Gần 200 người dân làm nghề nuôi ngao ở quận Hải An và huyện Kiến Thuỵ (Hải Phòng), vào sáng ngày 11/8 tập trung trước Uỷ ban Nhân dân (UBND) quận Hải An, để phản đối quyết định cưỡng chế, giải toả bãi ngao tại hai quận, huyện này.
Từ đầu năm nay, đại diện của hàng ngàn hộ dân sống nhờ vào bãi ngao ở hai quận, huyện nêu trên, cũng đã nhiều lần ra tận Hà Nội gởi đơn khiếu nại tại các văn phòng, cơ quan Chính phủ về quyết định thu hồi, giải toả bãi ngao ven biển để khai thác cát, của chính quyền thành phố Hải Phòng.
Một người dân làm nghề nuôi ngao ở vùng biển thuộc quận Hải An, từ khoảng 20 năm nay, yêu cầu không nêu danh tính vì lý do an toàn, nói với RFA rằng, theo Quyết định 169 của UBND thành phố Hải Phòng thì vào ngày 15/8, chính quyền sẽ cưỡng chế, tháo dỡ chòi canh, cọc quây bãi nuôi ngao tại Quận Hải An và huyện Kiến Thuỵ:
“Người ta ra quyết định xử lý hành chính và cưỡng chế di dời vào ngày 15/8. Bây giờ bà con đang đi đấu tranh để tạm dừng cưỡng chế, để bảo vệ tài sản và các chòi canh của bà con.
Mỗi lần đi khiếu nại là khoảng 200 người. Mọi người đã đi được rất nhiều các cơ quan từ Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thủy sản, Cục Khoáng sản… Nói chung là đi nhiều nơi lắm nhưng mà cũng chưa có cơ quan chức năng nào về để giúp được dân cả.”
Phóng viên RFA nhiều lần gọi điện vào số máy UBND quận Hải An, được đăng trên Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng để tìm hiểu chi tiết vụ việc, nhưng không có ai nghe máy dù trong giờ hành chính.
Người dân này cho RFA biết thêm rằng từ thời xa xưa, khi mà chưa có cả Luật Đất đai, cư dân địa phương đã dày công khai hoang, cải tạo vùng bãi bồi ven biển để nuôi trồng thuỷ hải sản, theo đúng như chủ trương phát triển kinh tế của Nhà nước.
Trong suốt quá trình nuôi ngao, sò, don… từ trước những năm 1992, các hộ dân chưa bị cơ quan chức năng nào nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính về việc khai hoang và nuôi trồng này.
Cho đến nay, các hộ dân đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mở rộng sản xuất nuôi trồng. Nếu cưỡng chế giải toả thì hàng trăm hộ dân coi như mất trắng:
“Chính quyền đang tước bỏ quyền sử dụng đất của mọi người. Mình khai hoang bãi bồi, cải tạo xong rồi mình nuôi trồng thủy sản theo chủ trương của nhà nước là khai hoang lấn biển để phát triển kinh tế.
Nếu bây giờ vẫn cứ cương quyết cưỡng chế thì số tài sản đó ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm. Người ta không thương lượng đền bù gì cả, người ta đang ép dân vào tình thế là nuôi trồng trên vùng đất và nước chưa được cấp phép.”
Từ năm 2018, thành phố Hải Phòng có chủ trương quy hoạch lại, giảm diện tích vùng nuôi ngao ven biển để khai thác cát.
Theo Cổng thông tin thành phố Hải Phòng, năm 2018, UBND huyện Kiến Thụy ra quyết định số 635 về phê duyệt quy hoạch vùng nuôi ngao ven biển Kiến Thụy. Theo đó, diện tích nuôi ngao ven biển Kiến Thụy sẽ giảm từ hơn 3.000ha xuống chỉ còn 750ha.
Ngày 10/5/2022, UBND thành phố Hải Phòng ra Thông báo số 232/TB-UBND về việc di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép tại các khu vực đã cấp phép khai thác khoáng sản cát ở quận Hải An và huyện Kiến Thụy.
Nội dung thông báo này xác định các hộ dân nuôi ngao trên biển không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, gây cản trở hoạt động khai thác cát tại các mỏ cát đã được UBND thành phố cấp phép, gây cản trở hoạt động quản lý của nhà nước. Do đó, UBND quận Hải An, huyện Kiến Thụy phải thực hiện di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép này.
Người dân ở đây không đồng ý với Thông báo số 232 nên đã gởi đơn khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giữ nguyên hiện trạng để các hộ dân được tiếp tục nuôi trồng thủy sản, đảm bảo đời sống của nhân dân.
Ngày 18/5, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, thuộc Thanh tra Chính phủ, có văn bản gởi Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, yêu cầu xem xét, giải quyết và trả lời khiếu nại của người dân theo quy định pháp luật.
Ngày 27/5, UBND thành phố Hải Phòng ra thông báo không thụ lý, giải quyết khiếu nại của người dân về thông báo cưỡng chế số 232.
Ngày 20/6, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND Hải Phòng có buổi làm tiếp xúc với bà con nuôi ngao tại quận Hải An và huyện Kiến Thụy. Tại đây, ông Tùng khẳng định các hộ nuôi ngao vi phạm pháp luật, không được cấp phép nuôi ngao tại khu vực này. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện di dời các hộ nuôi ngao ra khỏi khu vực khai thác cát.
Ông Tùng cũng yêu cầu hai quận, huyện này phải đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở UBND thành phố, nếu phát hiện cá nhân làm không đúng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Leave a Comment