Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Nga là một trong 3 quốc gia đối tác chiến lược toàn diện của Hà Nội và trong nhận thức của đa số lãnh đạo Việt Nam, Nga là người bạn Liên Xô vĩ đại kéo dài. Chính vì thế, trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến tranh Ukraine, Việt Nam đã công khai chọn phe tà ác thay vì chọn chính nghĩa.
Mới đây trong hai ngày 5 và 6 tháng Bảy, Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Sergey Lavrov trên đường đi Indonesia để tham dự Hội Nghị Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tổ Chức G20, đã ghé thăm Việt Nam. Bộ Trưởng Lavrov đã được Thủ Tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp khá trọng thể.
Trong các cuộc gặp gỡ với Lavrov, một điệp khúc được các lãnh đạo Việt Nam trịnh trọng bày tỏ “Việt Nam luôn luôn biết ơn Nga,” tức quan thầy Liên Xô cũ, đã giúp đỡ trong quá khứ và bây giờ tiếp tục cưu mang người Việt đang sinh sống và làm ăn bên Nga. Tuy nhiên ngoài việc quý trọng tình nghĩa trong quá khứ, điệp khúc thứ hai mà chính miệng ông Trọng nói lên, Việt Nam “luôn coi trọng đối tác chiến lược với Nga” vì tình bạn thân thiết giữa đôi bên!
Nhưng điều đáng nói hơn là cả ông Trọng, ông Chính và “ông ngoại” Bùi Thanh Sơn đều khẳng định theo cùng một giọng điệu rằng, đường lối ngoại giao của Việt Nam dựa trên hai khúc gỗ quý: Đó là độc lập và tự chủ. Nếu lâu nay đảng CSVN thường xuyên nêu lên mục tiêu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” để lừa bịp người dân; thì nay đường lối ngoại giao độc lập tức không bị nước khác uy hiếp, khống chế và tự chủ tức không để ai xỏ mũi dẫn đi. Nghe rất hay nhưng khi so với thực tế, cái gọi là ngoại giao độc lập tự chủ này bên trong Hà Nội lại rón rén theo Tàu trong khi chủ quyền biển đảo mất dần về tay Bắc Kinh.
Điều buồn cười là cả ông Chính và ông Sơn còn tán tụng thêm, đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ trong đối ngoại của Việt Nam được áp dụng cả với cuộc chiến tranh Ukraine. Thế nhưng những gì xảy ra trong hơn 4 tháng qua ở Ukraine từ khi Putin vô cớ mở cuộc xâm lăng nước này, Việt Nam chưa bao giờ thực thi đúng cái gọi là đường lối độc lập, tự chủ của mình. Bỏ phiếu chọn phe tà ác, rõ ràng Việt Nam sợ Nga và sợ cả Tàu. Hà Nội đã muối mặt khúm núm theo đuôi hai đàn anh này, nói nước đôi để hy vọng làm vừa lòng cả hai.
Có lẽ Hà Nội cũng thừa biết trước đây quan hệ Liên Xô-Trung Quốc là mối quan hệ sóng gió vùng biên giới từ thời Mao Trạch Đông nhưng lãnh đạo Việt Nam nhắm mắt cố đấm ăn xôi mong kiếm lợi từ cả hai. Đó là một hy vọng hão huyền vì như phân tích của Alina Polyakova: “Mối quan hệ Nga-Trung không phải là một liên minh lâu dài mà đúng hơn, là một quan hệ đối tác không có thực chất. Cuộc chiến thảm khốc của Nga ở Ukraine khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế khó khăn: Lợi ích kinh tế của nước này là với phương Tây và địa vị quốc gia quan trọng của Nga không giúp ích gì cho quan hệ với phương Tây. Nó sẽ phải tan vỡ. (Will China and Russia Stay Aligned? https://www.foreignaffairs.com/ask-the-experts/2022-06-21/will-china-and-russia-stay-aligned)
Trong tình hình hiện nay, không ai cho thái độ nước đôi của Việt Nam là khôn ngoan mà là hèn, vì khiếp sợ cả Nga lẫn Tàu. Mà khi đã mang tâm trạng khiếp sợ thì còn gì ngoại giao Độc Lập, Tự Chủ như Việt Nam rêu rao?
Vậy Việt Nam sợ gì từ Nga?
1/ Lệ thuộc mua vũ khí từ Nga. Cuộc chiến tranh Ukraine đã phô bày tất cả các mặt yếu kém của một hệ thống vũ khí đã lỗi thời so với Tây Phương. Nhưng Việt Nam vẫn cố bám vào vũ khí Nga vì đã quen từ thời chiến tranh, vì giá cả và vì sẵn có một hệ thống bảo trì, sửa chữa. Quan trọng nhất đó là những hợp đồng vũ khí béo bở của Bộ Quốc Phòng với các công ty mua bán vũ khí của Nga mà “lại quả” không phải nhỏ.
2/ Việt Nam có nhiều cán bộ chính quyền và quân đội được học tập và giáo dục từ Nga. Ngay cả Nguyễn Phú Trọng và biết bao cán bộ cao cấp đã đi học và tốt nghiệp từ Nga. Do đó sự hàm ơn Nga cũng là điều không khó hiểu.
3/ Nga không chỉ giúp đỡ Việt Nam khai thác dầu khí mà những hợp đồng khai thác với các công ty Nga phần nào cũng giúp bảo vệ Việt Nam trước các đòn răn đe của Bắc Kinh. Chính những điều này đã giúp cho Việt Nam sống còn, cho nên nếu đi ngược lại chính sách Nga để bị trả đũa thì thật khốn khổ.
Rốt cuộc, tuyên bố “độc lập, tự chủ” trong đối ngoại chỉ là lời nói của con vẹt mà thôi!
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment