Thưa Tổng Bí thư, điều tra xã hội nói trên lại là một trò bịp, họ có thể đưa ra bất cứ kết quả thăm dò nào họ muốn.
Ngày qua ngày, tiếng sênh ca vẫn rộn rã khắp chốn nhân gian: “Khen ai khéo vẽ ối a đèn cù. Voi giấy ối a, ngựa giấy, tít mù nó chạy vòng quanh… Voi giấy ngựa giấy ối a, vòng quanh nó chạy tít mù”. Bình mới rượu cũ, bổn cũ soạn lại. Đèn cù có thể có nhiều tầng nhiều nấc. Kẻ đẩy đèn tầng này biết đâu là voi giấy ngựa giấy tầng khác, như người xưa từng nhìn thấu đàn ve sầu, đằng sau ve sầu là bọ ngựa, đằng sau bọ ngựa là chim sẻ, đằng sau chim sẻ là kẻ bắn chim… Tích về đèn cù này có phần giống với câu chuyện chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dân tình nếu tinh mắt, hăng máu, đám đông có thể xúm lại để bình phẩm, tán dương hay mắng mỏ, hy vọng hoặc thất vọng, hỷ nộ ái ố tham sân si đều đủ cả. Rồi người vận hành lại sẽ đưa ra một chiếc đèn cù mới, một sân khấu mới, với voi giấy, ngựa giấy mới… Tất cả lại tiếp tục, “tít mù nó lại vòng quanh”.
Lạc hướng chứ không phải lạc hậu
Sinh thời GS. Trần Đình Hượu có lần nói, Việt Nam đâu phải lạc hậu, mà Việt Nam bị lạc hướng. Lạc hậu thì còn có cơ hội để đuổi kịp các quốc gia đi trước, nhưng Việt Nam lại chọn một hướng đi hoàn toàn khác so với phần lớn các quốc gia trên thế giới. Và chính cái mô hình quản trị xã hội – đất nước, tức cái thể chế “không giống ai” ấy, là căn nguyên sâu xa của quốc nạn tham nhũng. Tham nhũng ở Việt Nam ngày nay không chỉ là xu thế, là phong trào, mà phải nói như TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), tham nhũng đã chuyển sang một hình thái “cao cấp” hơn – hình thái “lũng đoạn nhà nước” (state capture). Do đặc thù của thể chế toàn trị, tức là elite lãnh đạo không phải do người dân bầu ra và người dân cũng không có quyền phế bỏ họ. Với sự “thấp cổ bé họng” của đám tiện dân, quan chức tham nhũng tràn lan (Chủ tịch nước Trương Tấn San ví họ nhiều như một “bầy sâu”). Tham nhũng là hiện tượng thường xuyên, phổ biến và mức độ ngày càng trầm trọng. Điều này khỏi phải chứng minh, nếu theo dõi các đại án tham nhũng ngày càng nhiều và nghiêm trọng trong 20 năm qua.
Thì đấy, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 diễn ra vào ngày 30/6, chính kiến trúc sư của “cái lò” đang hừng hực cháy đã thừa nhận một thực trạng bi đát. Trong vòng 10 năm qua, đã thi hành kỷ luật được 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, bao gồm cả các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương, các sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Trọng trích Truyện Kiều để nói về chống tham nhũng hiện nay. Ông say sưa với “đức trị”: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài/ Có tài mà cậy chi tài, chữ “tài” liền với chữ “tai” một vần!”. Ông Trọng không ngần ngại thừa nhận tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”. Chưa hết, ông còn chua chát: “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn!” hoặc: “Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”
Trước đó, sáng 17/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/3/2022 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh. Phần Tổng Bí thư đọc bài phát biểu do các Trợ lý chuẩn bị sẵn chẳng có gì đáng bàn, vẫn là “hết sức”, “quyết tâm” và “đẩy mạnh…”, nhưng giữa chừng, tức là khi TBT bỏ giấy xuống và nói “vo”, phải thừa nhận là nghe khá mùi mẫn. Từ trước đến nay, chưa thấy ông Trọng (một thư sinh học Văn ra) lại dùng những từ hạ đẳng, như “không được làm những việc ti tiện, hèn đớn” để dặn dò các đồng chí của mình. Hoặc khi Truyền hình quốc gia đưa lại phát biểu hôm 30/6, đoạn cuối ông run lẩy bẩy, nói như sắp khóc… Tự nhiên thấy tội nghiệp cho ông, vì cái cảm giác cô đơn trống trải, vì cả khối nặng – của một đảng cầm quyền biến chất, một tính chính danh không được thừa nhận – đè lên một ông già sức cùng lực kiệt. TBT nói như van lơn người khác, chua chát… và bất lực!
Quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối
“Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối” – Lord Acton, tác giả được coi là một trong những người Anh nổi bật và uyên bác nhất thế kỷ 19, đã viết như thế khi ông bàn về cơ chế kiểm soát quyền lực. Trong quá trình chỉ huy “cuộc đốt lò vĩ đại” ở Việt Nam, ông Trọng một mặt, thừa nhận phải “nhốt quyền lực vào trong lòng cơ chế”, nhưng mặt khác, lại phủ nhận sự tha hoá không phải là hệ quả của quyền lực không được kiểm soát. Trong khi từ lịch sử cho tới hiện tại, vấn đề xuyên suốt gây ra các hậu quả xã hội chính là do các quốc gia đã thiết lập ở trong nó một chính thể như thế nào: độc tài, toàn trị hay tự do, dân chủ. Tất cả những nhà lập pháp, từ cổ chí kim, quan tâm là làm sao thiết lập được một bản Hiến pháp mà ở đó chủ yếu làm một công việc hầu như là duy nhất: xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của nhà nước, tức thiết lập một chính thể làm sao để các nhánh quyền lực tự kiềm chế và đối trọng lẫn nhau.
Khi ông Nguyễn Phú Trọng mơ về một “cái lồng để nhốt quyền lực”, ông vẫn đặt Cương lĩnh của ĐCS cao hơn Hiến pháp. Không những thế, ông còn thóa mạ “tam quyền phân lập” và “xã hội dân sự”. Ông coi những giá trị phổ quát của nhân loại là “sự suy thoái tư tưởng chính trị” cần xử lý. Sau khi nhốt quyền lực vào lồng, đáng ra ông phải bàn giao ngay “chìa khóa của cái lồng quyền lực” ấy cho người dân, đằng này ông ngồi “tự sướng một mình”. Với tư cách là người nắm vị trí cao nhất trong ĐCSVN, theo lẽ thường ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm trước các hành vi tham nhũng mà đảng viên của đảng mình gây ra. Đằng này, thay vì xin lỗi nhân dân, ông Trọng lại khoe khoang là được các đồng chí của mình cầu xin tha thứ. Không ngạc nhiên, thái độ này của ông đã vấp phải sự chỉ trích và chế giễu trên mạng xã hội
Không dưới một lần TBT ĐCSVN đã đưa ra yêu cầu phải hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Ngoài ra, ông Trọng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, góp phần đẩy mạnh công tác chống tham nhũng để củng cố niềm tin của nhân dân, và ông cũng “bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là ‘đấu đá nội bộ’, ‘phe cánh’”. Ông Trọng cho biết thêm, kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thưa Tổng Bí thư, điều tra xã hội nói trên lại là một trò bịp, họ có thể đưa ra bất cứ kết quả thăm dò nào họ muốn. Trên thực tế, Đảng/Nhà nước toàn trị “dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện” của ông, đã cố ý bày đặt ra nhiều luật lệ rắc rối và vô lý, khiến cho đám quan chức có cơ hội đàn áp, moi móc đến cả cái khố rách của dân đen. Dù chỉ làm một việc thông thường như bán cái nhà, làm tờ khai sinh cho con nhỏ, xin cái bằng lái xe… chính quyền của ông cũng bắt dân phải đưa đầu cho cấp Phường hạch hỏi, rồi tới Quận, rồi tới các Cơ quan chuyên trách… “Bộ Binh, Bộ Hạ, Bộ Hình…” Mà các bộ này thiết lập nên các guồng máy “hành là chính” cồng kềnh, kém hiệu năng, nhưng lại là dịp để chạy mánh, để móc tiền dân. Dẹp bỏ cái thể chế sinh ra hệ thống này là bước đầu tiên ông Trọng nên làm nếu muốn dẹp tham nhũng. Nếu không, càng chống tham nhũng, càng nhiều quan chức “vào lò”. Ông Trọng chỉ bỏ vào “lò” các vụ tham nhũng từ vài trăm tỷ trở lên, còn những vụ tham ô từ trăm tỷ trở xuống vẫn đầy rẫy. Các quan tham giờ ăn tinh vi lắm, kín đáo lắm trong mọi ban ngành, từ công an, giao thông đến thuế vụ, nhà đất, hải quan…
Leave a Comment