Mới đây, Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND Tp Hà Nội, nguyên Thiếu tướng Giám đốc Công an Tp. Hà Nội, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân CSVN lại ra tòa phúc thẩm vụ án “mua Redoxy 3C”. Phiên tòa này là phiên phúc thẩm của một trong 3 vụ án mà Nguyễn Đức Chung phải đối mặt. Liên quan đến việc “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” trong vụ việc chỉ đạo cho sân sau của gia đình mình lợi dụng moi tiền dân. Số tiền gây thiệt hại của vụ án được Tòa sơ thẩm xác định là hơn 36 tỷ đồng. Trong đó Nguyễn Đức Chung phải liên đới bồi thường 25 tỷ đồng.
Sẽ không có gì đáng để nói nhiều, nếu như vụ việc cứ vậy mà đảng và nhà nước cứ diễn trò xét xử, giảm án hay tăng án… Dư luận có quan tâm, chỉ là quan tâm xem Nguyễn Đức Chung đang đứng ở phe nào trong đảng, đang bị phe nào chiếu tướng, rồi mức độ sự việc sẽ đi đến đâu. Và điều người ta quan tâm là sự truy vấn, xét xử của Tòa ở mức nào, để Nguyễn Đức Chung có thể còn chịu được mà không phát khùng rồi bung bét tất cả ra giữa thanh thiên bạch nhật cho thiên hạ biết, như cách hành xử của giang hồ xứ Bắc: “Nhất là bét” – trạng chết thì vua cũng phải băng hà”.
Thế nhưng, người ta thấy một điều là trước phiên xử phúc thẩm xảy ra, Báo chí được đưa tin là Nguyễn Đức Chung đã có bản giải trình dài hơn 100 trang viết từ trại giam để trần tình, tranh luận và phủ nhận tội trạng của mình, đồng thời yêu cầu Tòa án phải tuyên vô tội không chỉ cho mình mà cả ekip, và đình chỉ vụ án…
Về phương diện cá nhân, có thể nói không sợ quá rằng: Bản trần tình dài hơn 100 trang kia, có lẽ là công trình dài nhất, nhiều nhất những điều Nguyễn Đức Chung đã tự viết trong đời, mặc dù Nguyễn Đức Chung là Tiến sĩ Luật Cử nhân Quản trị kinh doanh, là Thiếu tướng, là Giám đốc Công an Hà nội và là Chủ tịch Thành phố thủ đô đi nữa.
Bởi chẳng ai lạ gì sự học hành, bằng cấp và chức vụ của các quan chức cộng sản ngày nay.
Bản trần tình dài hơn 100 trang đó, Nguyễn Đức Chung phủ nhận tội trậng của mình. Thế nhưng, báo chí không hề đả động đến bản tường trình này nội dung cụ thể là những điều gì, chi tiết ra sao… Nhưng điều mà ai cũng biết rất rõ ràng là về nguyên tắc, bản chất của tội phạm là chối tội, điều đó không có gì lạ.
Thế rồi phiên xử phúc thẩm đã diễn ra và những yếu tố bất ngờ đã đến. Đó là trong quá trình xử, gia đình Nguyễn Đức Chung đã nộp số tiền 10 tỷ đồng qua chị gái của Chung với lý do: “Chỉ vì nghe nói rằng nếu nộp tiền sẽ được giảm án”.
Thiên hạ cảm thấy ngạc nhiên, bao tiếng xì xầm nhỏ to tìm hiểu, đồn đoán nguyên nhân, bởi nhiều lẽ. Điều đầu tiên mà thiên hạ ngạc nhiên, là tiền đâu mà lắm thế? Không chỉ quan chức lắm tiền của từ chiếc ghế của mình đã đành, mà ngay cả chị, em cũng tiền nhiều như nước. Chục tỷ đồng, gần nửa triệu đola mà cứ như thò tay vào túi lấy chiếc kẹo vậy. Bởi ngay cả khi chị gái nộp cả chục tỷ đồng mà ông em cũng không hề hay biết và còn yêu cầu tòa phải cho mình gặp lại chị gái để hỏi rõ là số tiền đó là cho mình vay hay cho hẳn.
Hẳn nhiên, là Chung Con cũng sẽ không hiểu được là tại sao mình đang chống án quyết liệt, phân trần bằng mọi cách, thì gia đình lại đi làm cái việc tréo ngoe ngược chiều là chị gái nộp cả chục tỷ bạc để “khắc phục hậu quả”. Vậy thì có khác gì tự thú nhận rằng rõ ràng có tội chứ không như bản trần tình công phu cũng như những lời kêu oan của Chung Con để ra tòa Phúc thẩm hôm nay. Bởi ngay cả trong bản trần tình mới đây, Chung Con vẫn cố sống, cố chết để thanh minh thanh nga.
Và việc Chung Con yêu cầu Tòa cho gặp chị gái mình, chắc hẳn không phải chỉ để “hỏi cho rõ là chị cho hay cho vay”. Bởi nội dung ở đây đâu có phải là chuyện tiền bạc. Với chức vụ và quá trình công tác của Chung con, chuyện dăm bảy chục tỷ đâu có là chuyện lớn? Chính Chung Con nói rõ: Nếu Tòa chứng minh được tội trạng của mình, thì sẽ ngay lập tức bảo gia đình bỏ ra 25 tỷ tiền nhà để đền ngay chứ đâu cần phải chị gái.
