Song Chi
Tham nhũng ở VN từ lâu đã trở thành “quốc nạn”, không còn dừng ở mức độ nhỏ lẻ, riêng biệt mà đã trở thành có hệ thống, nghiêm trọng hơn, thao túng chính sách, lũng đoạn nhà nước. Tham nhũng xuất hiện ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, từ địa phương cho tới trung ương, trở thành một lối sống phổ biến trong quan chức cộng sản từ trên xuống dưới, đến mức đã trở thành “chuyện bình thường”.
Tuy nhiên, có những ngành nghề mà tham nhũng phải được xem là tội nặng hơn vì nó liên quan tới tất cả mọi người trong xã hội, và những con người làm việc trong những ngành nghề này lẽ ra phải đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp, được người dân tin cậy, kính trọng, và do vậy khi tham nhũng xảy ra thì nó hủy hoại hoàn toàn lòng tin còn sót lại của xã hội, đó là Y tế và Giáo dục.
Thông thường, muốn đánh giá một xã hội có công bằng hay không, một chính phủ có chăm lo cho người dân hay không, người ta nhìn vào trước hết hai ngành Y tế và Giáo dục. Quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền được đi học là những quyền lợi tối thiểu của người dân. Ở các nước dân chủ phát triển người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế miễn phí, giáo dục miễn phí ở bậc trung học phổ thông và đại học hầu như miễn phí tại các nước Bắc Âu, Đức, Pháp…
Ở Mỹ Y tế không miễn phí nhưng nếu người dân nào có thu nhập quá thấp thì sẽ được miễn hoàn toàn chi phí, ở Anh Y tế còn hào phóng đến mức ngay cả khi bạn chưa phải là công dân, cũng chưa có giấy tờ hợp lệ sống ở Anh, bạn vẫn được đi khám sức khỏe, sinh đẻ miễn phí. Về giáo dục, ở Mỹ hay ở Anh giáo dục ở bậc đại học, sau đại học phải trả tiền nhưng sinh viên có thể mượn nợ ngân hàng ra đi làm trả dần, và ở Anh sau mấy chục năm mà vẫn không trả nổi thì nhà nước sẽ trừ luôn nợ cho. Và nếu học giỏi thì sẽ có học bổng để đỡ lo vấn đề học phí. Ở các nước Bắc Âu, chính phủ không cấp học bổng vì không muốn tạo sự khác biệt, mặc cảm giữa người này với người kia, nhưng nếu sinh viên học năm nào lên lớp năm đó thì cứ mỗi năm chính phủ lại trừ bớt một ít tiền nợ v.v…
Hay Ấn độ, một quốc gia vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề về xã hội nhưng giáo dục ở bậc trung học cũng hoàn toàn miễn phí, ở bậc đại học thì sinh viên cũng đi mượn nợ ngân hàng như các nước phương Tây.
Tóm lại, các nước dân chủ đều chú ý để mọi người dân có cơ hội công bằng trong việc hưởng thụ về y tế và giáo dục. Ngay ở miền Nam dưới chế độ VNCH, bên cạnh những bệnh viện tư nhân phải trả tiền thì các bệnh viện công do chính quyền VNCH quản lý đều miễn phí tiền khám chữa bệnh cho người dân, trong đó cần phải nhắc đến Bệnh Viện Vì dân đẹp đẽ, hiện đại do bà Nguyễn Thị Mai Anh, cố phu nhân của cố TT Nguyễn Văn Thiệu xây dựng nên Giáo dục ở miền Nam thời đó trung học có trường tư, trường công, trường công thì miễn phí, học sinh nghèo đi học nếu học giỏi thì có học bổng, học sinh đi học nếu không có tiền mua sách giáo khoa thì mượn của Thư Viện, của nhà trường. Giai đoạn 60-70 của thế kỷ XX còn có chế độ sữa học đường dành cho bậc tiểu học, cứ vào giờ ra chơi mỗi học sinh bậc tiểu học được phát một ổ bánh mì và một hộp sữa nhằm chống còi xương và tăng cường thể trạng, thể chất cho trẻ em Việt Nam. Ngày nào cũng được phát đến nổi học sinh ngán quá phải dấu đem bỏ đi.
Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa VN-cái gì cũng phải trả tiền
Còn bây giờ thì sao? VN trong tên gọi là một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, nhưng trên thực tế hoàn toàn không có cái gì là “xã hội chủ nghĩa” cả.
Về Y tế, đi khám bệnh, vào bệnh viện nằm mọi thứ đều phải trả tiền. Nói cho đúng ra công nhân viên chức đi làm, đóng bảo hiểm y tế thì đến khi vào bệnh viện bảo hiểm nhà nước cũng trả bớt nhưng không ăn thua, vì vậy người nào có tiền phải đóng bảo hiểm tư nhân từ những công ty lớn như Bảo Việt Nhân Thọ, Prudential Vietnam, AIA Việt Nam, Manulife Việt Nam… Nhưng đâu phải ai cũng có tiền đóng bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ tại các công ty này. Và ai đã từng lâm bệnh hiểm nghèo vào bệnh viện ở VN thì biết, hàng chục, hàng trăm triệu đồng VN, người nghèo không làm sao trả nổi. Chính vì vậy chúng ta thường xuyên đọc thấy trên báo những trường hợp lâm bệnh mà không có tiền phải kêu gọi lòng từ thiện của đồng bào, có khi cả các nghệ sĩ lớn tuổi cũng phải kêu gọi người dân giúp đỡ. Tiền thuốc men, viện phí chỉ là một phần, nạn “phong bì” mới là đáng nói, tức là đưa tiền hối lộ để được chăm sóc, chữa trị tốt hơn.
Giáo dục cũng vậy. Tiền và tiền. Học sinh đi học từ bậc nhà trẻ, mẫu giáo, trung học phổ thông cho tới đại học, sau đại học tất tật đều phải đóng tiền. Mà không phải chỉ đóng học phí không. Ai là phụ huynh có con em đi học ở VN cũng biết, mỗi lần họp phụ huynh là mỗi lần phải đóng đủ thứ tiền, nào đồng phục, sách giáo khoa, thậm chí có những khoản như chi phí dọn dẹp nhà vệ sinh của trường, mua dụng cụ thiết bị học tập cho lớp học, mua quà cho thầy cô giáo, mua quà cuối năm cho tất cả các em học sinh v.v…
Riêng cái khoản sách giáo khoa phải nói là nhẫn tâm. Nhớ lại thời còn đi học ở miền Nam dưới chế độ VNCH, bao nhiêu năm một bộ sách giáo khoa không đổi, hết đời anh học đến đời em, mà nếu nghèo quá không có tiền mua thì lại đi mượn của nhà trường. Còn bây giờ sách giáo khoa cứ mỗi năm mỗi thay nên năm nào cũng phải mua, con nít mới vào lớp Một đã phải mua tới 20, 25 quyển sách, và suốt những năm học trung học lớp nào cũng phải mua vài chục cuốn như thế. Mới đây ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến sách giáo khoa mới cao hơn 2-3 lần so với sách của chương trình giáo dục phổ thông 2016, là sách được in khổ to, giấy đẹp (“Sách giáo khoa “khổ to, giấy tốt” làm lợi cho ai?”, Pháp Luật TP.HCM)
Giải thích này đang vấp phải phản ứng của rất nhiều bạn đọc, phụ huynh. Người dân cho rằng giá trị của cuốn sách không nằm ở khổ to giấy tốt, mà nằm trong kiến thức truyền tải, trong chương trình giảng dạy. Nhiều phụ huynh đều phàn nàn về chuyện con cái ở lứa tuổi tiểu học mà hằng ngày phải đeo cái cặp sách cân nặng gần 4,5 kg đi học, sẽ dẫn đến “gù lưng”, sách to thì càng thêm nặng. Điều đáng nói nhất là sự lãng phí khi sách giáo khoa chỉ sử dụng được 1 năm. Rồi nào bao nhiêu cây gỗ phải bị đốn đi để làm ra giấy, đây còn là vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên nữa. Nhưng những người làm giáo dục đã không thèm nghĩ đến điều đó, bởi vì phải cải cách, phải thay sách thì mới bán được sách, mới có tiền chứ. Mỗi năm Bộ Giáo dục thu hàng bao nhiêu tiền từ việc soạn, in, bán sách giáo khoa này?
