Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Theo báo Tuổi Trẻ , ngày 29 tháng Bảy vừa qua, Trường Đại Học Kinh Tế (thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội) đã tổ chức một buổi lễ trao bằng cho sinh viên tốt nghiệp năm 2022 cho gần 1.000 tân cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Đây có thể coi như một hoạt động bình thường của một trường đại học, nếu sau đó những hình ảnh của buổi lễ chia sẻ trên mạng xã hội không nhận được nhiều phê phán tiêu cực chung quanh cách ăn mặc của hiệu trưởng trường mà nhiều người coi là “lố lăng, dị hợm, không giống ai.”
Trên thế giới hiện nay, quyền tự trị đại học được đề cao trong các lãnh vực tài chánh, tổ chức và giảng dạy, và phần lớn ở Tây Phương là đại học tư. Tuy nhiên ở Việt Nam, các ngành đại học quốc gia còn phụ thuộc nặng nề vào nhà nước, do đó tự trị đại học chưa được chấp nhận rộng rãi đúng mức trong hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa.
Để bắt kịp đà tiến triển của thế giới, phải có một quan điểm rộng rãi trong vấn đề này. Thứ nhất, việc trường Đại Học Kinh Tế tổ chức lễ tốt nghiệp như thế nào là thuộc quyền tự trị đại học rất phổ biến, dù ở Việt Nam nó chưa được nhà nước thừa nhận. Trường này không làm gì vi phạm về chủ trương hay chính sách giáo dục trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam. Họ chọn màu áo, chọn cách trang trí buổi lễ, chọn cách phát văn bằng tốt nghiệp cho sinh viên nhà trường, phải được coi là quyền của tập thể lãnh đạo của Đại Học Kinh Tế. Mặt khác cũng chính tập thể lãnh đạo sẽ chịu trách nhiệm trước công luận đối với cách tổ chức thực hiện của họ.
Thứ hai, nếu những hình thức tổ chức nào bị dư luận lên án hay chỉ trích thì cứ để cho ban lãnh đạo nhà trường Đại Học Kinh Tế tiếp thu. Họ có bổn phận phải giải thích hay sửa chữa trong tương lai nếu nhận thấy những phê phán ấy là phù hợp và nằm trong ý hướng muốn mở rộng quyền tự chủ đại học trong nước. Xã hội Việt Nam và nền giáo dục muốn phát triển và thay đổi cho phù hợp với trào lưu thế giới, chính là phải mở rộng và củng cố hơn nữa quyền tự trị, tự quản lý của nhà trường đại học và chấp nhận mọi sự phê phán để sửa đổi trong tinh thần trách nhiệm.
Thứ ba, trước sự kiện một số người đăng hình và lên tiếng phê phán vụ Đại Học Kinh Tế làm lễ tốt nghiệp thì 3 ngày sau, ban lãnh đạo Đại Học Hà Nội (cơ quan đứng trên Đại Học Kinh Tế) gởi công văn đến hiệu trưởng trường này chỉ thị phải báo cáo tình hình bằng văn thư. Đồng thời còn yêu cầu hiệu trưởng phải rà soát và điều chỉnh lễ phục, trang phục trong các buổi lễ trao bằng tốt nghiệp sau này. Đây là một mệnh lệnh hoàn toàn đi ngược lại quyền tự trị đại học của các trường, nơi có nhu cầu mở rộng sự sáng tạo và sáng kiến.
Việc Đại Học Hà Nội buộc phải làm báo cáo không khác gì họ đang sinh hoạt trong một đảng chính trị, khi cấp trên cảm thấy có gì đó không hài lòng thì đòi cấp dưới báo cáo. Đôi khi họ còn chỉ thị phải sửa sai này nọ, trong khi thực sự họ hoàn toàn không biết cấp dưới làm gì sai, sai cái gì và dư luận xã hội phê phán điều gì.
Tóm lại, phản ứng của Đại Học Quốc Gia (Hà Nội) là phản ứng của một thế lực quen thói độc tài, với não trạng lãnh đạo một chiều, con đẻ của hệ thống chuyên quyền chỉ thấy trong các chế độ độc tài cộng sản còn sót lại.
Một xã hội muốn phát triển hài hòa, dân chủ cần chấm dứt lề lối quản trị mệnh lệnh; trong trường hợp này hãy để cho Đại Học Kinh Tế đứng ra tự giải quyết lấy những sự lên tiếng, chỉ trích hay phê phán của dư luận một cách minh bạch trong tinh thần trách nhiệm.
Đó là con đường tất yếu để kiến tạo một xã hội Việt Nam nhân bản, cởi mở và biết tôn trọng ý kiến đa chiều.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment