Chưa bao giờ ngân hàng nhà nước phải sử dụng quá nhiều công cụ tiền tệ cùng một lúc để xử lý biến động kinh tế vĩ mô mang tính toàn cầu, vừa tìm cách hút tiền về để giữ giá nội tệ và ngăn đà tăng của lạm phát, vừa tìm cách nới lỏng tiền để kích thích tăng trưởng chống đỡ suy thoái kinh tế… vừa kềm chế lượng tiền đầu tư bất động sản và chứng khoán để ngăn bong bóng, ngăn nợ xấu, vừa bảo đảm nguồn tiền cho sản xuất kinh doanh… một ma trận tiền tệ đang thử thách giới quản lý tiền tệ.
Nhưng cái sự đời thì… được này mất kia, xay lúa thì khỏi ẵm em, ẵm em thì khỏi xay lúa, không thể có chuyện vừa xay lúa vừa ẵm em.
Như trường hợp của Nhật, Để không ảnh hưởng đến tăng trưởng, Nhật không thắt chặt tiền tệ, tức không tăng lãi suất khi Mỹ và thế giới đồng loạt tăng lãi suất để kềm chế lạm phát, nên hiện tại đồng tiền Nhật yếu nhất trong rổ tiền tệ của IMF. Nghĩa là Nhật muốn duy trì tăng trưởng thì phải chấp nhận lạm phát, chấp nhận nội tệ yếu.
Riêng kinh tế Mỹ, dẫu một số chuyên gia phố Wall cho rằng chưa thấy dấu hiệu suy thoái, song hầu hết giới thạo tin đều cho là Mỹ khó có thể tránh một cuộc suy thoái, khi mà cục dự trữ liên bang FED tăng 0,75% trong một ngày, chuyện chưa từng có kể từ 1994. Các giới chức FED còn tuyên bố lãi suất có thể tiếp tục tăng cho đến khi kềm chế được lạm phát. Xem ra Mỹ đặt cược việc kiểm soát lạm phát là chính yếu, suy trầm kinh tế là thứ yếu. Bởi càng tăng lãi suất kềm chế lạm phát càng làm nguồn vốn đắc đỏ ảnh hưởng đến sản xuất và việc làm, càng làm giảm tăng trưởng. Người ta thường ví von, kinh tế Mỹ nhảy mũi (hắt hơi) kinh tế thế giới cảm cúm. Nay kinh tế Mỹ đang cảm cúm thì kinh tế thế giới…?
Khi lãi suất Mỹ tăng cao, đồng USD tăng giá ảnh hưởng đến tiền tệ các nước khác, trong đó có nội tệ Việt Nam. Hơn 5 tháng qua, có tin NH nhà nước đã bán ra hơn 11 tỷ USD để giữ giá nội tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ chân khối ngoại có thể rút USD về Mỹ hưởng lãi suất cao.
Hơn nữa, ngân hàng nhà nước không chỉ hút bớt nội tệ để giữ giá nội tệ bằng công cụ bán USD ra thị trường, mà còn dùng cả công cụ bán tín phiếu để hút nội tệ, là công cụ đã hai năm chưa dùng đến. Qua đó cho thấy VN đang cố giữ ổn định đồng tiền, sao cho, vừa ngăn chặn được lạm phát (rất có thể ngân hàng nhà nước phải tăng lãi suất trong thời gian tới?) vừa duy trì được tăng trưởng nhờ TC bị dịch cúm phải áp dụng chính sách zerocovi làm đứt gãy một phần chuỗi cung ứng tại TC, khiến VN có cơ hội chen vào lấp khoảng trống chuỗi cung ứng đó.
Nhưng, như đã nói, ngân hàng nhà nước VN đang làm một việc chưa có tiền lệ, vừa xay lúa vừa ẵm em, chẳng khác gì “làm xiếc tiền tệ”, nên thật khó có đánh giá thực chất lúc này, khi mà giá xăng dầu ngày một tăng cao khác người tại VN, cộng hưởng với lạm phát toàn cầu, với chiến tranh Nga Ukraina, với dịch cúm Tàu… đã, đang và sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của đa số người lao động VN vốn đang vất vã thiếu thốn vì dịch cúm Tàu bấy nay./.
Leave a Comment