Trên mạng lại so sánh câu nói của ông Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Kim Sơn với lời căn dặn, nhắc nhở chu đáo các em học sinh về cách sử dụng sách của Giám đốc Nha Tiểu học và Giáo dục Cộng đồng, Giáo sư Trương Văn Đức viết vào năm 1969, nhất là câu “Sách này còn dùng cho các niên-học sau, cho các em đến sau mượn, vậy các em đừng để ai vẽ gạch bậy-bạ. Các em đừng ghi-chú gì vào sách. Nếu cần lắm thì chỉ ghi rất nhẹ tay bằng bút chì để sau dễ tẩy đi (ví-dụ như trong sách Toán).
Đặt 2 câu nói ấy bên cạnh nhau, chúng ta càng thấy rõ sự khác biệt của hai nền giáo dục, và nhân cách, phẩm chất của những viên chức làm việc trong hai nền giáo dục ấy.
Y tế, Giáo dục và sự bất công, bất bình đẳng ở VN
Ở VN hiện tại, không ở đâu mà sự bất công, bất bình đẳng thể hiện rõ như trong hai lĩnh vực Y tế, Giáo dục. Trong Y tế, đó là sự khác biệt một trời một vực từ điều kiện, phương tiện thiết bị y tế, đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất giữa các trạm xá, bệnh viện ở nông thôn, tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa, với bệnh viện ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…Giữa dịch vụ thăm khám, điều trị trong giờ và ngoài giờ làm việc (tức phải trả tiền cao hơn), giữa bệnh viện bình thường và các bệnh viện quốc tế…
Trong Giáo dục, khi khoảng cách giàu nghèo trong xã hội càng lớn thì giáo dục cũng có những sự phân cấp khác nhau.
Trẻ em VN ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn và những thành phố nhỏ, tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa… sẽ được thụ hưởng những điều kiện giáo dục khác xa nhau từ trường lớp, cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, các hoạt động ngoại khóa… Ngay trong một thành phố lớn, cũng có rất nhiều mô hình trường khác nhau – từ trường điểm, trường chuyên, trường công, bán công, trường tư rồi trường quốc tế… Chính vì thế, ngay từ khi mới bước vào lớp một, bố mẹ đã phải tìm mọi cách, kể cả đút lót, để cho con vào được các trường điểm, trường tốt. Hết cấp một lại chạy vào trường chuyên cấp hai, cấp ba… Nhà giàu có tiền thì cho con đi học trường mầm non quốc tế, trung học quốc tế, mỗi năm đóng hàng trăm triệu đồng VN, trong khi đó những đứa trẻ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa phải đi bộ hàng chục cây số đến trường, hoặc đu dây qua sông, hoặc chui vào bao cho cha mẹ, người lớn lội kéo qua sông, phải học trong những ngôi trường mái lá tuềnh toàng, nền đất bẩn thỉu
Lên đến bậc đại học, những trường đại học lớn với đầy đủ các ngành học thì chỉ nằm ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn. Mà đối với học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa thì chuyện thi đậu đại học rồi ra thành phố lớn học là cả một vấn đề: tiền đâu? Như vậy, học sinh, sinh viên VN đã phải chịu cảnh bất bình đẳng và những cơ hội vào đời khác hẳn nhau dù cùng đang sống ngay trên đất nước mình.
Tham nhũng trong lĩnh vực Giáo dục
Nhưng đáng nói hơn là nạn tham nhũng ở cả hai ngành Y tế và Giáo dục. Một học sinh muốn vào trường học, bệnh nhân muốn khám bác sĩ đều phải “chạy” tiền là những dấu hiệu của tham nhũng trong hai lĩnh vực này.
