Quảng Cáo

Sau ‘Ream’ và ‘Phúc Kiến’, Việt Nam còn kê cao gối ngủ đến bao giờ?

Hai thủ tướng Việt Nam và Cambodia, Phạm Minh Chính và Hun Sen (phải).

Quảng Cáo

Việt Nam mọi công dân đều có thể trở thành tù nhân dự bị nếu dám công khai bày tỏ tình thế “trên đe dưới búa” của đất nước. Vì vậy, thật nể phục TS. Nguyễn Ngọc Chu trong bài viết “Dựa vào ai và rút về đâu khi xảy ra ‘chiến dịch đặc biệt’?”

Thời gian đang làm việc cho chiến tranh! Không còn bao nhiêu khoảng trống nữa cho những lễ lạt rổn rảng và vô bổ. Sống hay chết của Việt Nam lúc này là xốc lại nội trị để cả nước đứng trên một chiến tuyến và cùng với việc ấy là sắp xếp lại thế trận đối ngoại.

Trần Đông A

Tháng 6/2022 này diễn ra hai sự kiện chấn động an ninh khu vực và toàn cầu. Trung Quốc động thổ xây căn cứ Hải quân Ream (8/6) tại Campuchia và hạ thủy Tàu sân bay Phúc Kiến (17/6). Tuy nhiên, Việt Nam hầu như không có phản ứng gì rõ rệt. Giới phân tích chính trị quốc tế đang đặt câu hỏi, có phải Việt Nam vẫn kê cao gối ngủ hay đang ngấm ngầm chuẩn bị để đối phó với môi trường an ninh đang ngày càng xấu đi trong thời gian gần đây?

Thất bại ngoại giao cay đắng

Tuần trước (24/6), Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia (24/6/1967 – 24/6/2022). Nhân kỷ niệm 55 cột mốc có ý nghĩa này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã buộc phải nhắc lại cam kết “không cho phép bất kỳ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho an ninh nước kia”. Bà Phó Thủ tướng Men Sam An, Bộ trưởng Bộ Quan hệ Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra Vương quốc CPC, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân CPC, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia – Việt Nam làm trưởng đoàn sang Việt Nam thăm và tham dự. Sáng cùng ngày, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm tại Nhà hát Lớn ở Hà Nội. Chiều 24/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp xã giao bà Men Sam An. Bà Men Sam An cũng đã có cuộc gặp với TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Rình rang lễ lạt, rình rang các “sô diễn” hào nhoáng bằng các cuộc mít-ting, các tuyên bố kiểu “rất Hun Sen” (CPC được như ngày này là nhờ có Việt Nam…), vẫn không che dấu được một sự thật cay đắng. Trung Quốc, không cần đánh mà vẫn thắng Việt Nam “hai keo” ngoại giao rất ngoạn mục. Giật khỏi tay Việt Nam hai “đồng minh ruột” là CPC và Lào. Nhân dịp lễ kỷ niệm 45 năm ngày chế độ Pol Pot sụp đổ (20/6/1977 – 20/6/2022), trước mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại tỉnh Tboung Khmum, Hun Sen tuyên bố những điều khá “nghịch nhĩ”, kiểu như: “Tôi xin khẳng định với nhân dân CPC trong và ngoài nước, thông qua báo chí truyền thông và trước mặt Ngài Thủ tướng Việt Nam rằng, tôi không có quyền cho Việt Nam đất, dù chỉ 1 milimet, và tôi cũng không muốn đất Việt Nam dù chỉ 1 milimet”. Tuyên bố rổn rảng như thế nhưng Hun Sen lờ tịt cảnh báo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhắc lại cam kết “không cho phép bất kỳ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho an ninh nước kia”.

Nói Trung Quốc giật CPC khỏi tay Việt Nam là hiểu theo nghĩa “đen đúa” nhất của từ này. Thì đấy, ngày 8/6/2022, CPC và Trung Quốc đã động thổ dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville. Dự án do Trung Quốc đầu tư, bao gồm nâng cấp và mở rộng một bệnh viện, tài trợ thiết bị quân sự và sửa chữa 8 tàu chiến của CPC. Bộ trưởng Quốc phòng CPC Tea Banh chối bay chối biến: “Có những cáo buộc rằng căn cứ Ream khi hiện đại hóa sẽ do quân đội Trung Quốc độc quyền sử dụng. Không, hoàn toàn không phải như vậy”. Tuy nhiên, giới chức phương Tây nghi ngại hai bên đang thực hiện các biện pháp đặc biệt để che giấu hoạt động. Trang “Khmer Times” của CPC, hôm 8/6, cho hay đây là dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream nằm trong khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc. Ngoài giúp cải tạo và mở rộng các tòa nhà trong căn cứ Ream, Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ nâng cấp các tàu chiến của CPC, xây các cầu cảng, nâng cấp bệnh viện quân và dân y. “Tầm nhìn Ream” tất nhiên là để theo dõi Eo biển Malacca, nhưng xa hơn nữa là để đối phó với “Chiến lược Indo-Pacific mới” (IPS). Và Trung Quốc sẽ không dừng lại ở đấy!

Với Lào, ngày 3/12 năm ngoái, đã khai trương tuyến đường sắt tốc độ cao Lào – Trung. Với chiều dài hơn 1.000 cây số, tuyến này nối thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam với thủ đô Vientiane của Lào. Chuyên gia Burin Adulwattana của Ngân hàng Bangkok nhận định tuyến đường sắt tốc độ cao này có thể là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” (Theo Laotian Times). Bởi vì, tuyến đường sắt không chỉ có đoạn dài 414 cây số trên đất Lào, mà nó sẽ còn nối với CPC và nối với… cảng Vũng Áng của Việt Nam (?!). Chưa hết, đường sắt tốc độ cao đi đến đâu, thì “high way” chạy theo đó như hình với bóng. Tương lai không xa, Trung Quốc – Lào – Campuchia sẽ nối liền một giải. Khi có chiến tranh, đây sẽ là những phương tiện chuyển quân và khí tài cực kỳ lợi hại. Chưa hết, ngày 17/6 mới đây, Trung Quốc đã lại hạ thủy tàu sân bay thứ ba có tên là Phúc Kiến. Tập Cận Bình đã coi việc đại tu lực lượng quân đội lớn nhất thế giới là nội dung trung tâm trong chương trình nghị sự của ông để tìm cách thể hiện sức mạnh vượt khỏi bờ biển Trung Quốc. Tàu sân bay này có sàn đáp dài với hệ thống phóng máy bay. Tàu Phúc Kiến sẽ hội quân với tàu Sơn Đông được biên chế vào cuối năm 2019 và tàu Liêu Ninh, chiếc tàu cũ mà Trung Quốc đã mua lại của Ukraine vào năm 1998 và tân trang lại ở trong nước

Mệnh lệnh của thời đại!

Ở những quốc gia dân chủ, nơi cử tri thực sự có tiếng nói đối với các vấn đề quốc kế dân sinh, những đại diện cho họ tại Quốc hội ngay lập tức phải có tiếng nói chất vấn Chính phủ về các tai họa cận kề nói trên. Đúng như cảnh báo của Richard Fontaine, Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh mới (Mỹ): “Một căn cứ ở CPC sẽ mang lại cho Trung Quốc khả năng viễn chinh trong khu vực mà nếu không có nó, Trung Quốc sẽ không có khả năng này”. Đầu tháng 10/2021, Hoa Kỳ đã cáo buộc CPC thiếu minh bạch về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại căn cứ hải quân lớn nhất của mình và kêu gọi chính phủ nước này thông báo cho người dân phạm vi đầy đủ của sự tham gia quân sự của Bắc Kinh. Giữa tháng 10, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã công bố những hình ảnh được cho là các hoạt động xây dựng ba tòa nhà và khởi công một con đường mới vào tháng 8 và tháng 9 năm 2021. Phát biểu trong một tuyên bố, ông Chad Roedemeier, phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại CPC, cho biết bất kỳ sự hiện diện quân sự nước ngoài nào tại Căn cứ Hải quân Ream đều vi phạm Hiến pháp CPC và làm suy yếu an ninh trong khu vực.

Việc Trung Quốc đặt căn cứ hải quân ở CPC báo hiệu một kỷ nguyên cạnh tranh gay gắt ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Nguy cơ này đặt trong bối cảnh Trung Quốc tham vọng cạnh tranh với Mỹ để trở thành một cường quốc với mạng lưới cơ sở quân sự trên khắp thế giới. Nhưng cái chính là đặt Việt Nam vào thế “trên đe dưới búa”. Nhờ có căn cứ này, Trung Quốc sẽ có thể triển khai các tàu chiến và tàu tuần duyên trong thời gian ngắn xung quanh khu vực, thay vì lái chúng trên một quãng đường biển dài, dễ bị theo dõi và cản trở. Ngoài ra, hoạt động hậu cần và giám sát tình báo của Trung Quốc sẽ được tăng cường nhờ việc tiếp cận dễ dàng hơn các tuyến đường biển Đông Nam Á như Eo biển Malacca. “Bức tranh toàn cảnh là khu vực đang trở nên quân sự hóa hơn”, Giáo sư Jonathan Sullivan, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Nottingham của Vương quốc Anh, nới với báo “Time”. Giới quan sát cho rằng phải xem Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác sẽ phản ứng như thế nào trước tin tức về Căn cứ Hải quân Ream. Nếu phản ứng yếu ớt thì sẽ thúc đẩy Trung Quốc – nước đang ngày càng có tham vọng để thực hiện những hình thức bành trướng như thế này – tiến hành các kịch bản khác,” ông Sullivan nói.

Một quan chức quốc phòng Mỹ tại Đối thoại Shangri-La không muốn nêu danh tính phát biểu: “Sự thiếu minh bạch quả là bất thường … điều này trực tiếp mâu thuẫn với việc họ đã phủ nhận trong hàng tháng trời, nói là Trung Quốc chẳng có bất kỳ sự liên quan nào”. Quan chức Mỹ này nói hai nước đã làm những việc đến mức có thể gọi là kỳ dị để che giấu hoạt động quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả chuyện cải trang các nhân viên Trung Quốc khi nước ngoài tới thăm căn cứ. “Điều mà chúng tôi và khu vực kêu gọi, là cần có sự minh bạch hơn, về các hoạt động của Trung Quốc, vì sự thiếu minh bạch ấy đã gây ra mối quan ngại và gây ra sự ngờ vực trong các quốc gia xung quanh khu vực”, quan chức Mỹ nói thêm. Các ý kiến này được đưa ra cùng lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Singapore để gặp một số người đồng cấp châu Á, bao gồm cả cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Wei Fenghe (Ngụy Phượng Hòa).

Trong khi đó ở Việt Nam, vì “mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo” (luận điệu được trang bị cho đội quân “dư luận viên” để tổng xỉ vả những ai dám động đến “tình hữu nghị vĩ đại” Việt Nam – CPC, Việt Nam – Trung Quốc…) nên cả kỳ họp Quốc hội vừa qua không thấy đại biểu nào đề cập đến hai vấn đề thời dự nóng bỏng trên đây. Hôm 9/6, trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc động thổ dự án cải tạo căn cứ Hải quân Ream và hạ thủy tàu “Phúc Kiến”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên toàn thế giới. Đồng thời, việc hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên toàn thế giới”. Với Bộ Ngoại giao hình như không có vấn đề “Ream” hay “Phúc Kiến”. Cho dù từ năm ngoái, tòa nhà “Hữu nghị Việt Nam – Campuchia” do phía Việt Nam xây dựng đã được dời khỏi căn cứ Ream để tránh xung đột với Trung Quốc. Các giới chức phương Tây tái khẳng định, việc thành lập căn cứ Ream là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm xây dựng một mạng lưới các cơ sở quân sự trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ tham vọng trở thành bá chủ toàn cầu.

*

Ở Việt Nam mọi công dân đều có thể trở thành tù nhân dự bị nếu dám công khai bày tỏ tình thế “trên đe dưới búa” của đất nước. Vì vậy, thật nể phục TS. Nguyễn Ngọc Chu trong bài viết “Dựa vào ai và rút về đâu khi xảy ra ‘chiến dịch đặc biệt’?” đã nhấn mạnh tình thế “tứ bề thọ địch” của việc xây quân cảng Ream cách Phú Quốc vài chục dặm. Đại sứ Trung Quốc tại CPC Vương Văn Thiên tuyên bố tại lễ động thổ: “Trung Quốc và Campuchia đã trở thành những người anh em son sắt”. Rõ ràng, Việt Nam phải đối mặt với thực tế khá khắc nghiệt. Ukraine còn có thể tựa lưng vào Ba Lan và các nước Đông Âu. Việt Nam cả bốn phía đều không còn đường rút, càng không thể mở “chiến dịch đặc biệt”, nên phải gấp gáp chuẩn bị mọi chuyện trước khi quốc gia khác mở “chiến dịch đặc biệt”.

Thời gian đang làm việc cho chiến tranh! Không còn bao nhiêu khoảng trống nữa cho những lễ lạt rổn rảng vànhững tuyên bố vô bổ. Sống hay chết của Việt Nam lúc này là xốc lại nội trị để cả nước đứng trên một chiến tuyến và cùng với việc ấy là sắp xếp lại thế trận đối ngoại. Các sỹ phu Bắc Hà, là nói những người chưa ngoảnh mặt làm ngơ với “triều đình”, có lẽ đều tán thành với lời hiệu triệu, đồng hành kinh tế với IPEF (Bộ khung Kinh tế của Indo-Pacfic) và kết nối tối đa với FOIP (Không gian Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở) giờ đây là mệnh lệnh của thời đại!

Trần Đông A – VOA

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux