đó có những hành vi đi ngược, phản phé dân chủ đã dần hé lộ gương mặt thật của họ, bên cạnh đó cũng dần vén tấm màn của vở kịch dân chủ do các nhà lãnh đạo Cộng sản dàn dựng để chơi lại các đồng chí không cùng phe cánh của họ.
Nói cho cùng thì đến thời điểm này, chuyện giới dân chủ tổ chức biểu tình e rằng hiếm, quá hiếm, bởi hơn ai hết, các nhà dân chủ thừa biết rằng tổ chức các cuộc xuống đường lúc này vừa nguy hiểm cho bản thân, phong trào, lại vừa tạo hiệu ứng ngược trong nhân dân. Bởi chẳng có nhân dân nào dám thi gan với mấy chuyện bắt bớ, đàn áp, đánh đập sau một quá trình mệt mỏi, đau đớn vì dịch bệnh… mà kết quả, mục đích thì nghe nó quá xa vời, nó nằm ở tít tận đâu bên trời Tây hoặc giả trong lời hứa của một ai đó… Vì sao lại có chuyện thê thảm như vậy? Thưa rằng hoàn toàn không thê thảm, mà kì thực, ý thức, ý niệm dân chủ đã đủ mạnh, đã tương đối khá, đã len lỏi trong từng ngõ ngách của đời sống Việt Nam, thậm chí trong cả giới đảng viên Cộng sản. Nhưng càng hiểu giá trị dân chủ, người ta càng biết bảo vệ nó bằng cách giữ mọi thứ đạt cho bằng được ngưỡng an toàn trên mọi nghĩa và chờ vào sự chuyển hóa chung. Bởi người ta thừa hiểu rằng một con én không làm nên mùa xuân, hơn nữa, giữa lúc bẫy én đang rầm rộ…
Có thể nói rằng chưa bao giờ ý thức dân chủ lại thấm nhuần trong tinh thân người Việt như hiện nay. Nhưng chắc chắn, nó không phát triển theo kiểu mùa xuân Ả Rập hay Lybia hay các nơi khác, bởi đơn giản, cơ địa, tâm tình của người Việt rất khác lạ so với phần còn lại của thế giới, nói không ngoa, tính cách của người Việt, tốt thì cực tốt mà đến lúc xấu cũng chẳng ai xấu hơn. Nên một khi cảm thấy không an toàn thì cả nước thành rùa rụt cổ. Nhưng rùa rụt cổ không có nghĩa là vĩnh viễn không dám bước ra đường, thậm chí, đó là trạng thái ngủ đông của một dân tộc khát khao dân chủ nhưng lại quá bất an trước những con sói chuyên ăn thịt dân chủ.
Nói như vậy để thấy rằng, trong lúc này, để tìm những cuộc biểu tình đòi tự do tôn giáo và đòi dân chủ đích thực sẽ rất khó, mà nếu có xảy ra, thì đó là một kiểu đội lốt dân chủ của chính những quan chức, của chính các phe nhóm để phanh phui đồng chí của họ. Bởi hiện tại, sức mạnh báo chí không thôi cũng chưa đủ tạo hiệu ứng trong nhân dân nhằm lật đổ một đối thủ chính trị nào đó, chiêu trò mượn màu dân chủ của các phe nhóm trở nên thịnh hành và hiệu quả khó mà lường trước.
Và một khi các phe mượn màu dân chủ đủ mạnh, đủ để lật đổ đối phương, thì chắc chắn người nắm quyền cao nhất sẽ là kẻ thảm bại nặng nề nhất. Chính vì vậy mà các lực lượng chống bạo động, kỳ thực là chống các đồng chí nổi loạn được tái thiết một cách rầm rộ. Đều này dự cảm chẳng mấy tốt đẹp cho đảng cầm quyền. Và lần này, có thể nói rằng nhân dân trở thành “ngư ông đắc lợi”. Cứ từ từ rồi xem kịch!
Leave a Comment