Trong hệ thống giáo dục ở bậc phổ thông, có những hình thức tham nhũng phổ biến như “chạy” trường, “chạy” điểm, lạm thu phí giáo dục; độc quyền xuất bản sách giáo khoa; tham nhũng trong tuyển dụng, đề bạt và luân chuyển giáo viên; rút ruột các công trình xây dựng; ăn bớt khi mua thiết bị dạy học; ăn bớt vào kinh phí dự án giáo dục. Rồi các dịch vụ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, chi cho các hội thi, cuộc thi, tiền chế độ của giáo viên…
Bậc đại học, sau đại học thì cũng lại có nạn “chạy” điểm, “chạy” bằng, mua bằng. Ở VN, nạn mua bằng, bằng cấp giả đã trở thành một thứ tệ nạn tham nhũng phổ biến. Điều đó xuất phát từ tâm lý coi trọng bằng cấp, chạy theo bằng cấp, học hàm học vị, nhưng thay vì miệt mài học tập thì nhiều người lại chọn cách dễ hơn nhiều là mua bằng, hoặc nhờ người làm luận văn hộ. Điều này đã đưa đến hậu quả tai hại cho xã hội về nhiều mặt, thứ nhất là nó dẫn tới tâm lý lười biếng ở nhiều người, muốn có bằng nhưng không muốn học tập vất vả, nó tạo ra sự bất công khi người học thật thì điểm thấp hơn, hoặc không kiếm được việc, người mua bằng, chạy bằng thì lại nhờ vào những mối quan hệ, hoặc cũng lại nhờ bò tiền ra “chạy” ghế mà đàng hoàng ngồi vào vị trí này vị trí kia. Với rất nhiều người, cái bằng Phó Tiến sĩ, Tiến sĩ đã trở thành điều kiện để thăng quan tiến chức, để kiếm ghế.
Thêm vào đó, thử tưởng tượng những bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, quan chức có bằng nhưng là bằng mua, bằng giả nên kiến thức, năng lực không có, sẽ gây hại cho xã hội như thế nào? Và cuối cùng là những cái bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ chẳng còn giá trị gì nữa cả.
Tham nhũng trong lĩnh vực Y tế
Trong ngành Y tế, tham nhũng cũng muôn hình vạn trạng. Từ năm 2009, trên báo Tuổi Trẻ đã có bài “Tham nhũng trong ngành y tế nghiêm trọng”, bài báo viết: “Tham nhũng trong ngành y tế của Việt Nam hiện ở nhiều cấp độ, có tính chất nghiêm trọng, được tìm thấy trong cả 3 lĩnh vực quản lý nhà nước, dịch vụ tại cơ sở y tế và quản lý bảo hiểm y tế”
Có những vụ việc cho thấy sự tha hóa, đánh mất lương tâm của những y bác sĩ, nhân viên ngành Y, và sự tha hóa này đã xảy ra từ lâu, như chuyện “Kinh hoàng chuyện “ăn bớt” vaccine tại TT Y tế dự phòng Hà Nội” từ năm 2013, chỉ tiêm cho trẻ có 2/3 so với liều chuẩn, sau đó cộng dồn lượng vaccine dư lại để tiêm cho trẻ khác (báo Dân Trí).
Đúng là “ăn” không chừa một thủ đoạn nào, một đối tượng nào. Ngay cả những con người đau khổ, bất hạnh tột cùng như bệnh nhân bị phong cùi. “Hà Nội: bệnh nhân phong bị “ăn bớt” thuốc?”, tại Trung tâm Da liễu Hà Đông, Hà Nội, năm 2013 (Bảo vệ Pháp Luật), Vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội, cũng từ năm 2013 (“Nhân bản” kết quả xét nghiệm dùng cho nhiều bệnh nhân!”, Dân Trí)…
Qua năm tháng, cũng như những ngành nghề khác, nạn tham nhũng trong ngành Y không bớt đi mà còn nhiều hơn, nghiêm trọng hơn, có hệ thống, với mức độ gây hại cho nhiều người. Như vụ buôn bán thuốc ung thư giả của Công ty Dược VN Pharma, diễn ra từ năm 2012-2013 đến tháng 5-2020, vụ án mới kết thúc, dẫn đến một số nhân vật phải vào tù với mức án nặng.