Thế rồi, bỗng nhiên có nhiều sự thay đổi tại phiên tòa Phúc thẩm Chung Con.
Đó là sự thay đổi thái độ của Chung Con tại tòa. Và báo chí, Tòa không nói rằng Chung Con nhận tội, mà là “nhận trách nhiệm” – Một sự đánh tráo khái niệm thường thấy tại công đường, báo chí, miệng quan chức Việt Nam. Bởi trong ngôn ngữ Việt Nam, thì “Trách nhiệm” và “Tội” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, ở đây cả hệ thống chính trị, luật pháp và tuyên truyền đều đã nghiễm nhiên coi việc “nhận trách nhiệm” đương nhiên như thay việc “nhận tội” để qua đó dẫn đường cho việc giảm án.
Cùng thời gian đó, khi trong Tòa, Chung Con “nhận trách nhiệm” thì ở ngoài, gia đình Chung Con lập tức nộp thêm 15 tỷ để khắc phục hậu quả đủ 25 tỷ đồng thuộc trách nhiệm của Nguyễn Đức Chung.
Và chỉ cần có thế, Tòa giảm ngay 3 năm tù, từ 8 năm xuống còn 5 năm tù, giải tỏa toàn bộ tài sản là nhiều nhà cửa bị kê biên của Chung Con.
Hẳn nhiên, đây không phải là lần đầu tiên có những phiên tòa xử các quan chức cộng sản để lại những màn bi hài kịch trong cái gọi là Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ Nghĩa. Thiên hạ đã từng chứng kiến những phiên tòa điển hình của sự hài hước, bất chấp sự công bằng, bình đẳng và sự công tâm, mà ở đó chỉ có những màn diễn vụng về và lỳ lợm.
Đó là vụ Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tham nhũng và làm thất thoát đến cả ngàn tỷ tiền dân cùng hàng ngàn mét vuông đất vàng của Quân Chủng Hải Quân. Thế nhưng, chỉ vì Quân chủng Hải Quân là người bị hại nhưng không những không đòi hỏi truy thu, đền bù mà còn đề nghị giảm án, xóa tội cho ông ta nên được giảm án xuống 4 nẵm rưỡi.
Đó là vụ án hai tướng Công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, dùng ngay trụ sở Bộ Công an để tổ chức “đánh bạc công nghệ cao” với hàng chục ngàn tỷ đồng. Dù phạm nhân Phan Sào Nam đã khai rõ ràng hối lộ Phan Văn Vĩnh bằng đồng hồ tiền tỷ, mỗi tháng vài ba trăm ngàn đola Mỹ… Nhưng bỗng nhiên Tòa tuyên bố không truy tố tội danh hối lộ (Chắc chỉ vì đó là… Công an).
Đó là vụ án đại tá Nguyễn Duy Linh, phó tổng cục Tình báo, con trai Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng nhận hối lộ từ Vũ nhôm số tiền hàng tỷ đồng, công với mấy triệu đola. Nhưng bỗng nhiên mấy triệu đola nhận hối lộ biến mất trong bản án để nhận bản án ví dụ.
Có thể kể đển rất nhiều vụ án tương tự như những màn bi hài kịch không hề dứt trong thể chế Cộng sản hiện nay.
Tuy nhiên, tại vụ án này, khi Chung Con “nhận trách nhiệm” và gia đình nộp tiền “khắc phục hậu quả” đã là sự đương nhiên thừa nhận tội tham nhũng tài sản. Và Tòa án giảm cho Chung Con 3 năm tù.
Thế rồi mấy hôm nay, dư luận và mạng xã hội lại nhắc đến đoạn video của Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đại biểu Quốc hội khi bàn đến việc bỏ án tử hình những tội tham nhũng.
Trong đoạn video trên, Nguyễn Đức Chung “đề nghị không vì áp lực của các Tổ chức bảo vệ nhân quyền Quốc tế mà bỏ án tử hình những tội phạm về tham nhũng. Bởi những người dân nghèo khổ, thất học, không hiểu biết luật pháp nên phải đi buôn bán ma túy vẫn phải chịu án tử hình. Còn quan chức, là những người đã được học hành, hiểu biết luật pháp mà còn tham nhũng, phạm tội thì càng phải bị trừng trị. Thực tế là Nguyễn Đức Chung đã thấy từ án tử hình xuống 20 năm, rồi từ 20 năm xuống 18 năm và đi 15 năm là về. Vì vậy cần giữ nguyên án tử hình cho tội phạm tham nhũng”.
Thế nên, khi bị tuyên có tội, thì người ta nắc nỏm: lần này thì Chung con sẽ dẫm lại cái vòng mà mình đã vẽ?
Bởi theo luật chống tham nhũng hiện hành, tại Điều 353 tội tham ô tài sản, khoản 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
- a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên;
- b) Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.
Và nếu trong trường hợp luật pháp nghiêm minh, đúng luật và áp dụng điều Nguyễn Đức Chung đề nghị thì án tử hình là điều không tránh khỏi.
Thế nhưng, hẳn là nhờ sự “nghiêm minh của luật pháp” và “sự bình đẳng theo kiểu cộng sản”, nên Chung con đã nhận được bản án 5 năm làm ví dụ. Và mọi chuyện còn lại sẽ được giải quyết trong quá trình thi hành án.
Và do vậy, trong chế độ cộng sản, việc vẽ vòng là chỉ để dành cho dân./.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Leave a Comment