Quảng Cáo

Doanh nghiệp ngộp thở, tại sao chính phủ làm ngơ?

Quảng Cáo

Đỗ Ngà

Sau hai năm Covid, nhiều doanh nghiệp đang cạn kiệt vốn, trong khi lãi suất ngân hàng phải trả đều. Nhà cầm quyền Cộng Sản đang bung gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng giá trị 40.000 tỷ đồng, tương đương với $1,7 tỷ. Tuy ít nhưng nếu giải ngân được thì doanh nghiệp cũng giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay gói hỗ trợ này đang bị kẹt bởi room tín dụng. Vậy room tín dụng là gì?

Room tín dụng là hạn mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước áp đặt cho ngân hàng thương mại. Nếu ngân hàng thương mại nào cho vay quá nhiều, đạt mức tăng trưởng tín dụng giới hạn quá sớm thì sẽ không được phép cho vay nữa. Nếu bất tuân thì sẽ bị Ngân hàng nhà nước chế tài.

Việc áp room tín dụng là một cách mà Ngân hàng Nhà nước hạn chế việc bơm tiền ra thị trường. Khi nền kinh tế đối mặt với nguy cơ lạm phát cao thì Ngân hàng nhà nước bằng cách nào đó phải hạn chế cung tiền và siết room tín dụng các ngân hàng thương mại là một trong các cách đó.

Ngày 15 Tháng Sáu vừa qua, Cục dự Trữ Liên bang Mỹ – FED đã tăng lãi suất lên 0,75% để chống lạm phát. Khi tăng lãi suất thì cung tiền sẽ giảm và đồng tiền USD bắt đầu tăng giá. Ngày 10 Tháng Sáu, trước khi có thông tin FED tăng lãi suất thì $1 ăn 23.182 đồng. Khi FED chính thức áp mức lãi suất 0,75% thì ngày 15 Tháng Sáu thì $1 ăn 23.235 đồng. Như vậy đồng tiền Việt Nam đang mất giá so với USD khi FED tăng lãi suất. Để đồng tiền lạm phát hay giảm phát đều không tốt, mà điều tốt nhất là nên giữ đồng tiền nội địa ổn định. Đấy là lý do đồng tiền Việt Nam bị lạm phát do yếu tố bên ngoài. Để ứng phó với khó khăn này, ngày 21 Tháng Sáu, Ngân hàng Nhà nước tăng tần suất bán ngoại tệ nhằm hãm đà mất giá của Việt Nam đồng so với USD. Mà bán ngoại thệ thì có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước hút Việt Nam đồng về. Tuy nhiên cách này không xuể, cần phải có cách bổ trợ khác.

Tác động từ thị trường tài chính quốc tế như vậy, trong nước thì có đến hai áp lực lạm phát đối với Việt Nam đồng: Áp lực thứ nhất là bởi những gói cứu trợ mà nhà nước đã bung ra trong lúc covid, với độ trễ từ nửa năm, áp lực lạm phát đang phát tác; Ngoài nguyên nhân đó ra thì còn có nguyên nhân thứ hai, đó là giá xăng dầu tăng cao gây ra vật giá leo thang. Mà vật giá leo thang chính là lạm phát.

Chính vì áp lực như vậy nên dù muốn hay không, Ngân hàng Nhà nước cũng phải giảm cung tiền. Đó là lý do Ngân hàng Nhà nước đã bóp room tín dụng thật mạnh. Thường thì chính sách nào cũng có hai mặt, để khắc phục khó khăn này thì sẽ gây ra khó khăn khác. Vấn đề là ưu tiên giải quyết khó khăn nào trước. Khi bóp room tín dụng chống lạm phát thì ngân hàng thương mại hết room không cho vay được. Room tín dụng hết nên gói hỗ trợ lãi suất 2% bị nghẽn chưa thể triển khai. Doanh nghiệp đói vốn không thể xin vay dù có đủ điều kiện đi vay. Chính vì thế mà cũng bóp luôn nền kinh tế Việt Nam.

Hiện nay doanh nghiệp đang “kêu trời không thấu” vì họ nghĩ hậu covid ngân hàng thương mại sẽ thực hiện việc mở rộng cho vay và ưu đãi lãi suất như Nhà nước đã hứa, nhưng cuối cùng vì áp lực lạm phát Ngân hàng nhà nước bằng mọi cách siết tăng trưởng tín dụng. Doanh nghiệp Việt Nam đang bị “cho ăn quả lừa” nhưng không biết kêu cứu từ đâu. Nếu trách ngân hàng thương mại cũng không đúng, họ cũng muốn tăng trưởng tín dụng để giải phóng núi tiền mà khách hàng cho vay hằng ngày đang mang tới gởi, nhưng Ngân hàng Nhà nước lại không cho phép. Ngân hàng thương mại họ cũng bị oan.

Vấn đề là chính sách vĩ mô của Nhà nước. Để chống lạm phát, đâu chỉ là siết room tín dụng? Còn có cách khác, đó là có thể hạ giá xăng dầu bằng cách bỏ một số loại thuế phí đang áp lên xăng dầu. Hiện nay tổng mức thuế và phí mà mỗi lít xăng phải gánh chiếm từ 42 đến 43% giá xăng. Vậy Bộ tài chính sao không dỡ bỏ thuế để giảm áp lực lên Ngân hàng Nhà nước?

Dỡ bỏ thuế cho xăng dầu, nhà nước thất thu, tuy nhiên cái được rất lớn. Đó là Ngân hàng Nhà nước sẽ có khoảng trống nhiều hơn để thực hiện việc nới lỏng tín dụng cứu doanh nghiệp. Để làm được chính sách này thì phải có cuộc họp liên ngành giữa Bộ tài Chính và Ngân hàng Nhà nước trong đó có sự chủ trì của Thủ tướng chính phủ. Nhà nước phải chấp nhận chịu thiệt một chút để dân nhờ, doanh nghiệp nhờ, nền kinh tế nhờ. Không hiểu sao Chính phủ của ông Phạm Minh Chính không làm thế? Ở Việt Nam, Ngân hàng nhà nước không độc lập với Chính phủ mà là một bộ phận của Chính phủ, tương đương với một bộ. Đâu có khó giải quyết?

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.sggp.org.vn/cho-vay-goi-ho-tro-lai-suat-2-uu…

https://tapchitaichinh.vn/…/fed-quyet-muc-tang-lai-suat…

https://vnexpress.net/ngan-hang-nha-nuoc-se-tang-tan-suat…

https://haiquanonline.com.vn/ngan-hang-xin-noi-room-tin…

https://consosukien.vn/giam-gia-thue-xang-dau-giai-phap…

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux