Phong trào dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam cũng như các loại “tượng đài chiến thắng” đã tương đối bão hoà chăng?
Nên việc tìm tòi ý tưởng tượng đài có phát kiến mới: TƯỢNG ĐÀI NGÀNH. Đây sẽ là mảnh đất vô cùng màu mỡ để mọc lên một rừng tượng đài ngành.
Cụm Tượng đài CS giao thông + CS Phòng cháy chữa cháy xuất hiện ở Hà Nội đã gây xôn xao dư luận. Đọc bài viết trên báo Tiền Phong mới biết tượng đài ngành có đặc điểm là:
- Khách đặt hàng là Tổng cục CSGT và TC PCCC yêu cầu tượng đài phải theo ý khách hàng.
- Dự án này đã được Đảng ủy cơ quan trung ương Bộ CA thông qua, miễn bàn lùi;
- Vì của Ngành, (không phải của toàn dân, nên không lấy ý kiến người dân);
- Của Ngành nên phạm vi hẹp, chỉ phổ biến hẹp nên chỉ có 4 mô hình dự thi và Hội đồng nghệ thuật chọn cái phù hợp ý khách hàng;
- Đây là tượng đài có tính TUYÊN TRUYỀN, miễn bàn TÍNH NGHỆ THUẬT!
- Loại tượng đài này thường tác giả tập thể và ẩn danh, chẳng tác giả cá nhân nào phải chịu trách nhiệm…
Như vậy thì tôi chả đi bình luận về giá trị nghệ thuật của tượng đài làm gì nữa!
Chỉ có điều lo sợ là sau cụm tượng đài trên, các TƯỢNG ĐÀI NGÀNH sẽ mọc lên như nấm mùa Xuân, đốt hàng núi tiền thuế của dân và hủy hoại thẩm Mỹ nghệ thuật của nhiều thế hệ, cho đến khi dọn dẹp hết các tượng đài này.
Hãy hình dung, ngành nào chẳng có những hình tượng đáng ghi vào sử sách:
– Đối với ngành CA, đây mới là tượng đài của CSGT + CS PCCC. Còn tượng đài CS Cơ động với ngựa và máy bay trực thăng; CS Phòng chống tội phạm hy sinh tính mạng; CS An ninh âm thầm bí mật; CS Điều tra tội phạm mưu trí dũng cảm; CS trại giam kiên trì bền bỉ; CS Biển vững vàng trước vòi rồng của địch… Đơn vị nào chẳng truyền thống vẻ vang, thành tích huy hoàng, Huân chương sáng chói…
– Tượng đài ngành quân đội mới vô cùng phong phú và hoành tráng. Bao nhiêu quân chủng, binh chủng với những vũ khí, khí tài hiện đại rất ấn tượng. Mới hình dung đã thấy choáng ngợp những quần thể tượng đài: không quân, phòng không, xe tăng, chiến sĩ ngoài hải đảo, chiến sĩ biên phòng, binh chủng hóa học, binh chủng thông tin, hải quân với tàu ngầm… Ôi một rừng tượng đài nguy nga, hoành tráng…
– Tượng đài ngành TUYÊN GIÁO với hình tượng Loa phường, các Dư luận viên, LLK47; các loại báo chí, truyền hình và rừng Cổng chào với Cờ và Khẩu hiệu rợp trời…
– Ngành Y – Dược bao nhiêu đơn vị lẫy lừng…nhất là các chiến sĩ áo trắng dấn thân trong đại dịch Covid 19 vẫn chưa có tượng đài…
– Ngành giáo dục với với hình tượng hàng núi Sách giáo khoa, hàng đàn Tiến sĩ ra lò; hình ảnh học sinh đu dây vượt sông,
các giáo viên học sinh chui trong túi ni lông vượt sông đi học làm kinh động thế giới…
– Ngành nông nghiệp xuất khẩu gạo thứ hai thế giới; đưa Việt Nam thành cường quốc Tôm; hình ảnh Ngư dân dẫu chết vẫn ra khơi, làm cột mốc sống trên biển; ngành Chăn nuôi có lúc phải giải cứu lợn… Ngành phân bón cũng đang trên đà hiện đại hóa…
– Ngành lâm nghiệp với những chiến sĩ kiểm lâm ngày đêm canh gác rừng, có người anh từ công nhân lâm nghiệp vươn lên chức tổng bí thư…
– Ngành luyện kim với đứa con đầu đàn là khu liên hiệp gang thép Thái Nguyên có hơn sáu mươi năm truyền thống vẻ vang, nay vẫn ra sức phấn đấu…
– Ngành giao thông với những con tàu truyền thống từ thời Pháp thuộc nay đã vươn lên tầm cao hiện đại với tàu Cát Linh Hà Đông; những cái BOT thu giá mọc lên trên khắp mọi nẻo đường…
– Ngành Toà án xét xử triền miên không xuể, nhất là với toàn tội phạm cấp cao…
– Ngành doanh nghiệp tư nhân từng bị tận diệt mà không chết, đã vươn lên với cụm tượng đài sừng sững: Vượng Vin, FLC, Tân hoàng Minh, Mường Thanh, Tân Tạo, Vạn Thịnh Phát…
– Ối giời ơi còn các Ban của Đảng, nhất là Ban Kiểm tra kỷ luật làm việc không biết mệt mỏi…
Rồi các đoàn thể trong toàn hệ thống chính trị, ngành nào chẳng truyền thống vẻ vang, thành tích huy hoàng… chả nhẽ “nhất bên trọng, nhất bên khinh”…
Ôi vậy là khắp đất nước ta hiện lên một thế giới tượng đài không nước nào có được.
Việt Nam trở thành cường quốc tượng đài vô địch thế giới!
Nhưng nghĩ đến đó thì toát hết mồ hôi!
MVT
Ghi chú: Tham khảo bài trên báo Tiền Phong
Leave a Comment