Quảng Cáo

Nguyễn Đức Chung, ví dụ cho ‘hàng gian, hàng giả’ mới… có giá trị!

Quảng Cáo

Trân Văn

Kết quả phiên xử phúc thẩm ông Nguyễn Đức Chung “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (1) chứng minh, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chuyên sản xuất, sử dụng “hàng gian, hàng giả”.

***

Ông Chung, một… Tiến sĩ Luật, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN, Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng công an, Chủ tịch thành phố Hà Nội kiêm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trở thành bị can, rồi là bị cáo trong ba vụ án hình sự. Vụ thứ nhất là “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Vụ thứ hai là “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ thứ ba là “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Kế hoạch Đầu tư (Sở KHĐT) thành phố Hà Nội.

Ở vụ án đầu tiên, ông Chung bị phạt năm năm tù. Trong vụ án thứ hai, lúc đầu, ông Chung bị phạt tám năm tù nhưng khi phúc thẩm, hệ thống tư pháp giảm cho ông ba năm tù vì đã cùng các đồng phạm “khắc phục hết hậu quả” (tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại được xác định là 36,1 tỉ) nên hình phạt chỉ còn ba năm tù (2). Sang vụ án thứ ba, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm phạt ông Chung ba năm tù nhưng mới đây, HĐXX phúc thẩm giảm cho ông một năm tù.

Theo HĐXX phúc thẩm, sở dĩ hệ thống tư pháp tiếp tục giảm hình phạt cho ông Chung thêm một lần nữa vì đại diện Viện Kiểm sát – nơi nhân danh nhà nước (tập thể đại diện cho nguyện vọng và lợi ích của dân chúng) truy tố những cá nhân vi phạm luật pháp – cho rằng có… “tình tiết mới” để… “giảm hình phạt”: Ông Chung vừa bổ sung 85 “tài liệu” là… bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, huân chương của ông cũng như của… cha mẹ ông,…

Cần lưu ý, ở vụ án thứ hai, ông Chung tự nguyện nộp lại 25 tỉ trong 36,1 tỉ được xác định là thiệt hại do “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để tác động đến việc chọn chế phẩm khử trùng sông rạch, ao hồ nhằm giúp gia đình ông thu lợi từ việc độc quyền nhập cảng – phân phối chế phẩm này (3), nhờ vậy, ông Chung được giảm ba năm tù. Còn trong vụ án thứ ba, dù vẫn là “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”để tác động đến việc chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ “số hóa” hoạt động của hệ thống công quyền ở Hà Nội, gây thiệt hại cho công quỹ hơn 26 tỉ nhưng hệ thống tư pháp chỉ buộc các thuộc cấp của ông Chung phải nộp tiền bồi thường (tổng cộng hơn sáu tỉ). Ông Chung vừa không phải chịu “trách nhiệm dân sự”, vừa được giảm hình phạt nhờ… “85 ‘tài liệu’ là… bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, huân chương…” Điều đó có nghĩa là sau hai lần được giảm hình phạt trong ba vụ án mà tổng thiệt hại gây ra cho công quỹ được xác định khoảng 60 tỉ và rũ sạch toàn bộ “trách nhiệm dân sự” bất kể công quỹ vẫn còn tổn thất khoảng 20 tỉ, theo qui định của pháp luật, lúc thụ án (hình phạt tổng hợp từ ba vụ án giờ chỉ còn 12 năm), ông Chung sẽ sớm được xét giảm hình phạt thêm nhiều lần nữa! Khoan bàn đến mức độ công minh của hệ thống tư pháp, chỉ nhìn vào những “tài liệu” được tuyên bố là “tình tiết mới”, chẳng lẽ giá trị của chúng xấp xỉ… 20 tỉ?

***

Cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, lẫn hệ thống tư pháp, hệ thống truyền thông chính thức đều đã lờ đi yếu tố, ông Chung chỉ từng là Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Thiếu tướng công an, Chủ tịch thành phố Hà Nội kiêm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ai cũng có thể tính được mức thu nhập bình quân của những cá nhân đảm nhận các vai trò này, thế thì tại sao những hệ thống vừa kể không thắc mắc, vì sao ông Chung có tới 25 tỉ để “khắc phục hậu quả” trong vụ án thứ hai?

