Nguyễn Huyền – (VNTB) – Cái chết của hàng triệu người dân vô tội trong các cuộc chiến tranh cùng cái chết của hàng triệu người Việt cầm súng dù ở khác chiến tuyến phải là nỗi đau chung của dân tộc.
Tiếc là cho mãi đến nay, dù đã 3 nhiệm kỳ liên tiếp giữ vị trí Tổng bí thư Đảng, song ông Nguyễn Phú Trọng vẫn dường như bảo thủ trong nếp nghĩ của lằn ranh phân chia giữa bên “thắng” và bên “thua”.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng thật sự là “người khoa Văn”, tin rằng ông đã nhiều lần nghe các đồng môn thế hệ sau ông kêu gọi cần có ngày tưởng niệm những người đã chết vì cuộc chiến 1954 – 1975.
Với vụ ca khúc Gia tài của mẹ hôm rồi mà Khánh Ly hát ở Đà Lạt để rồi bị phạt, cho thấy Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang chưa thống nhất với nhau rằng, đây là cuộc nội chiến Nam – Bắc Việt Nam, cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ xâm lược, hay Việt Nam nồi da xáo thịt vì âm mưu của các ông lớn?.
Bất kể đó là chiến tranh kiểu gì thì vẫn người Việt Nam chết là chính, với gần 4 triệu người lính cả hai miền Nam – Bắc và thường dân, hơn 58 ngàn lính Mỹ, gần 5.000 lính Đại Hàn (Hàn Quốc)… Một bia tưởng niệm, một ngày tưởng niệm cho các nạn nhân chiến tranh này quả nhân văn và đại đồng biết mấy.
Là chính khách đứng đầu của Đảng, và là một người được đào tạo khoa bảng ở trường đại học, tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ học hành về lý thuyết, mà còn đi đây đó trong cuộc đời làm quan chức chót vót của mình. Ở đây tôi muốn nói đến lần công du Mỹ quốc của ông Nguyễn Phú Trọng.
Ở Hoa Kỳ, bảo tàng viện tại Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình tướng Robert E Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục.
Vị quản thủ viện bảo tàng đã nói rằng dù hình ảnh của miền Nam hay miền Bắc, lịch sử không muốn ghi lại các hình ảnh xấu xa của bất cứ phe nào. Ở đây là nơi lưu giữ hình ảnh của các anh hùng miền Nam lẫn miền Bắc. Ðặc biệt là hình ảnh của phe bại trận lại được lưu ý hơn cả phe chiến thắng. Lá cờ rách của miền Nam thua trận treo tại thủ đô Richmond bây giờ lại là bảo vật hào hùng của bảo tàng viện đầu hàng.
Và hình tướng Lee cưỡi ngựa đi đến nơi họp mặt với đoàn quân nhạc miền Bắc chào đón. Hình tướng Lee ký tên xong ra đi được sĩ quan và binh sĩ miền Bắc tiễn đưa và vẫy tay chào.
Hình tượng của tướng Lee tràn ngập ở miền Nam Virginia. Câu lạc bộ Lee, bảo tàng viện Lee, Lee High Way, Fort Lee và các đồn trại của quân đội liên bang mang tên vị tướng thua trận như là một biểu tượng anh hùng. Bởi vì người Mỹ đã thấm nhuần bài học rất Hoa Kỳ. Bài học của người lính dũng cảm cả hai phe trong chiến tranh và người quân tử của thời hậu chiến.
Cũng phải nói rằng, thực sự sau nội chiến, dư vị cay đắng giữa Nam Bắc Hoa Kỳ vẫn còn nhiều. Dễ gì mà trút bỏ hận thù ngay sau khi hai bên chết cả gần một triệu người, mà một số lớn đã giết nhau khi giáp mặt bằng gươm dao. Hai phe cùng đốt nhà của nhau và cùng tàn phá đô thị và nông trại, đôi khi có cả những hành động dã man như hãm hiếp phụ nữ và tàn sát trẻ em. Cuộc chiến nào mà không có những lần quá độ.
Cứ cho rằng cuộc chiến ở Việt Nam trong quá khứ hơn nửa thế kỷ trước không phải là cuộc nội chiến, thế nhưng người lính miền Nam và người lính miền Bắc của Việt Nam đã chết là có thật. Việc sỉ nhục một quân nhân miền Nam, thì dù đó là bên nào, vẫn là chuyện người lính Việt Nam bị sỉ nhục.
Ngày 27 tháng 7 với kèn giong trống mở, giờ có thể nhìn bằng lăng kính chính trị phù hợp hơn, đó là hàn gắn vết thương chiến tranh vệ quốc và huynh đệ tương tàn, hòa giải, hòa hợp, cố kết cả dân tộc thành sức mạnh để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Cái tầm ấy của người đứng đầu là Tổng bí thư Đảng, mong lắm thay.
Leave a Comment