Phú Nhuận (VNTB)
Làm việc tại các công ty tư nhân có điều kiện tốt hơn: ít đụng chạm, lương cao, có cơ hội học hành…
Vì sao trong các đơn xin nghỉ việc của công viên chức họ đều một mẫu chung: theo nguyện vọng cá nhân? Vậy nguyện vọng thực chất của họ là gì?
Bác sĩ Võ Xuân Sơn kể: “Tôi là người có thu nhập khá cao khi còn làm trong nhà nước. Mặc dù khi ấy tôi chỉ có hai ngày cuối tuần để kiếm tiền, nhưng vài năm sau cùng khi còn làm ở bệnh viện công, có lẽ tôi có thu nhập cao hơn khi tôi ra tư nhân.
Nhưng tôi chỉ thực sự có hạnh phúc gia đình sau khi tôi nghỉ nhà nước ra tư nhân. Những bữa cơm gia đình, thời gian dành cho vợ con đã giúp tôi thoát được những bất hạnh và tan vỡ đeo đuổi suốt bao nhiêu năm vừa miệt mài làm việc, vừa làm phòng mạch để kiếm sống.
Đấy là tôi chưa nói đến việc, chỉ đến khi ra tư nhân, tôi mới có thể tự do đeo đuổi những ước mơ, những dự tính phát triển chuyên môn. Điều này, khi ở trong nhà nước, tôi không hề có được. Khi đó, mặc dù hy sinh rất nhiều cho công việc, cho khoa học, cả tiền bạc, thời gian, hạnh phúc gia đình… Nhưng tôi cũng không có được tự do phát triển chuyên môn. Tất cả đều phải trông chờ vào thái độ và sự vui buồn của sếp, và cả những toan tính của các đồng nghiệp, sợ tôi tiến quá xa rồi tranh giành mất ghế hoặc tiếng tăm của họ”.
Một cựu lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết hồi năm 2008, trong số cán bộ nghỉ việc ở sở này có một trưởng phòng, một phó phòng và một cán bộ trình độ thạc sĩ thuộc diện đào tạo của Thành ủy TP.HCM. Ông cho rằng ngoài vấn đề thu nhập, áp lực công việc trong ngành xây dựng ngày càng nặng, dư luận chưa hài lòng trong phục vụ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “dứt áo” ra đi của nhiều cán bộ, đó là chưa nói động viên thì ít nhưng thường bị chê trách, phê bình nhiều khiến cán bộ băn khoăn, tâm tư, thậm chí cảm thấy chán nản.
Vị cựu lãnh đạo này thừa nhận làm việc tại các công ty tư nhân có điều kiện tốt hơn: ít đụng chạm, lương cao, có cơ hội học hành…Những yếu tố này đã tác động không ít đến cán bộ công chức.
Lãnh đạo một sở đã nghỉ việc, đang làm bên ngoài tâm sự nhiều người khi vào làm ở cơ quan nhà nước là chấp nhận mức lương không cao để được cống hiến, phát huy năng lực của mình. Nhưng tại một số cơ quan, cán bộ được bố trí không phù hợp với chuyên môn nên làm việc không hiệu quả, cách tốt nhất mà họ chọn lựa là ra đi.
Vẫn theo cán bộ này, xu hướng dịch chuyển lao động là tất yếu và ngay trong thị trường công nhân lành nghề cũng đang có sự biến động này, ước lượng đến cả trăm ngàn người mỗi năm. Vấn đề đáng lo là nếu sự ra đi của hàng loạt cán bộ có chuyên môn giỏi sẽ tạo ra những khoảng trống trong công việc, khó bù đắp. Điều này không những liên quan đến việc tham mưu cho lãnh đạo, cơ quan cấp trên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ dân.
Một câu chuyện thực tế qua lời kể của người bạn từ chục năm trước: “Tôi làm công tác thông tin – truyền thông ở một đơn vị sự nghiệp công lập. Hằng ngày làm việc với văn bản, giấy tờ, website cơ quan, hoặc dự họp… Nhưng tôi thấy những việc mà tôi mất thời gian và lãng phí sức trẻ để làm, nó không có ích cho ai cả. Thậm chí còn có hại.
Những tin tức hoạt động mà tôi đưa lên bản tin/website, hầu hết là viết cho có, tô hồng thực tế, lờ đi hầu như tất cả khuyết điểm… Một dự án mà tôi và tất cả những người liên quan đều biết thừa là được vẽ ra để moi tiền Nhà nước, không mang lại bất cứ lợi ích nào cho cuộc sống người dân, nhưng khi đưa tin, thế nào tôi cũng phải viết là “Dự án đã mang lại những kết quả khả quan, nâng cao nhận thức người dân, đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Lãnh đạo và người dân địa phương mong muốn nhân rộng…”.
Nhiều khi tôi phải vẽ ra kế hoạch một hạng mục công việc, vẽ ra báo cáo kết quả, rồi hoàn thiện các giấy tờ để thanh toán hợp lý. Tiền “giải ngân” được thì tôi được sếp “duyệt” cho hưởng một tí, còn lại thì nộp cho thủ quỹ cơ quan – số tiền này tôi không thể biết nó sẽ đi đâu…
Trong suốt những năm làm việc ở cơ quan ấy, tôi tin rằng tôi đã mất không dưới 70% năng lượng của mình để lo giấy tờ, hóa đơn thanh toán cho những công việc mà mình đã làm như viết tin bài, làm bản tin, cập nhật website…
Những yêu cầu của kế toán, của cấp trên, của cơ quan chức năng liên quan đến việc thanh toán này thực sự là một “mê hồn trận” đánh gục tất cả những người thực hiện như tôi. Tôi thường phải chạy đôn chạy đáo, ăn không ngon, ngủ không yên vì lo hợp lý hóa các loại chứng từ, hóa đơn, chữ ký…
Lắm khi tôi muốn phát điên vì những thủ tục thanh toán vô cùng máy móc và ấu trĩ – mà kế toán cơ quan luôn nói đó là “yêu cầu của Kho bạc Nhà nước” hay “yêu cầu của kế toán cấp trên”… Nhiều khi, những quy định của cơ quan chức năng khi về đến cơ sở, được “diễn dịch” như thế nào lại hoàn toàn tùy thuộc vào trình độ, thái độ của người có quyền hành.
Cho nên, tôi lắm phen khốn đốn. Thanh toán một chuyên đề thì sửa đi sửa lại chứng từ đến hàng trăm lần – thực sự không đếm nổi, cái máy in của phòng tôi nhiều ngày in đi in lại giấy tờ thanh toán đến “cháy” cả máy. Chị kế toán bị sức ép từ cấp trên và từ cái “mê cung” giấy tờ ấy mà thành ra khó kiềm chế nổi, liên tục quát tháo, chửi bới người nào không làm đúng thủ tục như yêu cầu.
Những chứng từ làm khống, chữ ký giả… tất cả mọi người đều biết với nhau, vì nếu không có những thứ đó thì không thể nào hoàn thiện đủ giấy tờ để thanh toán theo quy định. Khi làm những thứ đó, tôi luôn có cảm giác mình là đứa ăn cắp – ăn cắp tiền thuế của nhân dân…
Cuối cùng thì tôi chọn xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước đó, và tôi biết không ít bè bạn đồng trang lứa, được học hành tử tế cũng từng gặp hoàn cảnh như tôi khi làm việc trong cơ quan nhà nước để tìm kiếm một suất biên chế…”./.
Leave a Comment