Báo Tuổi Trẻ ra ngày 10/7/2022 đưa tin: “Ngày 10-7, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức lễ truy điệu, an táng 10 bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc…
Đọc điếu văn tại lễ truy điệu, Chủ tịch Hà Giang Nguyễn Văn Sơn nói: “Với ý chí “Một tấc không đi, một li không rời”…. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trên 9.000 người bị thương và hiện vẫn còn gần 2.000 hài cốt của cán bộ, chiến sĩ còn nằm rải rác trong khe đá, thung sâu vẫn chưa được tìm thấy và quy tập…Nghĩa trang huyện Vị Xuyên hiện là nơi yên nghỉ của 1.853 liệt sĩ, có 1 ngôi mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.(https://tuoitre.vn/truy-dieu-an-tang-hai-cot-liet-si-tai…)
Xin có mấy ý kiến như sau:
Đọc hết bài báo nhưng không hiểu mặt trận Vị Xuyên ác liệt và tổn thất nặng nề như thế, phía VN chống quân xâm lược nào? Không biết bị ai khóa mồm mà bài báo không dám chỉ mặt đặt tên quân xâm lược TQ?
Hai là: “Nghĩa trang Vị Xuyên có 1.853 liệt sĩ, có 1 ngôi mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh”. Con số 1.853 là con số đếm được. Còn trong ngôi một tập thể là bao nhiêu, hiện nằm ở đâu, trên đất VN hay trên đất hiện do TQ đang chiếm giữ?
Ba là: dãy Núi Đất, còn gọi là điểm cao 1509, mà TQ gọi là Lão Sơn nay thuộc về ai mà “một tấc không đi một ly không dời”?
Sau khi xua hơn 60 vạn quân tổng tấn công trên toàn bộ các tỉnh biên giới phía Bắc ngày 17/2/1979, và rút khỏi VN vào ngày 16 tháng 3 năm 1979, TQ tuyên bố họ không tham vọng dù “chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam”. Trên thực tế, TQ đã lấn chiếm khoảng 60 km² lãnh thổ mà VN kiểm soát trước khi chiến sự nổ ra. Và sau ngày TQ tuyên bố rút quân (16/3), cuộc chiến chưa chấm dứt, mà còn kéo dài hơn 10 năm nữa tại mặt trận Vị Xuyên.
Báo chí hồi đó gọi là Lò vôi thế kỷ, nơi quân hai bên tổn thất rất nhiều.
Về thông tin lính TQ bắn thương binh VN trong trận đánh này, tài liệu của mạng Quốc Phòng Trung Quốc, đã mô tả như sau:
“Trung đoàn 118 của TQ phải đến 15h30 mới hoàn toàn chiếm được đỉnh 1509 sau khi đơn vị phòng ngự hy sinh đến người cuối cùng.
Đặc biệt, có 4 nữ cán binh VN cố thủ trong hang đá, không chịu đầu hàng và lính TQ đã phải dùng súng phun lửa mới tiêu diệt được những cô gái này”.
Trên blog của mình, ông Hà Minh Thành, một người VN ở Nhật, đi theo đoàn làm phim NHK của Nhật, làm bộ phim về chiến tranh biên giới Việt-Trung. Ông Hà Minh Thành đã lên quay phim trên Cao điểm 1509 vào năm 2009; đạo diễn Bành Trung Nghĩa người TQ, từng có em hy sinh tại Lão Sơn thực hiện bộ phim này. Ông Thành nói rằng khi ông đến Núi Đất (trước thuộc xã Thanh Thuỷ, huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang), nay TQ gọi là Lão Sơn để quay phim, ông đã được giới thiệu hố chôn tập thể của các bộ đội VN. Một người dân địa phương cung cấp cho ông Thành nói một số bộ đội VN khi bị chôn vẫn còn sống.
Ông Vương Hoàn Hải, một sĩ quan TQ từng tham gia cuộc chiến đó, đã vô tình kể cho ông Thành một chi tiết là sau khi chiếm được Núi Đất thì họ thu gom hài cốt binh sĩ cả 2 bên, thi thể lính TQ thì họ đưa về phía sâu bên TQ cách đó 10km và làm nghĩa trang liệt sĩ, còn thi thể của các liệt sĩ VN cũng như các thương binh nặng nhẹ, các tù binh bị tập trung xử bắn hàng loạt tại chỗ không phân biệt đã chết hay còn sống, họ liệng xuống cái hố đó và nhờ lực lượng Hóa học đốt, sau đó thì cho xe ủi lấp. Ông ta nói rằng không nhớ chính xác nhưng trong cái hố đó có khoảng 3.700 xác binh sĩ VN.
Một người tên là Đường Minh Tuấn kể với nhà văn Phạm Viết Đào, người có em ruột hy sinh tại mặt trận vị Xuyên: “Từ trên Mỏm 1, bọn em còn nghe rõ đồng đội kêu la từ Mỏm 2, đồng hương ơi cứu nhau với… Sau đó thì nghe súng nổ. Bộ đội ta thương vong và hy sinh đều được đưa vào trong hầm, khi lính Trung Quốc tràn được lên thì chúng xả súng bắn chết cả thương binh”.
Với tội ác chồng chất của giặc Tàu đã gieo rắc cho dân ta trong lịch sử và trong trận Vị Xuyên như thế. Nhưng sau hội nghị Thành Đô năm 1990, khi TQ bắn chết hoặc đâm chìm tàu ngư dân trên vùng biển của nước ta, thì tàu TQ được gọi là tàu nước lạ .
Đau đớn hơn là tấm bia ghi chiến công oanh liệt của quân và dân ta tại xã Khánh Khê (bản Pa Pách, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn)với dòng chữ
“NƠI ĐÂY SƯ ĐOÀN 337 ĐÃ ĐÁNH BẠI VÀ CHẶN ĐỨNG QUÂN TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC” đă bị đục bỏ không thương tiếc, để khỏi làm mất lòng anh bạn vàng?
Leave a Comment