Tân Phong – Việt Tân
Chuyến đi của bà đầm gân hơn 80 tuổi Pelosi tới Đài Loan đã kết thúc nhưng truyền thông và cả giới quan sát chính trị vẫn tiếp tục mổ xẻ hệ quả từ chuyến đi lịch sử này. Những bài viết thường thì nằm ở hai cái nhìn đối lập và cũng hơi chút cảm xúc thái quá. Một số ủng hộ và và phần còn lại thì cho rằng chuyến đi của Pelosi chỉ chọc tức thêm con thú hung bạo đang tìm kiếm cơ hội để lao vào cắn xé Đài Loan. Sẽ chẳng có lợi ích gì hết ngoài việc gây khó thêm cho các doanh nghiệp Đài Loan đang làm ăn với đại lục cũng như bầu không khí căng thẳng ở eo biển này. Thậm chí sẽ dẫn đến cả Thế Chiến III…
Theo nhận định của người viết, chuyến thăm không chính thức của bà Pelosi tới Đài Loan vẫn được coi là một thành công trên cả phương diện cá nhân, cũng như có tác động tích cực tới uy tín đang giảm sút của đảng Dân Chủ trước những thách thức trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng Mười Một tới đây. Đảng Dân Chủ đang có nhiều vấn đề khó khăn từ suy thoái kinh tế, lạm phát, khủng hoảng di dân, an ninh nội địa… trong khi giải pháp thì hạn chế. Chuyến đi của bà Pelosi là một hình ảnh có giá trị cho đảng Dân Chủ trên trường quốc tế nhưng ở một góc nhìn khác nó cũng cho thấy một hình ảnh siêu cường đang mờ nhạt dần.
Cuộc gặp gỡ của bà Pelosi với Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn diễn ra giữa tiếng gầm của oanh tạc cơ, tên lửa và đạn pháo xung quanh đảo Đài Loan với qui mô chưa từng có do quân đội Trung Quốc PLA tiến hành suốt mấy ngày liền. Nó tạo ra một khung cảnh rất nhiều sắc thái thú vị, đáng bàn luận.
Về cơ bản, trên phương diện quân sự, thì Trung Quốc đã tốn kém một khoản tiền lớn và huy động một lực lượng quân đội đáng kể để trình diễn năng lực hành quân, hậu cần và vũ khí rất công phu cho Bộ Quốc Phòng Đài Loan và Hạm Đội 7 Hoa Kỳ có cơ hội quan sát kỹ lưỡng và đánh giá chi tiết. Những thông tin thu thập được chắc chắn sẽ rất hữu ích. Thật hiếm có một cơ hội như vậy.
Về phương diện chính trị, hình ảnh hai người đàn bà bình thản gặp nhau giữa bầu không khí đậm đặc khói thuốc súng, cũng như rất nhiều lời đe dọa theo kiểu xã hội đen của Hoàn Cầu Thời Báo… dường như có một tác dụng ngược với mong muốn của Bắc Kinh. Hình ảnh tương phản này, cho thế giới Tây Phương thấy được bản chất cũng như khả năng thực sự của Trung Quốc Cộng Sản đảng và PLA sau nhiều thập niên hiện đại hóa và theo đuổi các mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng ra khu vực Thái Bình Dương và toàn cầu, thách thức các trật tự quốc tế cũ đầy tham vọng.
Về phương diện kinh tế, an ninh quốc phòng, sau chuyến thăm của bà Pelosi, Trung Quốc trừng phạt một số doanh nghiệp Đài Loan. Tuy vậy, những doanh nghiệp này thuộc những lĩnh vực không quan trọng. Tất nhiên, sẽ có chút ảnh hưởng và khó khăn cho người dân. Nhưng đó không phải là một thảm họa. Đổi lại, Đài Loan có được cơ hội chưa từng có kể từng sau Thế Chiến II để trở thành một thế lực quân sự, kinh tế hùng mạnh bậc nhất ở Đông Á trong thời gian tới.
Chính phủ Đài Loan và người dân xứ Formosa đã minh chứng rất rõ ràng rằng họ là một quốc gia độc lập về chính trị, tự cường về kinh tế và có năng lực bảo vệ tổ quốc. Đài Loan có một bản sắc văn hóa đặc sắc và phong phú, một nền kinh tế vững mạnh và thậm chí sở hữu ngành công nghiệp bán dẫn lớn mạnh nhất thế giới, có khả năng chi phối nền công nghiệp điện tử, máy tính,… các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ cao toàn cầu… Văn hóa chính trị ở Đài Loan là đa nguyên, đa đảng và dân chủ. Người dân Đài Loan thấu hiểu giá trị vô song đó và sẵn sàng bảo vệ những giá trị này bằng mọi giá.
Những gì đã diễn ra ở cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine do Putin phát động đã cho thế giới thấy những nhà độc tài và các thể chế chính trị chuyên chế là những rủi ro to lớn tới hòa bình và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Nhưng đối diện với Trung Quốc trong một cuộc chiến toàn diện từ ý thức hệ, văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự… thế giới Tây Phương mà Hoa Kỳ đứng đầu sẽ gặp nhiều khó khăn gấp bội so với một cường quốc hạng hai như Nga. Như câu tục ngữ Latin nổi tiếng Si vis pacem, para bellum – “Muốn có hòa bình hãy chuẩn bị cho chiến tranh” mà Putin thường hay nhắc tới, cuộc chiến tranh định mệnh giữa hai cường quốc Mỹ Trung sẽ phải lựa chọn một “sàn đấu” ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.
