Các chuyên gia hiện có khuynh hướng bình luận về mối bang giao Việt Nam và Hoa Kỳ giữa những đồn đoán về quan hệ đôi bên đang đi xuống trong bối cảnh một số sự kiện được cho là quan trọng vừa bị hủy bỏ gần đây.
Quan hệ Việt – Mỹ có nguy cơ trở thành con tin cho cả ý thức hệ lẫn các “tai bay vạ gió” là xét trong ý nghĩa môi trường an ninh toàn cầu đang xấu đi như đang được dự báo.
Hội thảo về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden do Đại học Fulbright Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức ngày 5/8/2022 dường như né tránh một hiện tượng đáng quan ngại: Bang giao Việt – Mỹ có nguy cơ bị bắt làm còn tin!
Trần Đông A
Hội thảo gói gọn gần một ngày, từ 8h30 sáng đến 3h chiều ngày 5/8/2022, để kỷ niệm 27 năm (1995 – 2022) sự kiện bình thường hóa ngoại giao giữa hai nước. Theo các nhà tổ chức, quan hệ “đối tác toàn diện” Việt – Mỹ được cho là đã đạt một số thành tựu. Giữa hai nước, tin cậy ngày càng sâu sắc, đầu tư được nâng cao, nổi bật trong các lĩnh vực như an ninh, công nghệ, giáo dục, nguồn nhân lực, người với người. Đúng là khi cả hai quốc gia đều trải qua những thay đổi lớn về chính phủ trong chừng ấy năm, điều quan trọng là phải nhìn nhận lại chiến lược của cả hai chính quyền đối với nhau và triển vọng bang giao trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra vào tháng 11 năm 2022 ở Hoa Kỳ. Hội thảo do Đại học Fulbright Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Tp. HCM chủ trì đã quy tụ các quan chức cấp cao, một số nhà nghiên cứu và chuyên gia hàng đầu để thảo luận về tình hình và triển vọng của các mối bang giao song phương trong môi trường an ninh toàn cầu, về thúc đẩy các quan hệ giao lưu nhân dân và triển vọng hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Con tin của ý thức hệ
Hội thảo đã trưng ra rất nhiều lời “có cánh” về mối bang giao Việt – Mỹ, một cặp quan hệ mà có đại biểu đánh giá là “vượt tầm chiến lược”. Tuy nhiên, chưa rõ vì lý do gì, các phương tiện truyền thông trong nước hầu như ít đưa tin về Hội thảo này. Nếu chúng tôi không bỏ sót thì chỉ có hai nhật báo là Thanh Niên và Tuổi trẻ đăng bài phân tích về sự kiện này. Tờ Tuổi trẻ chạy sáp-pô: “Việt Nam và Mỹ đã trải qua chặng đường dài để trở thành đối tác đáng tin cậy, bạn hữu với những thành tựu đáng kể. Trong bối cảnh thế giới bất ổn như hiện tại, chương tiếp theo của mối quan hệ đối mặt với những thách thức và cơ hội đan xen”. Theo cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, Mỹ là đối tác quan trọng của khu vực và Việt Nam. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS) của Washington bao gồm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có chung mối quan tâm như: hòa bình, ổn định, thịnh vượng, an ninh, kinh tế, công nghệ… Về an ninh, Việt Nam và ASEAN đề cao thượng tôn pháp luật tại khu vực, nhưng đồng thời cũng cần hòa bình, ổn định. Vì vậy, theo ông Vinh, cần có sự cân bằng sức mạnh tại khu vực.
Liên quan đến cục diện phức tạp hiện nay, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng, Việt Nam và ASEAN không muốn chọn bên và cũng không muốn bất cứ một cường quốc nào thống trị khu vực. Dù không tuyên bố công khai, ASEAN ủng hộ nội dung “Chiến lược Indo-Paicfic” (IPS) của Mỹ nhấn mạnh vai trò trung tâm của khối, thể hiện qua “Tầm nhìn về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (AOIP) đã được công bố. Tuy nhiên, theo Đại sứ Vinh, “không chọn bên là đúng nhưng chưa đủ”. “Chúng ta không chỉ không chọn bên mà còn phải chơi được với tất cả các nước lớn và các đối tác khác. Quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ cần phải đặt trong bối cảnh đó”, ông Vinh nói với báo Thanh Niên. Giới quan sát rất chú ý đến quan điểm này của ông Vinh. Nếu quan hệ Việt – Mỹ “bị” đặt trong bối cảnh ấy, nghĩa là nó phải chịu sự chi phối của hai mối quan hệ ưu tiên cao hơn, đó là bang giao Việt – Trung và quan hệ Việt – Nga! Với đà ấy, quan hệ Việt – Mỹ có nguy cơ trở thành “con tin của ý thức hệ” (hostage of ideology), cho dù chủ nghĩa cộng sản ngày nay không còn là chất keo kết dính ba đối tác này với nhau.
