Thấy nhiều người bàn về vụ thí sinh ngủ quên, càng bàn càng xa rời thực tế, dù có vẻ hiểu biết và thông minh.
Chúng ta lý luận nhiều quá. Chẳng ai cấm việc lại gần để biết tình hình của thí sinh cả, nhưng cũng không có quy định nào yêu cầu giám thị phải đánh thức học sinh khi các em ấy đang ngủ. Vấn đề chỉ là cái mối quan hệ giữa người với người có còn hiện hữu hay không mà thôi. Đừng kết tội nữa, thí sinh ngủ quên thì thí sinh chịu trách nhiệm, còn giám thị không quan tâm nhắc nhở thì nên tự vấn lương tâm mình.
Cần một cái giật mình, không chỉ riêng hai vị giám thị ấy, mà là tất cả.
Những ai đã sống và làm việc trong môi trường giáo dục ngày nay thì sẽ hiểu nguyên nhân sâu xa mà biểu hiện cụ thể này chỉ là một trong muôn hình vạn trạng, và thấy rằng nó chính là một sự đổ vỡ trên diện rộng trong mối quan hệ thiêng liêng của con người với nhau. Điều ấy nguy ngập và đáng sợ hơn là một “sự cố” cụ thể như chúng ta đang thấy; và nó không thể giải quyết được bằng cách ban ra một cái quy chế mới, dù cụ thể và chặt chẽ hơn.
Cần luật nào để y tá mỉm cười với bệnh nhân khi chích thuốc cho họ? Cần luật nào thì đồng nghiệp mới chịu đứng cạnh những cô Lịch, cô Tuất?
Xét trên phương diện xã hội, chúng ta đang mất dần niềm tin vào con người, trở thành một sa mạc khô khốc. Thầy cô với thầy cô, thầy cô với học trò, và mọi người với nhau…, đổ gãy và chai sạn. Cơ chế nào, con người ấy. Những lợi ích, o ép, bè phái, cửa quyền cùng cuộc mưu sinh trong một tình thế của các giá trị đã bị đảo lộn…, dần khiến mỗi người hình thành thứ phản xạ sinh tồn khắc nghiệt hoặc vô cảm, đáng sợ là nó đã trở nên bình thường để thay thế cho một thứ bình thường khác – sự giao cảm. Và như thế, chúng ta đang phải chứng kiến, đồng thời sống cùng tất cả những cái đó trong một diễn tiến vong thân, vong bản tất yếu – gần như không thể cưỡng lại được./.
Thái Hạo
Leave a Comment