Hiếu Chân
Khi từ chức thủ tướng Nhật hai năm trước, ông Shinzo Abe ân hận vì chưa hoàn thành những điều tâm nguyện. Ông hy vọng những người sau ông sẽ tiếp tục sự nghiệp đó. Và ở trong hậu trường, ông vẫn là chính trị gia có ảnh hưởng nhất, vẫn nỗ lực làm việc để khẳng định vị trí của Nhật trên trường quốc tế, dẫn dắt chính sách của đảng Dân Chủ Tự Do (LPD) và của thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida.
Nỗ lực đó bị cắt đứt vào trưa Thứ Sáu, 8 Tháng Bảy, giờ địa phương, khi ông Shinzo Abe, 67 tuổi, bị ám sát trong lúc vận động tranh cử cho LDP ở thành phố Nara, gần Osaka.
Cái chết bất ngờ của ông Abe chắc chắn sẽ có tác động đáng kể đến cục diện chính trị khu vực Đông Á và thế giới dù ông đã chính thức rời chức vụ lãnh đạo Nhật ngày 28 tháng Tám, 2020.
Khi ấy, trong thông báo từ chức, ông Abe nói đến ba điều mà ông chưa làm được: Sửa đổi hiến pháp Nhật, thu hồi các đảo phía Bắc bị Nga chiếm đóng sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh năm 1945, và chưa hồi hương được những công dân Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc.
“Với một trái tim thật sự nặng nề, tôi từ chức mà chưa làm được ba việc này,” ông Abe nói và xin “tha thứ.” Ông bày tỏ hy vọng những người kế nhiệm ông sẽ thúc đẩy các việc đó. Bây giờ thì ông đã ra người thiên cổ.
Nhưng trong hai lần làm thủ tướng – từ 2006-2007 và 2012-2020 – ông Abe cũng làm được nhiều việc quan trọng cho nước Nhật và thế giới, đưa được quốc gia này ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị và mở rộng được ảnh hưởng của Nhật ở Châu Á và trên trường quốc tế.
Lên làm thủ tướng năm 2012, ông Abe nỗ lực phục hồi nền kinh tế Nhật bằng chính sách mà giới kinh tế học đặt tên là “Abenomics,” gồm ba biện pháp lớn: Nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu công của chính phủ, và cải tổ cung cách quản trị.
“Abenomics” khuyến khích doanh nhân Nhật tăng đầu tư ra nước ngoài để khai thác nguồn nguyên liệu và nhân công giá rẻ, khởi xướng cái gọi là “Trung Quốc + 1” để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. “Abenomics” giúp đưa kinh tế Nhật ra khỏi cuộc suy trầm kéo dài hàng chục năm mà người Nhật gọi là “những thập niên mất mát” (the Lost Decades) sau vụ sụp đổ thị trường bất động sản những năm 1980.
Về an ninh, ngay từ những ngày đầu cầm quyền ông Abe đã nuôi ý đồ lớn là sửa đổi bản hiến pháp hòa bình của Nhật do Hoa Kỳ soạn thảo năm 1947 – nền tảng pháp lý để xây dựng chế độ dân chủ tự do Nhật thời hậu chiến và ngăn chặn sự phục hồi của chủ nghĩa quân phiệt Nhật.
Điều 9 Hiến Pháp Nhật quy định quốc gia này không thành lập quân đội mà chỉ có Lực Lượng Phòng Vệ (Japan Self-Defense Forces, JSDF), không được tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoài.
Nhưng hiện nay, trước sự trỗi dậy và ngày càng hung hăng của quân đội Trung Quốc, và Bắc Hàn, chính phủ Nhật muốn gia tăng tiềm lực quân sự, xây dựng quân đội hiện đại để đối phó với những tình huống bất trắc và “độc lập” phần nào với Hoa Kỳ. Dưới thời ông Abe, Nhật lần đầu tiên lập ra Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và gia tăng ngân sách quốc phòng.
Năm 2014 và năm 2015, ông Abe đã đi được một bước trong ý định này, thông qua được những đạo luật cho phép JSDF tham chiến cùng với quân đội đồng minh ở nước ngoài trong cái gọi là “tự vệ tập thể,” bất chấp phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc và Nam Hàn – hai quốc gia có một lịch sử đau thương dưới chế độ quân phiệt Nhật tàn ác.
