Đến Thiền Am, công chúng thấy nơi đây có thờ tượng Phật, tượng Jesus và các ảnh chân sư Tây Tạng. Nhưng trong lý lịch của mình, cũng như khai tại tòa, khi được hỏi về tôn giáo, ông Lê Tùng Vân và các đồ đệ đều khẳng định: KHÔNG tôn giáo.
Điều gì vậy ?
Nếu ý nghĩ “Điều gì vậy?” xuất hiện trong đầu của bạn là chúng ta đang xét đoán họ dưới khía cạnh tôn giáo. Không chỉ bạn, mà cả tôi, ông Trần Ngọc Thảo (không phải ông Thích Nhật Từ trước đó), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và biết bao nhiêu người ngoài kia cũng đều đang xét đoán họ dưới khía cạnh tôn giáo. Đang có đức tin và thờ phượng những đấng tâm linh thì không thể không có tôn giáo được!
Thật ra, chẳng có tôn giáo nào ở đây cả. Điều mà chúng ta đang chứng kiến ở họ là TÍN NGƯỠNG và chỉ có TÍN NGƯỠNG mà thôi.
Chẳng vì thế mà đạo luật liên quan đến đức tin tâm linh thông qua việc thờ phượng… lại mang tên Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo [1]. Cho thấy, tín ngưỡng và tôn giáo là hai vấn đề khác biệt nhau một cách rất rõ ràng về tính cách pháp lý.
Sự hiểu nhầm chung của tất cả chúng ta từ trước cho đến nay là vẫn thường cho rằng hai khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo là một, có thể sử dụng như nhau. Quả là chúng có một phần nội hàm giống trùng nhau, nhưng vẫn có điểm khác biệt rất cơ bản.
Phần giống trùng nhau là chúng đều đề cặp đến đức tin vào những giá trị tâm linh. Phần khác biệt cơ bản giữa chúng là tôn giáo liên quan mật thiết đến các yếu tố: Giáo lý, giáo luật, lễ nghi, thánh đường/thánh thất/chùa chiền, tín đồ và có tổ chức.
Dĩ nhiên, chính yếu tố có tổ chức mà tôn giáo được chính quyền quan tâm hơn tín ngưỡng.
Do đó, đừng vội thấy thờ tượng Phật mà vội kết luận Phật giáo. Cũng như thế, đừng vội thấy tượng Jesus mà vội kết luận Công Giáo, Tin Lành… “Chiếc áo không làm nên thầy tu” là ở nơi này.
Tại Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ và danh xưng trước đó là Tịnh Thất Bồng Lai, ông Lê Tùng Vân và các đồ đệ đều xuống tóc, mặc áo nâu sồng, xưng hô với nhau là sư phụ, đệ tử, hoặc các thầy, các sư cô. Các cháu bé được gọi là chú tiểu, xưng ông Lê Tùng Vân là thầy ông nội. Các nghi lễ thờ cúng các đấng tâm linh của họ sử dụng nhiều dụng cụ, trang phục, xưng hô và lễ vật theo cách thông thường thường thấy của nhiều tín ngưỡng hoặc tôn giáo vùng miền tây nam bộ như Phật giáo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Huỳnh Đạo, Đạo Dừa, Tịnh Độ Cư Sỹ, Thông Thiên Đạo, Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Minh Sư Đạo, Minh Lý Đạo/Tam Tông Miếu… bằng: Mõ, chuông, lư, đỉnh, nhang, đèn, hoa, quả, quỳ, vái lạy, …
Quả thật, nếu để ý, chúng ta dễ thấy những nét tương đồng trong việc thực hành tôn giáo hoặc tín ngưỡng miền nam qua lễ phục, lễ nghi… ảnh hưởng khá nhiều từ Phật giáo. Phật giáo đã từng là quốc giáo ở Việt Nam từ tận thời Lý, tròm trèm cả nghìn năm bắt rễ vào đời sống tâm linh người Việt. Cho nên, ngoại trừ các tôn giáo du nhập từ tây phương như Công Giáo, Tin Lành … thì việc ảnh hưởng nghi lễ của Phật giáo vào các nghi lễ của tôn giáo khác đặt trên nền tảng Phật giáo như Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Huỳnh Đạo, Đạo Dừa, Minh Sư Đạo, Hiếu Nghĩa Tà Lơn… và tín ngưỡng người Việt là điều dễ hiểu.