Buôn bán thuốc giả đã là tội ác, bán thuốc điều trị ung thư giả cho người bệnh nan y, tội lỗi ấy gấp trăm, ngàn lần… Vụ này dư luận còn đặt câu hỏi về sự liên quan, trách nhiệm của bà Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vì vụ việc xảy ra khi bà còn tại chức, em chồng Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Hoàng Quốc Dũng, từng là phó tổng giám đốc phụ trách về xây dựng đầu tư của công ty VN Pharma.
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cần phải tìm cách xét nghiệm nhanh, chính xác và sản xuất vaccine để kiểm soát dịch thì nạn “thổi giá” đối với thiết bị y tế, các loại phương tiện, thuốc chữa bệnh…vốn đã xuất hiện từ lâu, càng hoành hành. Như vụ mua sắm thiết bị y tế tại CDC Hà Nội, vụ nâng khống máy móc thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai. (“Phá án tham nhũng giữa đại dịch COVID-19” (bài 1), Công An Nhân Dân).
Nhưng tai tiếng nhất, với quy mô sâu rộng nhất là vụ Test Kit Việt Á.
Đây là vụ đại án về các vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối hộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC các tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y Tế và các đơn vị, địa phương liên quan. Vụ án có quy mô, phạm vi trải nhiều địa phương, ngành dọc. Đây là một ví dụ điển hình cho tham nhũng đã ở mức độ lũng đoạn nhà nước.
Cho đến nay, đã có 62 người bị khởi tố, bắt giam trong vụ đại án Việt Á, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao của các bộ, ngành, địa phương. Mới đây nhất là Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, cũng đã bị bắt.
Dư luận càng thêm phẫn nộ vì ngay trong những ngày đại dịch, đời sống của người dân đã vô cùng khó khăn, hàng chục ngàn người tử vong, hàng triệu, hàng chục triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc túng thiếu, đứt bữa, thì lại có những kẻ lợi dụng dịch bệnh để làm giàu bất chính, không những thế còn có thể gây ra nạn lây nhiễm chéo khi cho xét nghiệm đại trà như vậy.
Nhưng người ta vẫn cho rằng đây chưa phải là những người chịu trách nhiệm cao nhất. Có một câu hỏi mà những ngày qua trên mạng xã hội thường hay đưa ra, đó là ai là “trùm cuối” của vụ đại án này, là ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từng là Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, trực tiếp chỉ huy công cuộc phòng chống dịch trong giai đoạn từ tháng 1.2020-8.2021 hay Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hay Thủ tướng Phạm Minh Chính?
Và liệu chiến dịch “đốt lò” của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có dám đưa luôn những thanh củi bự cỡ đó?
Từ nhiều năm nay đảng cộng sản liên tục đưa mục tiêu chống tham nhũng lên hàng đầu đến thời ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì phát động chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng, đưa vào “lò” rất nhiều quan chức cấp cao từ trung ương đến địa phương, nhưng vẫn không tiêu diệt được nạn tham nhũng. Chính ông Tổng Bì thư Nguyễn Phú Trọng đã phải than: “Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?” (“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hỏi ‘chống mạnh mẽ, sao tiêu cực vẫn cứ trơ’, BBC). Câu trả lời rất đơn giản, vì chính thể chế độc đảng này là môi trường cho nạn tham nhũng sinh sôi và phát triển.
Trở lại chuyện tham nhũng trong lĩnh vực Y tế và Giáo dục. Chúng ta biết, trong bất cứ quốc gia nào thì giáo dục và y tế cũng rất quan trọng, gắn bó với đời sống người dân. Người dân trong suốt cuộc đời mình rồi cuộc đời của con cái, không thể nào không dính dáng đến trường lớp, bệnh viện, đi học, đi khám bệnh…Có thể không tin vào công an, vào chính quyền cũng chả sao, nhưng nếu đến thầy cô giáo hay bác sĩ mà cũng không thể tin tưởng, không thể kính trọng nữa thì quả là bi kịch!
Đồng thời, tham nhũng trong 2 ngành Y tế, Giáo dục cho thấy nạn tham nhũng ở VN đã không còn có thuốc chữa, đạo đức, lương tri con người đã bị xuống cấp như thế nào.
Leave a Comment