Nếu 25 tỉ mà ông Chung đã dùng để “khắc phục hậu quả” trong vụ án thứ hai là do phạm tội mà có, tại sao không điều tra – truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Chung vì “tham ô” hay “nhận hối lộ” (hình phạt vốn là chung thân hay tử hình) mà lại chọn “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”? Tuy không dễ chứng minh ai đó đã “tham ô” hay “nhận hối lộ” nhưng dựa vào thu nhập bình quân của viên chức với khoản tiền của những cá nhân như ông Nguyễn Đức Chung tự nguyện “khắc phục hậu quả”, có thể kết luận ngay lập tức những viên chức ấy thuộc loại “giàu có bất minh” hay không. Tuy thiên hạ có thể dễ dàng xử lý những viên chức “giàu có bất minh” nhưng Việt Nam thì không bởi theo chủ trương của Bộ Chính trị và BCH TƯ đảng, Quốc hội khăng khăng từ chối làm như thiên hạ: Xem “giàu có bất minh” là tội phạm. Năm 2015, khi sửa Luật Hình sự, Quốc hội gạt bỏ đề nghị xem “giàu có bất minh” là tội phạm theo tinh thần Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (4). Năm 2018, khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng, Quốc hội tiếp tục gạt bỏ đề nghị xử lý những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản (5). Với tư cách là Ủy viên BCH TƯ đảng, Đại biểu Quốc hội, ông Chung là một trong những cá nhân đã tham gia vào tiến trình vô hiẹu hóa các hình thức xử lý viên chức “giàu có bất minh”.

Đặt những danh hiệu kiểu như… Anh hùng các Lực lượng vũ trang, những phần thưởng kiểu như… Huân chương Bảo vệ tổ quốc Hạng Nhất, Huân chương Chiến công Hạng Nhất,… của ông Chung và những tuyên bố kiểu như: Không tử hình viên chức tham nhũng là không công bằng (5) của ông Chung bên cạnh các tình tiết của ba vụ án như đã biết, có thể dễ dàng kết luận ông Chung là “hàng thiệt” hay… “hàng gian, hàng giả”. Không có những danh hiệu, phần thưởng, tuyên bố kiểu đó, ông Chung không thể leo cao, luồn sâu, tự tung, tự tác, gây ra những thiệt hại như vậy. Có lẽ chỉ ở Việt Nam, những chứng cứ chứng minh yếu tố “gian, giả” mới được gom lại để dùng như “tình tiết mới” nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo! Có lẽ cũng chỉ ở Việt Nam mới có chuyện các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, thay vì xin lỗi, nhận trách nhiệm, tự xử vì đã sử dụng “hàng gian, hàng giả” gây họa cho quốc gia, dân tộc thì lại công khai bày tỏ sự đau xót do phải loại bỏ “hàng gian, hàng giả”! Chống tham nhũng không có vùng cấm, không chấp nhận ngoại lệ mà cương quyết không công bố các tờ khai tài sản của viên chức bởi đó là… “vấn đề nhạy cảm”, chỉ khăng khăng chọn xài “hàng gian, hàng giả” vì “gian, giả” không “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, không thắc mắc về sự bất toàn của thể chế thì đó là chống thật hay… chống giả?

Chú thích

(1) https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/tuyen-an-cuu-chu-tich-ha-noi-nguyen-duc-chung-c46a1377409.html

(2) https://vnexpress.net/ong-nguyen-duc-chung-duoc-giam-3-nam-tu-4478905.html

(3) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/chu-dong-khac-phuc-hau-qua-la-su-khon-ngoan-cua-nguyen-duc-chung-1059583.ldo

(4) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm

(5) https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/21990/quoc-hoi-thong-qua-luat-phong-chong-tham-nhung-sua-doi

(6) https://vietnamnet.vn/tuong-chung-tham-nhung-thoat-an-tu-thi-khong-cong-bang-239485.html

(7) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-ke-khai-tai-san-can-bo-la-van-de-rat-kho-nhay-cam-1286576.tpo

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux