Tân Phong – Việt Tân
Theo Báo cáo ‘Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022’ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế toàn cầu năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhưng đà tăng sẽ chậm lại (tăng trưởng 3,2 – 3,6%), lạm phát tăng cao (khoảng 6%).
Điều này buộc các nước dần thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ, cùng với các rủi ro chính như diễn biến phức tạp của đại dịch vẫn khó lường, chiến sự Nga – Ukraine,…
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 5,5 – 6% trong kịch bản cơ sở, nhưng lạm phát sẽ tăng cao khoảng từ 3,8 – 4,2%.”
—
Có thể nhận thấy dạo này các chính trị gia CSVN ít “nổ” hơn về các dự báo kinh tế như trước đây. Thay vào đó, một số “chuyên gia” thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn truyền thông “lề đảng” nói dựa theo các báo cáo của các tổ chức tài chính quốc tế như đoạn trích trên đây về khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Sự thận trọng hơn trong phát ngôn của các viên chức cộng sản là điều đáng khen bởi ông bà ta có câu “không biết thì dựa cột mà nghe.” Nếu “lãnh tụ” thích nghe mấy lời có cánh thì cứ đút tiền cho mấy tay “chuyên gia quốc tế” viết bài đăng New York Times, Nikkei Asia… sau đó mấy “chiên da kinh tế XHCN” xúm vào tung hô thì an toàn hơn.
Đảng CSVN hiện đang sở hữu 25.000 “tiến sĩ,” chưa kể hàng trăm ngàn thạc sĩ như lá trong rừng. Nghe nói, chỉ riêng viên chức cấp huyện xã đã có tới 60.000 “tiến sĩ lẫn thạc sĩ.” Ấy thế mà nếu Ban Tuyên Giáo, Ban Kinh Tế TW …muốn có một bài viết chất lượng để tranh biện học thuật, đối đáp lý lẽ với mấy cây bút “phản động” tay ngang thì như “mò kim đáy bể.” Cái “trí khôn của đảng” xem ra ngày một què cụt, đui cùi đến thảm hại.
Quay lại trích đoạn về khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 5,5% – 6% trong kịch bản cơ sở nhưng lạm phát sẽ tăng cao khoảng 3,8 – 4,2%, người viết xin đưa ra các ý kiến bổ sung sau:
– Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam cần phải đặt trong bối cảnh các quốc gia hiện là thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc đều phải đối mặt với suy thoái và khủng hoảng. Nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở trong một thời kỳ suy thoái lớn nhất kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai và đã có 2 quí liên tiếp tăng trưởng âm. Châu Âu chìm trong khó khăn, đối mặt với khủng hoảng năng lượng, lương thực và di dân do cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách zero-Covid và hạn chế giao thương, du lịch… Điều đáng lo ngại là những xu hướng này có thể kéo dài tới cuối năm 2023 và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Nền kinh tế gia công phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam sẽ không thể duy trì đà tăng trưởng trên 5% do Cầu thị trường giảm mạnh trong 2 quí cuối năm và kéo dài tới hết 2023.
– Chi phí logistics hiện đang là gánh nặng hàng hóa Việt Nam bởi giá xăng dầu cao, các chi phí ẩn bởi nạn tham nhũng tồi tệ trong bộ máy quan liêu như hải quan, công an giao thông, thuế vụ, quản lý thị trường, biên phòng, cảng vụ… Trong giai đoạn kinh tế suy thoái khó khăn như hiện nay nhưng các chi phí trên không giảm bớt mà có xu hướng tăng cao. Báo chí trong nước đã có lần phản ánh chi phí vận chuyển một container hàng hóa từ cảng Hải Phòng đi Hà Nội với quãng đường hơn 100km thậm chí cao hơn chi phí vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam. Đầu vào của doanh nghiệp Việt Nam có quá nhiều chi phí không thể hạch toán trong khi đầu ra phải chịu mức thuế trung bình cao hơn so với các nước trong khu vực. Điều này bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, làm mất khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
– Trung Quốc hiện là nơi cung ứng tới hơn 80% đầu vào cho hầu hết các ngành công nghiệp của Việt Nam. Từ nguyên liệu, bao bì cho đến máy móc, vật tư tiêu hao, phụ kiện… Hiện tại, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách zero-Covid nghiêm ngặt tới mức khó hiểu. Điều này hạn chế lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam không phải ngoại lệ. Hiện nay, không chỉ chi phí vận chuyển mỗi một container đã cao gấp nhiều lần so với thời điểm trước đại dịch nhưng việc thông quan ở các cảng biển Trung Quốc rất khó khăn. Chuỗi cung ứng đứt gãy làm gián đoạn tiến độ các đơn hàng, khiến các doanh nghiệp ở Việt Nam phải đối mặt với rủi ro bị phạt rất lớn.