Sau thắng lợi áp đảo để làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba năm 2017, ông Abe lại muốn sửa đổi Điều 9 Hiến Pháp.
“Bằng việc giao phó an ninh quốc gia cho một nước khác để ưu tiên cho phát triển kinh tế, chúng ta đã đạt được những thành quả vật chất vĩ đại. Nhưng cái chúng ta mất đi về tinh thần cũng vĩ đại như vậy,” ông nói lúc đó.
Tình huống có vẻ thuận lợi cho ông do đảng LDP nắm đa số ở cả hai viện Quốc Hội Nhật, nhưng sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng khiến cho ý định đó của ông Abe không thực hiện được.
Tuy vậy, ông Abe là người đã đề xướng và theo đuổi thành công ý tưởng về Đối Thoại An Ninh Tứ Cường (Quadrilateral Security Dialogue, QSD hay QUAD, gọi nôm na là “Bộ Tứ Kim Cương”) từ nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên năm 2007.
Như tên gọi, QUAD là diễn đàn đối thoại về an ninh của bốn nước lớn trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ, và Úc, cùng chia sẻ thông tin an ninh và phối hợp diễn tập quân sự. Tuy không công khai nhưng các bên đều ngầm hiểu QUAD là một phản ứng chống lại sự gia tăng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc.
Thời ông Abe, lãnh đạo QUAD họp với nhau năm lần với nội dung “thúc đẩy một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong lúc Trung Quốc gia tăng gây hấn trong khu vực.” Rồi khi ông Abe từ chức, những người kế nhiệm ông vẫn tiếp tục thúc đẩy và củng cố ý tưởng đó.
Trong 18 tháng qua, QUAD họp thượng đỉnh hai lần với sự tham dự của Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden bàn về chiến lược ứng phó với Trung Quốc, Bắc Hàn, và nguy cơ Đài Loan bị tấn công quân sự.
Nhật là nước tích cực nhất thúc đẩy Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) gồm 12 nước, hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% tổng lượng thương mại toàn cầu. Hiệp định này không có Trung Quốc và được ngầm hiểu là một cơ chế gây sức ép với Bắc Kinh, buộc Trung Quốc phải làm ăn theo luật lệ.
Khi Tổng Thống Donald Trump của Mỹ quyết định rút ra khỏi TPP đầu năm 2017, ông Abe đã nỗ lực rất lớn để cùng với 10 nước còn lại duy trì tinh thần của hiệp định này, bây giờ có tên mới là CT-TPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership). Do Hoa Kỳ không tham gia hiệp định thương mại đa phương nào ở khu vực, CT-TPP dưới sự dẫn dắt của Nhật vẫn là tập hợp duy nhất các nền kinh tế nhỏ nằm ngoài sự chi phối của Trung Quốc.
Ông Abe có mối quan hệ tốt với hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới, kể cả với Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc và Tổng Thống Vladimir Putin của Nga. Ông là thủ tướng Nhật đầu tiên đến Bắc Kinh tiếp kiến ông Tập năm 2018 sau bảy năm lạnh giá trong quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản ông Abe ban hành các chính sách khuyến khích công ty Nhật rời bỏ Trung Quốc và gia tăng tiềm lực quân sự để đối phó với Bắc Kinh, nhất là khi Trung Quốc ngày càng hung hăng đòi chủ quyền cụm đảo Senkaku trong biển Hoa Đông và có những hành động xâm nhập, quấy rối ở đó.
Đảo này hiện do Nhật quản trị, nhưng Trung Quốc lại tuyên bố có chủ quyền, và gọi đảo này là Điếu Ngư Đài.
Ông Abe đã gặp ông Putin hàng chục lần để đàm phán về cụm đảo phía Bắc nước Nhật mà người Nga chiếm sau Thế Chiến 2, đổi tên thành quần đảo Kurils, nhưng vẫn chưa ký được hiệp ước hòa bình giữa hai nước Nga-Nhật.
Dù còn những giấc mộng chưa thành, ông Shinzo Abe vẫn là một chính trị gia tầm cỡ nhất, nhiều ảnh hưởng nhất của Nhật. Đang có những người ở Bắc Kinh và Moscow vui mừng nhổ được cây gai trong mắt, nhưng với những ai yêu chuộng tự do và chống chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh, cái chết của ông Abe là một mất mát khó bù đắp được.
Nguồn: Người Việt
Leave a Comment