[Nhân vụ ăn chơi xa hoa của kẻ cầm quyền trên những chiếc du thuyền siêu sang ở Quảng Ninh giữa cảnh các “ông chủ” đang phải sống như bầy chó đói, nhớ một bài viết cũ, ghi từ cách đây gần 10 năm rồi. Bây giờ thì có vẻ như đã tệ hơn. Bỗng nhớ kiệt tác Trại súc vật của George Orwell…]
Cách nay 10 năm, khi vừa tốt nghiệp sau đại học, tôi mang theo những hi vọng và lên đường vào Nam theo lời giới thiệu của một người bạn là giảng viên của ĐH Thủ Dầu Một cùng với bộ hồ sơ rất chỉn chu trên tay. Trong thời gian chờ đợi sau khi nộp hồ sơ, tôi trở lên khu công nghiệp Nam Tân Uyên, nơi có những người bạn của mình đang lao động. Và ở đó, tôi mới mục sở thị đời sống của công nhân, đặc biệt là công nhân cao su.
Khi hồ sơ của mình cứ chìm mỗi lúc một sâu hơn vào im lặng, tôi quyết định ở lại chỗ của bạn bè để tìm một công việc. Các bạn tôi, đều là người cùng quê, học phổ thông cùng nhau, nhưng vì thi rớt đại học nên tứ tán khắp nơi, trong đó có một số vì có người quen nên “xin” được vào làm công nhân cạo mủ cao su ở Tân Uyên (Bình Dương).
Mỗi công nhân có 3 lô ở 3 địa điểm khác nhau trong nông trường. Họ sẽ phải làm tất cả mọi công việc trên 3 lô ấy từ các công đoạn như vệ sinh, quét lá rụng, phát cỏ, chăm sóc cây… cho đến việc cạo mủ, và thu gom. Mỗi ngày sẽ cạo ở 1 lô khác nhau theo vòng tròn. Công việc của họ là thức dậy vào lúc 1-2h sáng, tùy theo mùa và tự di chuyển vào nông trường để cạo mủ. Cạo xong khoảng 6h, nghỉ ngơi, ăn sáng, và khoảng vài tiếng sau thì bắt đầu trút mủ vào trong những chiếc thùng khoảng 20 lít.
Trong khoảng thời gian đợi cho mủ chảy hết trước khi thu gom này, thì họ phải di chuyển tới một vị trí khác, có thể gần hoặc cách xa vài km để làm vệ sinh cho bát đựng mủ của ngày hôm trước. Tất cả đều phải tinh tươm. Sau khi vệ sinh chén bát xong thì quay về để trút mủ vào những chiếc thùng, công việc này diễn ra trong khoảng từ 1 – 2 tiếng. Sau đó, công nhân đưa mủ về chỗ tập kết, cân và cộng dồn theo tháng. Thu nhập gồm lương cơ bản và sản lượng hàng tháng.
Khi tất cả những công việc này đã xong xuôi thì đồng hồ điểm khoảng 12 – 13h. Và họ trở về “nhà”, chủ yếu là các gian phòng trọ. Ở đây, nếu người nào “ngoan” thì sẽ đi ngủ tới 17 – 18h thì thức dậy ăn tối; ra vô một lát thì ngủ tiếp để nửa đêm đi làm. Nhưng đa số không như vậy. Sau khi từ nông trường về, họ sẽ ngủ tới nửa chiều và thức dậy lúc khoảng 15 – 16h và sẽ tụ tập để nhậu. Gần như 1 tháng sẽ nhậu khoảng gần đủ 30 ngày như thế. Những cuộc rượu vô bổ ấy diễn ra lâu mau tùy theo bữa, nhưng có thể kéo dài tới 22 – 23h đêm thì lăn ra ngủ giữa bao nhiêu đồ ăn, chai lọ, chén bát.
Điện thoại (hoặc đồng hồ) luôn được hẹn giờ sớm hơn khoảng 1 tiếng, với mức chuông to nhất và chát chúa nhất. Chuông kêu đinh tai nhức óc kéo dài có khi cả tiếng thì họ mới có thể lết dậy được. Và chạy xe máy như người mộng du giữa đêm lạnh miền Đông vào trong các lô cao su.
Đời sống tinh thần của họ dường như không có gì, ngoài chiếc điện thoại (thời ấy chưa nhiều smart phone như bây giờ) và các bữa nhậu triền miên. Công nhân cao su vì thức đêm và luôn ở dưới bóng rợp của tán rừng và ngủ nốt khoảng thời gian còn lại của ngày trong các phòng trọ tối tăm nên trông họ gầy gò, xanh xao, hai mắt sâu hoắm và thường đỏ ngầu vì thiếu ngủ.
Thế là phải “nịnh”, phải quà và phải vắt chân lên cổ để làm hoàn hảo tất cả mọi việc. Một suất công nhân cao su thường thì 1 người không thể làm xuể mà phải kéo cả vợ, mẹ vợ, em vợ… vào làm. Tất nhiên là lương chỉ được 1 suất! Thời điểm cách nay mươi năm, lương công nhân cao su khá cao so với các nghề khác vì mủ có giá (mỗi tháng khoảng trên dưới 10 triệu đồng), thưởng cuối năm dao động tùy loại từ 10 – 30 triệu đồng. Để giữ được một chân công nhân, người lao động phải huy động nhân lực nhàn rỗi trong gia đình đến việc biếu xén. Còn những người một thân một mình thì thường phải thuê thêm người để làm phụ một số công đoạn nào đó.
