Diệp Chi – VNTB
Tin tức cho biết, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) yêu cầu các địa phương tiêm hết vắc-xin đã được phân bổ, không để xảy ra tình trạng hủy vắc-xin do không thể “tự gia hạn” thêm lần thứ hai.
Trong trường hợp người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh. Các địa phương tổng hợp báo cáo số lượng người dân không đồng ý tiêm về Sở Y tế ngay sau khi đợt cao điểm kết thúc.
Trước TP.HCM, nhiều địa phương khác như Bình Phước, Sóc Trăng cũng yêu cầu người dân không đồng ý tiêm vắc xin Covid-19 phải ký cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh và gặp phải nhiều ý kiến phản biện của chuyên gia dịch tễ.
“Nếu tôi nhớ không lầm, trong phiếu chích ngừa Covid-19, có viết, đại ý là việc tiêm phòng Covid-19 là đến từ sự tự nguyện, nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, người dân tự chịu trách nhiệm. Kể cũng lạ, chấp thuận tiêm ngừa, tự chịu là đúng rồi.
Nhưng lần này, không đồng ý tiêm ngừa, cũng phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh. Dường như mọi thứ đều đổ hết lỗi về cho người dân. Trong khi người dân là người bị động hoàn toàn. Không thể tự chủ thời gian đi chích vắc-xin như các loại vắc-xin khác thời điểm dịch bùng mạnh. Rồi có ai muốn mình bệnh đâu, kêu người ta tự chịu trách nhiệm?”, ông Hai, một cư dân sống gần cả đời người ở quận Bình Thạnh lắc đầu.
“Chích ngừa Covid-19 cũng có khả năng bị nhiễm mà. Như trường hợp người nhà tôi nè, hai hay ba mũi gì đó, vẫn nhiễm đó thôi. Rồi khi có kết quả dương tính, phải chịu trách nhiệm à? Sao lại lấy hai từ trách nhiệm đè nặng lên vai người dân thế?”, ông Tám, cư dân ngụ tại Bình Chánh thắc mắc.
Là người đã chích ba mũi, khi được hỏi sẽ đi chích mũi thứ 4 hay không, bà Tư, một cư dân ở Bình Thạnh, vốn có bệnh nền, chia sẻ: “Mũi 4 hả? Dứt khoát là không. Không biết có phải do vắc-xin hay không nhưng chích mũi 3 về, oải còn hơn hai mũi trước. Sức khoẻ của mình cũng đi xuống. Lúc trước còn đi nổi, giờ chỉ đi vòng vòng trong nhà. Lúc trước còn thấy đường rõ, giờ mờ mờ. Với lại chích nhiều làm gì, 3 mũi đủ rồi”.
“Có quen với y tế phường, tôi lên đăng ký chích. Họ coi sao đó, họ kêu thôi, dì về đi, sức khoẻ của dì đừng chích mũi 4”, bà Kỳ, một cư dân của tỉnh Bình Phước chia sẻ.
“Giờ thí dụ tôi chấp nhận hết đi, nhưng nếu tiêm vào, bị gì, thì Bộ Y tế có chịu trách nhiệm không? Hay là kiểu đánh đu, đổ thừa cho địa phương, đổ thừa cho nơi tiêm ngừa hay công đoạn tiêm ngừa hoặc địa phương bảo quản vaccine không đúng như hướng dẫn? Covid thì chưa chắc nhiễm, nhiễm chưa chắc chết, nhưng chích vào, ảnh hưởng sức khoẻ, bị gì thì sao? Trâu đang lành thành trâu què à?”, một ý kiến khác.
“Vô lý quá, công tác dân vận tốt, và chứng minh là tiêm mũi 4 là tốt thì người dân sẽ tin tưởng và thực hiện thôi, chứ đừng cái gì chưa vận động được thì lại đẩy trách nhiệm về phía người dân”, lại một ý kiến nữa.
“Thay vì buộc này buộc nọ, không chịu nhìn lại, tại sao người dân không đi chích? Có phải do vắc-xin Bộ Y tế đưa xuống đã gần hết hạn của lô gia hạn hay không? Liệu như vậy có an toàn không? Rồi Bộ kêu không an toàn không cho dân chích. Ok, vậy chích xong bị gì, Bộ chịu trách nhiệm không? Nếu xảy ra xui rủi, thiệt mạng, thì sao? Người dân không đi, họ cũng có cái lý của họ. Sao lại quy kết mọi tội lỗi cho người dân như vậy được?”, sinh viên Đức, khối ngành công tác xã hội chia sẻ suy nghĩ.
Dẫu biết rằng, có thể những quy định mà địa phương đưa ra, nguyên nhân chính là do áp lực đến từ Bộ Y tế, đến từ Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Song, nếu quy định như vậy, chẳng khác gì “trăm dâu đổ đầu tằm”.
Tội nghiệp cho người dân, nhiều lắm…