Thế nên, hoàn toàn hữu lý khi ông Thích Nhật Từ đã đăng đàn với nụ cười muôn thuở của mình để khẳng định rằng ông Lê Tùng Vân tu theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, rằng họ không giả tu, giả sư và giả chùa, rằng tên gọi Tịnh thất Bồng Lai là bình thường, rằng cách họ xưng hô, trang phục cũng không có gì đáng nói… Nói chung là không chê trách cho đến khi ông Trần Ngọc Thảo tố cáo họ vi phạm hàng loạt tội phạm. Nào là giả tu, giả sư, giả chùa. Nào là lợi dụng tôn giáo trục lợi. Nào là nghiêm trọng hơn, ghê tởm hơn, khi thực hiện những hành vi trái với luân thường đạo lý, đạo đức xã hội: Loạn luân!
Thực tế thì ông Lê Tùng Vân đã từng có thời gian là Hội trưởng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tại tỉnh Gia Định (cũ) trong một thời gian. Nay đã khác, tuy vẫn giữ nhiều cách thức tu hành như Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng sau khi tuổi tác đã cao, chiêm nghiệm về tín ngưỡng cũng đã khác, nên thực tế, ông đang thực hành tu hành tại gia theo cảm nhận tâm linh riêng của mình. Ông không tuyên bố hoặc xây dựng gì về giáo lý, giáo luật, chùa chiền, thánh thất và cũng không có tổ chức, lập chi nhánh. Ông tự gọi nơi cư trú, tu hành tại gia của mình là Tịnh thất, Thiền am vốn là những danh xưng không liên quan gì đến tôn giáo nào, kể cả Phật giáo. Thế nên, việc có đức tin vào những giá trị tâm linh và thực hành thờ phượng của ông chỉ là hành vi tín ngưỡng mà thôi. Tôn chỉ tu hành của ông hết sức đơn giản: Nhân nghĩa.
Do không có các yếu tố để xác định là một tôn giáo, cho nên, mọi sự gán ghép tôn giáo hoặc cho rằng ông ấy giả sư, giả tu, giả chùa (Phật giáo) như một tôn giáo đều không đúng thực tế, khiên cưỡng và xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng mà hiến pháp Việt Nam đã minh định và bảo vệ. Đồng thời, chứng tỏ sự hiểu biết hời hợt về tín ngưỡng của ông ấy, một người sinh trưởng ở khu vực miền tây nam bộ.
Nhất là vận dụng giáo luật, hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức chỉ mới thành lập từ 1981. Sinh sau, đẻ muộn từ khoảng 40 năm nay, nhưng lại dùng như những quy chuẩn của riêng mình để soi tín ngưỡng, trang phục, xưng hô, nghi lễ của người tu hành tại gia từ 80, 90 năm trước, trước khi tổ chức ấy ra đời thì thật khôi hài. Hơn nữa, giáo luật, hiến chương chỉ có hiệu lực đối với các thành viên của giáo hội, ông Lê Tùng Vân không tham gia giáo hội, không phải là thành viên thì trích dẫn giáo luật, hiến chương phỏng liên quan gì?
Ngoài ra, khi mà nhiều tôn giáo ở miền Nam hoạt động dựa trên nền tảng giáo lý Phật giáo và họ đều từng thành lập trước Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì việc ông Thích Nhật Từ hoặc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An lại cho rằng mình sở hữu độc quyền đức Phật, có quyền cấm người khác giả danh, xưng Phật?
Thật ra, Đức Phật, ngài đã từng bảo: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”[2]. Thế thì ai trong chúng ta cũng đều có thể xưng mình là Phật được mà không ngại mang tiếng giả danh. Dĩ nhiên, đức Phật thì bao dung, không chấp nhặt, thế nhưng, vài đệ tử của ngài tưởng cao đạo mà lại sân si quá?
Trở lại ông Lê Tùng Vân, ông chỉ là chính ông mà thôi: Tín ngưỡng với cứu cánh Nhân nghĩa. Áp đặt tôn giáo với ông ấy làm gì nếu là người lương hảo?
Một tuần sau tuyên án, 29/07/2022
LS Đặng Đình Mạnh
——-//——-
[1] Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo do Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2016
[2] Từ kinh tạng Phật giáo Bắc tông (Đại chính, tập 24, số 1484)
* Đính kèm các hình ảnh thờ tự chụp từ Thiền Am
Leave a Comment