Nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong thời kỳ bão giá. Lạm phát Tháng Sáu lên đến 9,1%, cao nhất kể từ năm Tháng Mười Hai 1981. Đây là hệ quả của tất yếu do gói cứu trợ của Chính phủ Hoa Kỳ đã bung trong năm đợt từ năm 2020 đến 2021 với tổng cộng $4.300 tỷ, đấy là chưa kể Gói nới rộng định lượng (QE) của Cục dự trữ Liên bang Mỹ – FED trị giá $3.197 tỷ vào năm 2020. Thêm vào đó giá dầu thế giới tăng vọt do chiến tranh Nga – Ukraine.
Để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, thì ngày 15 Tháng Sáu vừa qua FED đã tăng lãi suất lên 0,75% để hút tiền về. Ngay sau đó là đồng tiền USD đã tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác. Mới đây, ngày 13 Tháng Bảy một $1 đổi một €1, đây là lần đầu tiên trong 20 năm qua đồng tiền Mỹ ngang bằng đồng tiền của khối EU.
Tuy đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác nhưng lạm phát nước Mỹ vẫn cao kỷ lục, vì sao vậy? Thực ra tốc độ tăng giá hàng hóa trong nước Mỹ nhanh hơn nhiều so với sự tăng giá của đồng USD trên thị trường thế giới sau chính sách thắt chặt tiền tệ của FED.
Tại Việt Nam, đồng nội tệ VND đã mất giá mạnh so với đồng USD. Trước ngày FED tăng lãi suất, giá $1 quanh quẩn 23.000 VND. Hiện nay giá niêm yết của USD vào khoảng $1 ăn 23.400 VND, trong khi đó giá USD chợ đen đã vượt mốc 1$ ăn 24.250 VND. Thực ra giá USD chợ đen mới phản ánh đúng với quy luật thị trường, còn giá niêm yết là giá có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Như vậy đồng USD vốn đã tụt giá so với hàng hóa, đồng nội tệ của Việt Nam còn sụt giá mạnh so với đồng USD. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang can thiệp vào thị trường ngoại hối để chống sự mất giá của đồng VND so với đồng USD.
Sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn không xuể
Ngày 7 Tháng Sáu khi mà có thông tin FED nâng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã can thiệp sớm bằng cách bán ra thị trường $7 tỷ để giữ cho đồng VND khỏi rơi, tuy nhiên khi FED chính thức nâng lãi suất đồng VND vẫn rơi. Tiếp đến ngày 11 Tháng Bảy Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường khoảng từ $12 tỷ đến $13 tỷ nhằm hãm đà rơi của đồng VND. Dù bung USD vượt dự tính nhưng giá USD chợ đen và cả giá niêm yết vẫn tăng. Xem ra giải pháp xuất kho dự trữ ngoại tệ bơm USD ra thị trường khó giữ ổn định giá trị đồng VND trên thị trường ngoại hối.
Được biết dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tính đến cuối năm 2021 là $110 tỷ, như vậy chỉ một động thái nâng lãi suất của FED, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bay mất 11% chứa trong kho dự trữ ngoại tệ để ổn định đồng VND nhưng đồng tiền này vẫn cứ tuột.
Ngoài sự can thiệp trên thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nâng lãi suất từ Tháng Tư và giới hạn room tín dụng nhằm hạn chế lượng cung tiền bơm ra thị trường. Việc giới hạn room tín dụng kéo theo hệ lụy, ngân hàng thương mại không cho vay được dù trong kho còn rất nhiều tiền gởi. Chính vì vậy doanh nghiệp đói vốn, đặc biệt là loại doanh nghiệp vừa và nhỏ không có khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp Việt Nam nên khi siết room tín dụng, sức khỏe nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Như vậy là để ứng phó với lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng hầu như mọi công cụ quan trọng nhất để hãm đà mất giá của đồng tiền. Do vậy không còn khoảng trống nào cho doanh nghiệp “thở” nên nền kinh tế không thể không ảnh hưởng.
Sự can thiệp chậm chạp của Chính phủ
Sự can thiệp của chính phủ là vấn đề về giá xăng dầu. Tuy nhiên việc can thiệp này khá chậm chạp và kéo dài nên các doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp đánh bắt cá (hầu hết những doanh nghiệp này thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ) cầm cự không nổi. Mới đây, giá xăng giảm được 3.000 đồng/lít (khoảng $0,13) nhưng đó là do giá dầu thế giới giảm, còn lộ trình giảm thuế thì phải đợi từ 4 đến 5 tháng, quá chậm nên không thể cứu những doanh nghiệp “đang hấp hối”.
Ngoài giải pháp giảm giá xăng, thì Chính phủ còn có thể giảm chi tiêu, tuy nhiên, chi tiêu gần như không giảm gì được vì những dự án đầu tư công bị tắc nghẽn nhiều tháng qua. Khi Chính phủ cần chi tiêu nhiều để kích cầu nền kinh tế thì lại không giải ngân được, thì khi cần giảm chi tiêu như lúc này thì Chính phủ không còn khoảng trống để thực hiện.
Bung tiền kích cầu để chặn đà khủng hoảng hay hút tiền về chống lạm phát cần phải thực hiện nhanh mới hiệu quả. Tính kịp thời rất quan trọng trong cách điều hành Chính phủ và cả với Ngân hàng Nhà nước. Nếu làm chậm chạp thì xem như đã lãng phí cơ hội.
Nhà cầm quyền làm gì với những số liệu ảm đạm của nền kinh tế?
Sau khi Ngân hàng nhà nước và Chính phủ làm hết cách mà giá hàng hóa vẫn tăng mạnh thì giải pháp khả dĩ nhất là chế số liệu để làm đẹp thành tích. Đây là sở trường của Nhà nước Cộng sản.
Mỹ thì lạm phát tăng kỷ lục, đồng tiền VND thì rớt giá mạnh so với đồng USD. Trong khi đó, hàng hóa trong nước tăng. Giá rau, hoa, quả, thịt lợn, dầu ăn… tăng từ 5% đến 10% thậm chí có mặt hàng thiết yếu phục vụ cho những sinh viên, bác xích lô, những người nghèo tăng đến 250%. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 16 lần và trong năm qua, giá xăng dầu tăng 51,83%. Tuy nhiên, theo số liệu mà Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam chỉ là 2,44% trong Tháng Sáu. Nếu so với chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ lại là 9,1% thì chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam quá thấp trong khi đó Ngân hàng Nhà nước hãm đà giảm đồng VND thất bại chứ không như FED đã làm với đồng USD.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE), trong Tháng Sáu 2022, trên HOSE không có cổ phiếu mới nhập sàn. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp, sàn này vắng tiếng cồng chào đón cổ phiếu niêm yết mới. Ngoài ra, chỉ số chứng khoán VN-Index giảm mạnh trong sáu tháng qua.
Thị trường chứng khoán rất nhạy với sức khỏe nền kinh tế. Số liệu của GSO hoàn toàn ngược với những gì thị trường chứng khoán phản ánh. Bình luận về số liệu của GSO, PGS.TS Phạm Thế Anh nói “Số liệu vĩ mô đang bị lạc quan quá mức trong khi thị trường chứng khoán đang phản ánh khá chính xác nền kinh tế”./.
Leave a Comment