Lê Tự Do – (VNTB) – Làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, kinh tế của thành phố nói riêng và toàn miền Nam nói chung thế nhưng PTT Vũ Đức Đam vẫn “bình chân như vại”
Giờ đã là trung tuần tháng 7 âm lịch, tháng 8 dương lịch của năm 2022. Nhớ lại thời điểm của một năm về trước, đây là quãng thời gian cực kỳ căng thẳng với “cách chống dịch” Covid-19 cứng nhắc, để rồi, người dân phải lãnh những hậu quả nặng nề.
Người dân được sinh ra với những quyền tự do cơ bản của con người. Thế nhưng, cũng thời gian này của một năm về trước, dường chừng như nhiều người phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo sợ khi cái “quyền tự do” của mình đang bị ngăn cấm.
Bước chân ra đường, dù là đi mua thực phẩm hay mua thuốc men (những loại thuốc cần thiết đối với người có bệnh nền như huyết áp, phổi tắc nghẽn mãn tính…) cũng bị giới hạn, hỏi han tới lui và có đi mua được hay không, phụ thuộc vào tâm tính, cảm xúc của người trực chốt. Trực chốt, đó có thể là dân quân, là bảo vệ khu phố, là bộ đội, là tình nguyện viên….
“Không có bóng dáng của một chuyên gia y tế nào, thành ra, mình nói gia đình mình cần đi mua như vậy, có chốt cho, có chốt không cho. Nhớ lại, thực sự rất bức xúc”, sinh viên trẻ tên Long chia sẻ.
Theo số liệu thống kê từ một tờ báo là cơ quan tiếng nói của Đảng Cộng sản Việt Nam thì: “Kể từ 27-4 tới 15-10, có hơn 21.000 bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Con số gấp hàng chục nghìn lần cả ba đợt dịch trước cộng lại và cũng là con số buồn đưa Việt Nam từ nước có tỷ lệ ca tử vong thấp nhất thế giới trong hơn một năm qua trở thành nước ở mức xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ trong mấy tháng…”.
Và cũng theo báo này, thì: “Những ngày tháng 8-2021, số ca tử vong do Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh tăng rất nhanh. Dù lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã hết sức nỗ lực nhưng bởi dịch bệnh quá bất ngờ, những gì diễn ra mỗi ngày là chưa có tiền lệ nên đã có những lúc “trở tay không kịp”.
Các tuyến điều trị, chăm sóc đều quá tải, nhiều gia đình có người thân mắc Covid-19 qua đời tại nhà, nhiều ca tử vong không kịp xử lý đưa đi hỏa táng. Tại TP Hồ Chí Minh đã có những ngày, các tình nguyện viên phải lăn xả vào những việc mà chẳng ai muốn làm…”.
“Trong đợt dịch đó, đụng chuyện, là cứ lôi chính quyền thành phố ra nói này nói nọ. Thế nhưng, theo quan điểm của tôi, nếu trách 100% đến từ chính quyền địa phương thì xem ra quá sức khiên cưỡng. Vì sao? Vì khi đó, trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia là ông Vũ Đức Đam có mặt ở các tỉnh, thành phía Nam, trực tiếp chỉ đạo chống dịch. Là trưởng ban, kiêm phó thủ tướng, làm sao nói mà chính quyền có thể không nghe?
Ông Đam rất năng nổ trong thời điểm đó, nếu xét trách nhiệm, người trực tiếp chỉ đạo nên phải lãnh trách nhiệm cao nhất cho những mất mát”, ông Hai, một cư dân ở TP Hồ Chí Minh ý kiến.
Như để chứng minh cho lời ông Hai, ở thời điểm chưa bùng dịch khu vực phía Nam, ông Vũ Đức Đam vẫn còn là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, trang của Bộ Nội vụ viết: “Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu kiện toàn và tái kích hoạt tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia, làm nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế xây dựng các kịch bản ứng phó, xác minh những thông tin khó mà bằng phương pháp truy vết thông thường không giải quyết được.
Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, ngay khi xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng tại Hà Nam, toàn bộ hệ thống, đặc biệt các lực lượng phòng chống dịch tại nhiều địa phương đã tập trung truy vết, cách ly, khoanh vùng, vì vậy, mặc dù tình hình còn rất phức tạp, những ngày tới có thể thêm một số chùm ca bệnh, nhưng cơ bản đến nay vẫn đang được kiểm soát…”.
Đã có quyền để yêu cầu này, yêu cầu nọ, rồi khẳng định dịch này dịch kia, vậy tại sao lại có thể lảng tránh trách nhiệm? Có thể nói, với chính sách chống dịch sai lầm đến từ ngài Trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 quốc gia khi đó đã gián tiếp làm cho hơn 21.000 người ở Sài Gòn tử vong vì Covid-19 khi đó.
Cũng xin được nói thêm, điều 128 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, thì, “1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.
Cám cảnh trước những mất mát, có ý kiến cho rằng, thôi kệ, dù sao cũng là dịch bệnh; cũng có ý kiến cho rằng, chắc tới số, làm sao tránh khỏi. Người Sài Gòn là vậy đó, bao dung.
Thế nhưng, có đúng như vậy?
Nếu như ông Vũ Đức Đam không khăng khăng cho rằng mình đúng, không khăng khăng cho rằng những bức hình mà gọi là bằng chứng của mình là chính xác, không khăng khăng cách ly tập trung – xét nghiệm diện rộng – giãn cách… liệu rằng, có mất mát nhiều đến như vậy? Số ca nhiễm có tăng cao đến như vậy?
Tựu trung lại, những mất mát đó, chưa chắc chỉ đến từ dịch bệnh; từ con virus Vũ Hán, Trung Quốc mà nó còn đến từ cách chống dịch từ ngài cựu Trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 quốc gia.
Thực tế mất mát là có thật; thực tế ảnh hưởng đến đời sống người dân, đến kinh tế của thành phố nói riêng và toàn miền Nam nói chung là có thật, thế nhưng, người gây ra những điều đó, vẫn còn đang “bình chân như vại”. Chẳng lẽ, vì là phó thủ tướng nên được nghiễm nhiên bỏ qua?
Leave a Comment