Ngoài không gian Hội thảo, truyền thông quốc tế đã có một loạt trao đổi với các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này. Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giảng viên Đại học Fulbright, cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (ISCS), bình luận với BBC từ Sài Gòn rằng, Mỹ đang có những mối bận tâm khác trong thế giới đầy biến động, nên Việt Nam sẽ không nằm trong ưu tiên lịch trình làm việc của phía Mỹ. Khi nghe đánh giá này, nhiều ý kiến nhận xét theo hướng ngược lại. Việt Nam không nằm trong ưu tiên lịch trình làm việc của Mỹ thì tại sao chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, Mỹ đã cử nhiều quan chức cấp cao của Chính quyền sang Việt Nam, đề xuất với Lãnh đạo Việt Nam những kiến nghị rất cụ thể để nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược”? Đó là những chuyến thăm quan trọng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng thứ Nhất Bộ Ngoại giao, thậm chí Ngoại trưởng Blinken cũng từng lên kế hoạch thăm Hà Nội đầu tháng Bảy vừa qua? Nhưng có lẽ phải kể đến chuyến thăm để lại nhiều tiếng vang của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris với một lộ trình tổng thể để tăng cường các nhân tố chiến lược. Nhưng qua sự đối đãi không tương xứng từ Chính quyền Hà Nội, ngay từ thời điểm bấy giờ đã có những quan ngại cho tương lai của mối quan hệ Việt – Mỹ đầy duyên nợ.
Con tin của những “tai bay vạ gió”
Các chuyên gia hiện có khuynh hướng bình luận về mối bang giao Việt Nam và Hoa Kỳ giữa những đồn đoán về quan hệ đôi bên đang đi xuống trong bối cảnh một số sự kiện được cho là quan trọng vừa bị hủy bỏ gần đây. Cụ thể, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ hủy chuyến cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào cuối tháng Bảy. Sau khi “cancel” thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Antony Blinken đi liên tục tới các nước trong ASEAN mà không ghé Việt Nam, nước có quan hệ “đối tác toàn diện” với Hoa Kỳ, đã làm dấy lên một số lo lắng. Mọi so sánh đều khập khiểng, nhưng nếu những ai theo dõi các cuộc tiếp xúc của ông Blinken với tân Tổng thống Marcos Jr. và tân Ngoại trưởng Philippines thì không khỏi chạnh lòng. Ông Blinken nói, Philippines là đối tác “không thể thay thế” của Mỹ, bảo đảm với Manila Mỹ sẽ kích hoạt các lực lượng quân sự nếu Philippines bị tấn công. Tổng thống Biden đã có lời mời Tổng thống Marcos thăm Whasington trong thời gian tới. Trước đó, chiều 5/8, bên lề chuỗi hội nghị ASEAN ở Campuchia, ông Antony Blinken cũng có gặp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nhưng hai bên chỉ trao cho nhau những lời “ngọt như mía lùi” mà không hàm chứa bất cứ nội dung thực chất nào.
Nhân Quốc khánh Singapore (9/8), Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa đưa ra lời cảnh báo về phạm vi tính toán sai lầm đối với căng thẳng ở Eo biển Đài Loan, mà ông cho rằng khó có thể sớm giảm bớt trong bối cảnh nghi ngờ sâu sắc và giao tiếp hạn chế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong diễn văn truyền hình trước ngày Quốc khánh, ông Lý nói Singapore sẽ phải hứng chịu sự đối đầu gay gắt và căng thẳng trong khu vực, điều này sẽ chuẩn bị cho một tương lai kém hòa bình và ổn định hơn bây giờ. Tình hình này khó có thể sớm được cải thiện. Đấy là chưa kể, những tính toán sai lầm hoặc rủi ro có thể dễ dàng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều. “Xung quanh chúng ta, một cơn bão đang tích tụ. Quan hệ Mỹ – Trung đang xấu đi, với những vấn đề khó giải quyết, những nghi ngờ sâu sắc và sự giao tiếp hạn chế”, ông Lý nói. Cũng như Singapore, Việt Nam có lẽ hoàn toàn chia sẻ với nỗi lo từ những “tai bay vạ gió” này. Vì lý do cả khách quan lẫn chủ quan, “cơn bão đang tích tụ” ấy khi vào đến xứ Đông Lào này, mức độ tàn phá của nó chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. Quan hệ Việt – Mỹ có nguy cơ “trở thành con tin” cho cả ý thức hệ lẫn “tai bay vạ gió” là xét trong ý nghĩa môi trường an ninh toàn cầu đang xấu đi như Lý Thủ tướng dự báo.
BBC News Tiếng Việt vẫn dẫn tiếp lời của Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung khi ông phân tích: Với việc bị lỡ hẹn hai lần vào tháng Năm và tháng Bảy năm nay cho chuyến ghé thăm của tàu sân bay, có thể nói, mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có một “nốt trầm” trong năm 2022, mặc dù vẫn còn những hoạt động tiếp nối từ những năm trước đó. Rồi ông Trung giải thích, Việt Nam thể hiện quan điểm khác biệt với phía Mỹ và phương Tây trong các phiên bỏ phiếu về những vấn đề liên quan đến cuộc xung đột Ukraine ở ĐHĐ/LHQ không phải là kết quả của quá trình tính toán lý trí về lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc, mà là sự thể hiện của những gắn bó cảm xúc và tư duy từ thời chiến tranh lạnh.
Xin lỗi! Thật khó chia sẻ với TS. Trung về nhận xét này! Tại sao một lá phiếu ở LHQ từ một đất nước như Việt Nam, từng tuyên bố đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên hàng đầu, lại không phải là “quá trình tính toán lý trí”, mà chỉ là sự thể hiện “những cảm xúc” đơn thuần? Không nhẽ chúng ta cũng xuất phát từ những “cảm xúc và tư duy từ thời chiến tranh lạnh” để mời Tổng thống Biden thăm Việt Nam vào cuối năm nay?
Leave a Comment