Nhiều người dựa trên phân tích trên cơ sở duy lý, đánh giá khả năng xung đột thấp giữa Mỹ Trung ở eo biển Đài Loan trong khi nhấn mạnh lợi thế địa kinh tế chính trị và quân sự, vai trò của Đài Loan trong chuỗi đảo thứ nhất, những cam kết bảo vệ của Hoa Kỳ, sự hậu thuẫn của liên minh Mỹ-Nhật-Hàn với Đài Loan cũng như sức nặng đáng kể của Đài Loan trong việc nắm giữ nền công nghiệp bán dẫn có khả năng chi phối nền công nghiệp điện tử toàn cầu, nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến và quân đội có ý chí và năng lực…,v.v. Tất cả điều đó đều đúng.
Người Đài Loan cho tới nay vẫn bình thản đi làm, vui chơi, ăn uống cũng giống như những người dân Ukraine uống bia và lặng lẽ quan sát những cuộc tập trận của Putin trước khi cuộc chiến tranh bắt đầu. Chính phủ của bà Thái Anh Văn cho đến nay không để xảy ra bất cứ một sai lầm nhỏ và phản ứng rất tiết chế, trong khi chuẩn bị chu đáo cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điều đó chứng tỏ một thực lực rất vững vàng, hùng mạnh. Không chỉ ở hệ thống nhà nước, quân đội mạnh mẽ mà còn ở sức mạnh tiềm ẩn của quốc dân Đài Loan. Người Đài Loan có được sự chuẩn bị tốt hơn, chủ động hơn Ukraine và lợi thế địa lý cho phép họ tiến hành một cuộc chiến phòng vệ hiệu quả.
Điều người viết muốn nhấn mạnh, sẽ là sai lầm lớn nếu đánh giá thấp rủi ro chiến tranh Trung-Đài. Trong lịch sử hình thành các “đế quốc Đỏ,” các lãnh tụ cộng sản rất nhiều lần hành động duy ý chí và nhiều quyết định xuất phát từ thói vĩ cuồng cá nhân bất chấp hậu quả. Nếu Tập Cận Bình nhìn nhận việc “thu hồi” Đài Loan trong bối cảnh các nền dân chủ lâu đời trên thế giới đang suy yếu là một cơ hội tốt để lưu danh muôn thuở, thì rất có thể, Đài Loan sẽ là một Ukraine thứ 2 trong tương lai gần. Trong bộ máy độc tài, ý chí của lãnh tụ quyết định tất cả. Cơ cấu quyền lực kiểu kim tự tháp không có khả năng tự sửa chữa sai lầm một khi những quyết định đó xuất phát từ đỉnh cao quyền lực. Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Putin là một ví dụ.
Hiện tại, Trung Quốc đang khiến cho cả thế giới kinh ngạc về chính sách zero-Covid và những hạn chế tự do cá nhân lẫn các hoạt động kinh tế quốc dân. Chắc chắn, mục đích cuối cùng không phải là “bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho nhân dân.” Mạng người dân là thứ rẻ nhất trong một xã hội chuyên chế. Hãy nhớ đến những gì đã xảy ra với hàng vạn sinh viên ở Thiên An Môn, hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, những người tập Pháp Luân Công… Hãy nhớ đến những cuộc đàn áp và giết người ở Hong Kong mới đây. Hãy nhìn Tập Cận Bình biến một “hòn ngọc Đông Á” thành “hòn đất Đại lục,” nghiền nát nền chính trị Dân Chủ và tống giam những tinh hoa của Hong Kong, cướp đoạt tài sản và Tự Do của người dân Hong Kong như thế nào. Tất cả chỉ để phục vụ quyền lực và lợi ích của một nhóm “tinh hoa Đỏ.” Vì thế, khả năng để Hoàng Đế Đỏ Trung Hoa tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện để “thu hồi Đài Loan về với đất mẹ Trung Hoa” hoàn toàn không phải là một “rủi ro thấp.”
Thậm chí, một cuộc chiến còn là một phép thử mức độ trung thành các lực lượng vũ trang với lãnh tụ Tập, một phương thức để tập trung hơn nữa quyền lực tuyệt đối của Hoàng Đế Đỏ. Vậy đâu là lằn ranh cuối cùng, là giọt nước tràn ly? Đó là khi Tập Cận Bình cảm thấy quyền lực tuyệt đối của ông ta lung lay hay “tôn nghiêm Đại Hán” của ông ta bị thách thức. Và chuyến đi của bà Pelosi, rất có thể là một hành động khiến ông ta cảm thấy “tôn nghiêm Đại Hán” bị thách thức. Hẳn nhiên, ông ta sẽ cần thêm thời gian để chuẩn bị kỹ càng cho một cuộc động binh lớn cũng như củng cố quyền lực trong nước trước khi quyết định khởi động cỗ xe của thần Ares.
Dù nhận định này đúng hay sai thì có lẽ chỉ cần đến đầu năm 2023, khi thời tiết eo biển Đài Loan gió yên biển lặng, chúng ta sẽ sớm có câu trả lời.
Tân Phong
Leave a Comment