– Rủi ro kế tiếp là đồng tiền Việt Nam đang mất giá. Mặc dù tỷ giá so với đồng USD do Ngân Hàng Nhà Nước công bố biến động không đáng kể nhưng giá chợ đen mới là “giá thị trường” và hiện là 24.200 VNĐ ăn 1 USD. Điều này là kết quả tất yếu vì FED đã nâng lãi suất cao nhất kể từ sau Thế Chiến 2. Việc điều chỉnh lãi suất được FED tuyên bố là sẽ kéo dài cho đến khi nào kiểm soát được mức lạm phát hiện tại. Nghĩa là, FED sẽ còn tăng lãi suất và duy trì chính sách này trong trung hạn. Điều này là ác mộng đối với các nước đang phát triển có đồng tiền giá trị thấp như Việt Nam.
– Mặc dù tuyên bố có dự trữ ngoại tệ là 110 tỷ Mỹ Kim, nhưng con số này sẽ nhanh chóng bị bào mòn. Đồng USD tăng giá đương nhiên khiến cho Nợ nước ngoài tăng thêm áp lực và buộc Việt Nam phải phá giá đồng tiền của mình – vốn đã là 1 trong những đồng tiền có giá trị thấp nhất thế giới. Khối doanh nghiệp chưa thể phục hồi sau 2 năm “mắc dịch” thì phải đối mặt với nguy cơ lụi tàn bởi siêu lạm phát, tiền mất giá, lãi suất ngân hàng tăng cao trong khi việc làm ăn kinh doanh ngày càng khó khăn hơn. Những lĩnh vực đang chịu “bão” nhiều nhất hiện nay là xây dựng, vận tải, đánh bắt thủy hải sản…
– Mặc dù, CPI và GDP của Tổng Cục Thống Kê thì luôn đẹp nhưng nó chẳng có chút giá trị nào ngoài việc để các quan chức đọc trong các hội nghị và đánh bóng các báo cáo thành tích nhiệm kỳ. Sự dối trá này của cơ quan thống kê được các nhà kinh tế mỉa mai là “lạc quan thái quá.” Trong khi đó, thị trường chứng khoán đã giảm tới hơn 20% giá trị vốn hóa và thị trường bất động sản chính thức rơi vào trạng thái “ngủ đông” theo đúng chu kỳ 10 năm trước thì phần nào phản ánh được thực trạng èo uột của nền kinh tế.
Nền kinh tế tư bản thân hữu có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” sau gần 4 thập niên “mở cửa” vẫn là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên Lao động và Vốn. Chu kỳ và tốc độ tăng trưởng phập phù theo hình Sin tùy theo các chính sách về tiền tệ và tài khóa cũng như các tham vọng và mục tiêu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của giới chóp bu CSVN mỗi thời kỳ.
Tuy vậy, chưa bao giờ Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng như các quốc gia Đông Á đã “hóa hổ, hóa rồng.” Chất lượng tăng trưởng thấp. Sau 4 thập kỷ “ăn cắp, đi tắt, đón đầu” học tập đủ mọi mô hình kinh tế từ Liên Xô, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Singapore, nền kinh tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế gia công giản đơn, xuất khẩu phụ thuộc vào khối doanh nghiệp vốn FDI.
Thể chế chính trị độc tài, tham nhũng đã và đang triệt tiêu hết các động lực sáng tạo và phát triển, hủy hoại các nguồn lực quốc gia. “Lợi thế nhân công giá rẻ” đầy chua xót đang mất dần, tài nguyên cạn kiệt nhanh chóng bên cạnh các hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường và gánh nặng dân sinh. Việt Nam đứng trước nguy cơ ngày một hiện diện rõ ràng là “chưa kịp giàu đã già” trong tương lai không xa. Trong khi không thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình thấp” mà còn ngập chìm trong núi Nợ.
Biến động về địa chính trị, kinh tế, quân sự ở Đông Nam Á đang diễn ra, nó vừa đem tới những rủi ro và thách thức nhưng đồng thời nó cũng là cơ hội để phát triển đột phá nếu biết nắm cơ hội thay đổi. Tuy vậy, một thể chế chính trị dối trá và tham nhũng như đảng CSVN hiện nay sẽ không có khả năng nhận thức và nắm bắt được cơ hội mà sẽ dẫn dắt con tàu Việt Nam đi vào “tam giác quỷ Bermuda.” Đó là một kết cục thảm khốc có thể nhìn thấy trước.
Tân Phong
Leave a Comment