Có những người lao động nhiều năm, đã đến tuổi lập gia đình thì lấy một cô công nhân nào đó, và họ sinh ra những đứa con trong những phòng trọ tối tăm nhếch nhác. Thời gian cho con cái gần như không có. Sau thời gian thai sản, những đứa bé thường được gửi về quê cho ông bà nuôi để cha mẹ tiếp tục đi làm. Khi con được vài ba tuổi thì đưa vào để gửi trẻ. Cuộc sống đầu tắt mặt tối cùng những áp lực và trình độ văn hóa khiến họ không có thời gian dạy dỗ, trò chuyện và ôm ấp con cái. Những đứa bé cứ thế lớn lên trong một môi trường khô khốc.
Tôi đã sống cùng họ khoảng 3 tháng và chứng kiến tất cả cái thảm trạng của đời sống tối tăm, cơ cực ấy. Nhiều lần tôi có theo họ vào nông trường để xem và tham gia cho khuây khỏa trong lúc tìm việc. Ở đó tôi thật sự ngạc nhiên khi có tới khoảng 80 – 90% công nhân sống trong tình trạng đã ly hôn sau khi lập gia đình. Những đổ vỡ này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó đời sống văn hóa, áp lực mưu sinh và sự tùy tiện trong các mối quan hệ.
Nông trường cao su này ở ngay sát nách khu CN Nam Tân Uyên. Quan sát những giờ tan tầm với đoàn người dài hàng km gây ùn tắc cả giờ đồng hồ trước khi họ tản dần vào các con ngõ tối để về những khu trọ ẩm thấp và cũng sống một tình trạng gần như công nhân cao su, thấy thật sự ái ngại. Họ đi làm, thường là phải tăng ca (bắt buộc) nhưng chủ yếu để phục vụ cho các nhu cầu tiêu xài cá nhân rất vô bổ. Tuổi thanh niên đã chôn vùi trong các nhà máy để đổi lại một tương lai không có gì hứa hẹn. Rất ít người đã vượt lên được môi trường để có một cuộc sống tương đối bình thường; đa số yêu đương, cặp đôi tùy tiện rồi sống cùng trong các phòng trọ chật hẹp. Và thường là không cưới nhau, hoặc nếu có thì cũng không bền chặt. Vì thực ra hầu hết đều chưa trưởng thành về nhận thức, nếu không nói rằng rất khó có thể trưởng thành.
Khi tôi rời Tân Uyên về vùng đất khác, ở nơi này tôi có tiếp xúc với những người già, rất già. Có một bà cụ lúc đó đã ngoài 80 tuổi, là người trông con cho chúng tôi, còn rất minh mẫn và vui vẻ. Tôi tò mò và được nghe các cụ kể về thời Pháp thuộc khi bà đi làm công nhân cho các nông trường thuộc địa. Bà kể rằng, ngày xưa một người đi làm cho đồn điền của Pháp thì thường không phải tiêu đến lương tháng, tiền ấy dùng mua vàng để dành vì họ đã cấp đủ gạo, mắm, muối, đường và các nhu yếu phẩm đủ cho cả nhà dùng; con đi học không mất tiền, thậm chí còn “bị” bắt uống sữa và các loại vitamin định kì. Mỗi đêm, sẽ có xe tới tận ngã ba đón và chở tất cả vào nông trường; làm xong thì xe của nông trường lại chở về nhà. Mỗi công nhân cao su chỉ phải làm 1 công đoạn, ai trút mủ thì chỉ trút mủ, ai làm vệ sinh thì chỉ làm vệ sinh. Nói chung đời sống của công nhân rất tốt chứ không như bây giờ.
Cách đây khoảng 3 tháng tôi có dịp trở lại Tân Uyên. Cao su đã mất giá mấy năm nay, công nhân không còn mặn mà nữa, nông trường cũng bị thu hẹp để nhường đất cho các khu công nghiệp… Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều những công nhân khi họ đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp của cả ta và Tàu, và tôi hiểu họ đang phải trải qua những gì.
Đời sống của công nhân Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề, bên cạnh mức sống là đời sống văn hóa – tinh thần. Những người công nhân phải bán sức lao động rẻ mạt của mình cho các công ty nước ngoài và các tập đoàn trong nước, và họ đang bị đối xử thiếu nhân văn, nhất là về mặt áp lực tinh thần do những người quản lý cấp thấp trực tiếp gây nên. Những bất công và tình trạng tăm tối mà tầng lớp công nhân Việt Nam đang trải qua là rất khủng khiếp và không thể nhắm mắt làm ngơ bằng cách phủ lên những con số về tỉ lệ tăng trưởng, tỉ lệ thất nghiệp và vô vàn sự tô vẽ khác.
Đã hơn 10 năm trôi qua, đến giờ tôi vẫn luôn cảm thấy nỗi cô đơn của công nhân Việt Nam ngay trên quê hương mình./.
Thái Hạo
Leave a Comment