Tính tới năm 2020, 12 “đại dự án” của ngành Công Thương được báo cáo lỗ hơn 26.360 tỷ đồng, một con số lỗ xứng đáng với sự huênh hoang khoác lác của số lãnh đạo Việt Nam. Một số dự án đang tiếp tục sản xuất và sống vật vờ, đa số nằm đắp chiếu chờ giải quyết trong đó có Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên.
Ngày 31 tháng Bảy vừa qua, khi Thủ Tướng Phạm Minh Chính đến thăm dự án này, báo chí trong nước đã dùng hai nhóm từ “xót ruột” tức đau ruột và “sốt ruột” tức lo âu để diễn tả tâm tư của ông Chính khi đứng trước một đống sắt rỉ sét. Đống sắt gần như bị bỏ hoang ấy mang tên một dự án mở rộng của nhà máy Gang Thép Thái Nguyên mà suốt 15 năm qua nhà nước đã chi ra khoảng 4.400 tỷ đồng nhưng chưa mang lại 1 đồng lợi nhuận.
Từ năm 2007 đến nay, chưa ai tìm ra được phương án giải quyết chỉ vì vướng mắc giữa chủ đầu tư là Công ty Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) và nhà thầu trọn gói Trung Quốc. Đã qua 15 năm, một dự án đầu tư hàng ngàn tỷ đồng bị kéo dài và bỏ mặc cho nắng mưa mà không tìm ra biện pháp nào chấm dứt tình trạng tệ hại này; nghĩ cũng rất lạ khi đảng CSVN lãnh đạo toàn diện và tự nhận là đỉnh cao trí tuệ loài người!
Bình thường ra, một dự án xây dựng bị vướng mắc lâu dài sẽ có ít nhất 3 giải pháp để giải quyết.
Thứ nhất, phải tiếp tục truy cứu trách nhiệm qua một tòa án để buộc nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Ở đây nhà thầu Trung Quốc đã được chủ đầu tư (Tisco) thanh toán 95% chi phí theo thỏa thuận giữa đôi bên, nhưng họ rút về nước sau khi lấy tiền mà không tiếp tục thi công. Phải tìm ra lý do tại sao để quy trách nhiệm.
Thứ hai trong lúc chờ đợi giải quyết, đáng lẽ Công ty Gang Thép Thái Nguyên phải tìm một nhà thầu khác, vay vốn mới từ bên ngoài để trang trải chi phí, và tiếp tục dự án đang dang dở. Một mặt nhà nước Việt Nam phải tích cực hỗ trợ công ty tiếp tục đưa nhà thầu Trung Quốc ra tòa. Nhưng họ không làm như vậy, vì trước đây khi ký hợp đồng với Trung Quốc có lẽ phía Việt Nam đã phạm nhiều sai lầm để tự chui vào bẫy của ông bạn vàng.
Thứ ba, nếu bất đắc dĩ mà không thể làm hai điều trên thì nên tổ chức bán đấu giá toàn bộ dự án. Nếu bán mà không ai mua thì kết thúc dự án bằng cách xóa sổ và biến những đống sắt hoang phế lâu nay thành đồ phế thải, bán theo sắt vụn. Chính phủ và Bộ Công Thương khỏi phải thỉnh thoảng đến thăm như thăm một di tích đáng buồn, đồng thời các lãnh đạo khỏi tốn công chỉ đạo tìm biện pháp tháo gỡ này nọ, nghe xôm tụ nhưng rổng tuếch, vô tích sự. Và nhất là cũng để tránh cảnh “xót ruột đau lòng” (sic) như Thủ Tướng Phạm Minh Chính vừa qua.
Vấn đề đáng thắc mắc ở đây là suốt 15 năm qua, chính phủ cũng thay đổi thủ tướng 3 lần mà không ai dám đứng ra chịu trách nhiệm tình trạng đắp chiếu phơi sương của “đại dự án” này. Có lẽ vì nó sẽ dẫn đến những vụ án hình sự mà những viên chức cao cấp dính vào đã hạ cánh an toàn. Còn lại những người như Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Minh Chính hiện nay chỉ là kẻ phải đổ vỏ thì họ dại gì để hy sinh gánh vác. Chẳng những không có lợi lộc gì cho bản thân mà nhiều khi làm không tới nơi tới chốn có thể mang tai tiếng tiếp.
Rốt cuộc lại “đại dự án” mở rộng giai đoạn 2 của khu Gang Thép Thái Nguyên biến thành dự án đầu voi đuôi chuột cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi dính líu tới nhà thầu Trung Quốc. Nó sẽ không bao giờ tháo gỡ được vướng mắc, dù ai cũng biết đó là cái gai của chế độ. Hay nói khác đi đó là nỗi nhục của các quan chức xã hội chủ nghĩa dốt đặc đang tập tễnh làm ăn theo mô hình kinh tế thị trường. Chưa ai quên thủ đô Hà Nội với con tàu Cát Linh-Hà Đông kéo dài hơn 10 năm, để lại nhiều tai tiếng là “con tàu thế kỷ.”
Dự án Gang Thép Thái Nguyên càng trùm mền lâu càng giống y chang con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa do đảng lãnh đạo, càng đi lên càng mù mịt. Ai cũng thấy con đường đó là hoang tưởng mà không ai dám đề xướng vứt bỏ vì sợ bị làm con dê tế thần./.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment