Phú Nhuận – (VNTB) – Việt Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị biến thể BA.5 của chủng Omicron xâm nhập…
Tại Hội nghị khoa học năm 2022 do Viện Pasteur tổ chức sáng 24-6, GS Phan Trọng Lân – cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nói rằng tại Việt Nam, số ca mắc mới thời gian qua có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay, số ca mắc mới mỗi ngày chỉ còn 600 – 700, nhưng số ca mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành.
Trong thời gian TP.HCM chịu cảnh dịch giã Covid nặng nề, GS Phan Trọng Lân là Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn, đến chiều 30-11-2021, GS Phan Trọng Lân được Bộ trưởng Y tế bổ nhiệm và điều động giữ chức vụ Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Phát biểu trên cương vị Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, ông Lân nói rằng thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh BA.2, BA.2.3, BA.2.3.2, trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và có nguy cơ xâm nhập Việt Nam, có thể dẫn tới gia tăng các ca Covid-19 trong thời gian tới.
Ông Lân nhấn mạnh vai trò của vắc-xin có hiệu quả rất lớn, tuy nhiên hiện nay nhiều người đã tiêm vắc-xin hoặc khỏi bệnh từ 6-8 tháng qua nhưng vẫn chưa tiêm nhắc lại. Nếu các biến thể Covid-19 khác tiến hóa hoặc xâm nhập sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Sẽ dễ hình dung hơn về vai trò của GS Phan Trọng Lân khi biết rằng về mặt quản lý nhà nước thì Cục Y tế dự phòng là “cấp trên trực tiếp” của tất cả các CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật) trên toàn quốc. Lẽ thường, một khi rất nhiều người đứng đầu CDC các tỉnh, thành đã “nhúng chàm” trong vụ kit test Việt Á, thì vai trò “cấp trên trực tiếp” cũng khó mà vô can.
Trở lại với chuyện chích ngừa phòng Covid-19.
Đến nay vẫn chưa thấy thông tin cho biết biến thể BA.5 có gây triệu chứng nguy hiểm hơn các biến thể hiện tại hay không?
Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịch có xu hướng giảm tương đối ổn định từ cuối tháng 3-2022 đến nay. Trong những ngày gần đây chỉ ghi nhận dưới 700 ca/ngày (so với thời kỳ đỉnh dịch khoảng trên 170.000 ca/ngày và thấp nhất trong gần 12 tháng qua). Đặc biệt, trong vòng 30 ngày qua có 21 ngày không ghi nhận ca tử vong.
Tuy nhiên tiến độ tiêm có xu hướng chậm, nếu tiến độ tiêm mũi 3 trong tháng 6 chỉ đạt khoảng 3 triệu liều như trong tháng 5-2022 thì đến hết quý 2 dự báo chỉ đạt gần 70%. Trong tháng 5, cả nước tiêm được 2,5 triệu liều mũi 1 và 500.000 mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tiến độ tiêm mũi 1 đạt 62% và mũi 2 đạt 31% so với lộ trình đề ra. Theo đại diện Bộ Y tế, với tiến độ triển khai này, có khả năng không sử dụng hết số vắc xin đã tiếp nhận cho nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Đơn cử, ngày 21-6, đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho hay, tỉnh này còn tồn hơn 210.000 liều vắc-xin. Trong đó, 149.000 liều Pfizer đợt 147, trên 13.200 liều Pfizer đợt 148, 51.000 liều Moderna đợt 149 và 1.105 liều Vero Cell.
Trước đó, ngày 16-6, UBND tỉnh Bình Định cho hay, tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về việc đề nghị chưa phân bổ vắc xin cho tỉnh trong tháng 6 và 7 năm 2022. Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Định, trong tháng 6-2022, tỉnh liên tục được phân bổ vắc-xin phòng Covid-19, cụ thể: Đợt 147 được phân bổ 148.590 liều vắc-xin Pfizer cho người lớn với 63.456 liều có hạn sử dụng đến ngày 25-6-2022 và 74.880 liều có hạn sử dụng đến ngày 30-6-2022.
Đợt 148 tỉnh lại được phân bổ 35.000 liều vắc-xin Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi có hạn sử dụng đến ngày 30-7-2022; Đợt 149 được phân bổ 40.300 liều vắc-xin Moderna cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi có hạn sử dụng trên nhãn là 15-7-2022, hạn sử dụng trên giấy chứng nhận xuất xưởng vắc-xin, sinh phẩm là 15-9-2022.
Theo UBND tỉnh Bình Định, lý do tồn là vắc-xin được rã đông sớm, hạn sử dụng còn lại rất ngắn, cùng với việc tiếp nhận liên tục số lượng lớn vắc-xin; đồng thời chưa kịp sử dụng hết số 2 lượng vắc-xin được phân bổ từ các đợt trước.
Ngoài ra, do tình hình dịch trên địa bàn tỉnh hiện nay đã giảm mạnh, nhiều người dân mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, không tự nguyện tham gia tiêm chủng mũi bổ sung và mũi nhắc lại nên tốc độ tiêm chủng chậm và khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Vì vậy, khả năng tỉnh Bình Định sẽ không thể sử dụng hết vắc-xin trong tháng 6 và có nguy cơ không sử dụng hết vắc-xin, dẫn đến hết hạn phải hủy bỏ nếu tiếp tục tiếp nhận thêm.
Cùng tình cảnh trên, Quảng Ngãi đã đề nghị trả gần 200.000 liều vắc-xin Covid-19 cho Bộ Y tế. Cái đáng ngại nhất là “thời hạn đã gia hạn” của vắc-xin này là 30-6-2022.
Leave a Comment