Thông tin Hà Nội sẽ khôi phục và ‘phủ sóng’ loa phường đang làm cả nước ngạc nhiên! Hình ảnh này làm liên tưởng đến ‘thằng mõ’ xưa.
Hình ảnh ấy, hình ảnh loa phường, vốn đã trở thành nỗi ám ảnh này làm liên tưởng đến “thằng mõ” xưa.
Theo một số cứ liệu xác đáng, mõ/thằng mõ/mõ làng ít nhất đã ra đời từ thế kỷ 15, và tồn tại đến giữa thế kỷ 20 mới biến mất khỏi tổ chức của làng xã Việt Nam. Mõ có nhiều nhiệm vụ, nhưng chủ yếu và quan trọng nhất là “truyền tin”. Mỗi khi làng có việc, “thằng mõ” sẽ đi khắp “thượng – hạ – tây – đông” với chiếc mõ bằng tre khô, vừa gõ vừa rao, để dân làng biết việc hoặc để cùng nhau tập trung về đình. Như thế, trong đời sống của người Việt xưa, mõ giữ một vai trò quan trọng trong mạng lưới thông tin, kết nối giữa người quản lý các cấp với người dân.
Trải suốt ít nhất 500 năm tồn tại, đến giữa thế kỷ 20 với những biến động xã hội to lớn, nghề mõ và tiếng mõ biến mất. Lúc này xã hội Việt Nam đã bước vào một hoàn cảnh mới với chiến tranh liên miên. Tiếng mõ và lời rao của “thằng mõ” được thay thế bằng những phương thức khác, trong đó có trống, và đặc biệt là tiếng kẻng. Kẻng cũng đã tồn tại khoảng nửa thế kỷ, gắn liền với những “thông báo” về trộm cướp, cháy nhà, hội họp…
Khi hệ thống thông tin hiện đại được du nhập và phát triển gắn liền với các thiết bị điện và vô tuyến thì tiếng trống, tiếng kẻng cũng dần chìm vào im lặng, chính thức nhường lại không gian cho radio, tivi… Tuy nhiên, để truyền tin trực tiếp tới người dân ở những đơn vị hành chính nhỏ nhất thì các phương tiện ấy không thể đáp ứng được.
Hệ thống loa phóng thanh gắn trên nóc những nhà văn hóa thôn/phường ra đời với chức năng của thằng mõ xưa. Đó là “thằng mõ hiện đại” – hình ảnh điển hình của khoảng vài chục năm nay. Người ta gọi nó là “loa phường”, ngay cả khi nó được dựng giữa các thôn làng, vì dường như loại loa này ở đô thị còn riết róng và mang tính đại diện cao hơn cả ở nông thôn! Nó không những hiện diện ở trụ sở mà ghê gớm hơn, gắn khắp các tuyến phố!
Lạ là, ngày nay khi công nghệ thông tin đã phát triển đến mức chưa từng thấy với mạng internet và thiết bị thông minh mà phổ biến nhất là smartphone, dường như mỗi người Việt trưởng thành đều sở hữu, thì “thằng mõ hiện đại” vẫn điềm nhiên ngự trị ở đó, thách thức với thời gian, thách thức với xã hội hiện đại như một sự kiên gan để trêu ngươi.
Xin lưu ý lại, nếu xưa kia ở đô thị Việt Nam vốn không có thằng mõ, thì ngày nay loa phóng thanh được phân bổ đều cho mọi không gian, từ nông thôn tới thành phố lớn!
Ngoài những thông báo bất thường thì loa phóng thanh được đặt lịch tiếp sóng và phát sóng của đài huyện cho đến đài tỉnh… Trong cơn mưa tầm tã, nước ngập lênh láng cùng với rác thải lềnh phềnh, dân đang lội bì bõm cùng những chiếc xe chết máy thì loa phường vẫn hát “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”! Giữa trưa gió Lào trong cái nóng như lò lửa, người dân ngồi trong nhà, mồ hôi vã ra như tắm, nhưng loa thôn vẫn hát “gió mùa thu mẹ ru con ngủ”!
Với công suất lớn, độ vang và sự chát chúa của loại loa không tiếng bass và có sức “xuyên thủng” khủng khiếp, loa phường đều đặn cứ sáng sớm, giữa trưa và chiều là lại vang lên với đủ mọi nội dung trên trời dưới đất. Loa cứ phát, người cứ làu bàu bực bội, trẻ con bị đánh thức, người già mất ngủ… Ô nhiễm tiếng ồn tràn lan, và không có dấu hiệu suy giảm.
Khi mà internet cùng mạng xã hội đã phổ biến như cơm ăn, nước uống, như khí trời thì “thằng mõ hiện đại” vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nắng mưa bão tố lòng không nản. Chẳng có ai nghe cả, trừ vài thông tin cần thiết như đóng tiền điện hay thông báo ủng hộ nọ kia.
Chúng ta chớ quên rằng, ngay cả đến tivi, một phương tiện xa xỉ của 20 năm trước, giờ cũng không mấy người ngó mắt đến nữa nếu không kết nối trực tiếp với internet để truy cập vào các trang như Youtube chẳng hạn, chứ đừng nói đến thằng – mõ – loa – phóng – thanh!
Nhưng sự lạc hậu mà lì lợm đến khó hiểu này vẫn cứ ngày ngày chát chúa, dội vào màng nhĩ của cả thị dân lẫn nông dân. Loa cứ nói, người cứ lướt điện thoại, chẳng ai nghe ai. Chỉ có tiếng ồn là thống trị.
Rõ ràng, chỉ với một trang facebook thì chiếc loa có thể hoàn toàn được thay thế, mà không làm phiền đến ai, rất đa dạng về thông tin, lại hấp dẫn và có thể tương tác trực tiếp. Nhưng rất lạ, dù chỉ mất 5 phút để lập một tài khoản thì chẳng thấy ai chịu làm. Thôn có page của thôn, xã có page của xã, huyện có page của huyện…; tất cả người dân đều có thể kết nối và chủ động nhận thông tin một cách dễ dàng.
Đó chỉ là một ví dụ về việc đồng bộ hóa hệ thống thông tin hoặc phương thức quản lý của nhà nước nói chung sao cho cùng nhịp bước với sự tiến bộ của công nghệ, tại sao không làm? Cái ví dụ này đang gián tiếp nói lên sự bất cập, cũ kỹ, bảo thủ không chịu thay đổi từ phía chính quyền trên một số phương diện mà hệ thống thông tin kiểu loa phường là một điển hình.
Đã đến lúc những chiếc loa phóng thanh, tức “thằng mõ hiện đại” ngày ngày tra tấn và gây ô nhiễm tiếng ồn cần được thay thế, khi mà điều kiện của sự thay thế đã dư thừa, thậm chí dễ như trở bản tay.
Hiện đại, văn minh là chính từ những chỗ này mà làm, chứ không phải chỉ mơ về những điều cao xa mà sự thiết thực sát sướt thì mãi vẫn lạc hậu, nhếch nhác./.
Leave a Comment