Xuân Dương – VNTB
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người ký phê duyệt việc hạn chế sự phát triển báo chí, bao gồm cả báo chí thuộc các cơ quan Tỉnh ủy, Thành ủy và các ban Đảng của chính phủ.
Nội dung quy hoạch báo chí này được người chấp bút chính là cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn – người đang chịu tù tội vì tham nhũng từ lúc còn là Thứ trưởng, rồi lên đến Bộ trưởng.
Thực hiện quy hoạch mà không tạo đổ vỡ chính trị?
Đại biểu Quốc hội, Ban dân nguyện – ông Lưu Bình Nhưỡng từng đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời về 4 nhóm vấn đề (giải pháp) liên quan đến hoạt động của Bộ và Bộ trưởng, vấn đề đầu tiên ông Nhưỡng đề nghị Bộ trưởng Hùng trả lời là: “Giải pháp thực hiện quy hoạch báo chí để đảm bảo đúng pháp luật, hiệu quả không gây ra hệ luỵ về chính trị kinh tế – xã hội”.
Câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng như sau: “Tôi nghĩ là tôi nên chọn cái cuối cùng, vì nó dài quá nên xin phép anh Nhưỡng là ba phần trên gặp riêng vậy, hôm nào mời cơm anh một bữa”.
Trở ngược thời gian lúc ông Trương Minh Tuấn còn giữ quyền lực ở Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như vị tiền nhiệm là cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son còn chức tước, cho thấy khi cả hai vị được cho là tác giả của quy hoạch báo chí mà về sau Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, đã có hai vấn đề nên được quan tâm khi đó:
Thứ nhất, cùng với việc ban hành quy hoạch báo chí, có cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nâng cấp hoặc sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan trực tiếp quản lý báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông theo luật định?
Thứ hai, có cần đặt “Quy hoạch báo chí” trong chiến lược tổng thể quản lý nhà nước, chẳng hạn “Quy hoạch đất trồng lúa”, “Quy hoạch cảng biển”, “Quy hoạch đơn vị hành chính”, “Quy hoạch phân bổ dân cư”; “Quy hoạch nguồn nước sinh hoạt toàn quốc”, …?
Nói cách khác có cần thành lập một “Bộ tham mưu” nghiên cứu thêm những vấn đề liên quan đến công tác quản lý tất cả các lĩnh vực và những bước đi cụ thể để quá trình quy hoạch báo chí thực hiện theo chỉ đạo, tuân thủ pháp luật nhưng vẫn bảo đảm tính nhân văn, không làm phát sinh những hệ lụy không đáng có và quan trọng nhất là đồng bộ, khoa học, nghiêm minh.
Sao lại sợ tư nhân làm báo?
Trong hoạt động kinh tế, việc tư nhân tham gia vào hầu hết các ngành nghề và vai trò quan trọng của nhà đầu tư tư nhân đã được các vị lãnh đạo đề cập khá chi tiết, đã trở thành chiến lược phát triển không thể đảo ngược. Ngay trong lĩnh vực quốc phòng, sự đan xen các hoạt động kinh tế với quốc phòng cũng rất rõ nét, Quân đội có Ngân hàng quân đội, Xăng dầu quân đội, Viễn thông quân đội…
Các tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng hiện diện trong các dự án dân sự là điều bình thường. Sự đa dạng còn thấy ngay trong lực lượng thuần túy quân sự, chẳng hạn Quân chủng Hải quân ngày nay có Không quân hải quân, Lính thủy đánh bộ,…
Hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, … là xu hướng diễn ra khắp thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Như y tế là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới sinh mạng con người, trong lĩnh vực này, tư nhân được phép đầu tư xây dựng bệnh viện, mở phòng khám, được mở lớp đào tạo nhân lực ngành y trình độ đại học, …
Trong lĩnh vực Dược, tư nhân được phép xây cơ sở sản xuất thuốc, được kinh doanh buôn bán thuốc đông y và tây y.
Trong lĩnh vực truyền thông, văn hóa, nghệ thuật, tư nhân từng được phép đầu tư, xây dựng kênh truyền hình, chẳng hạn kênh truyền hình An Viên của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG. Công tâm mà nói, về sau vụ mua bán AVG trở thành một vụ án lịch sử khiến nhiều quan chức phải ngồi tù trong đó có tới hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cũng vì chuyện “quốc doanh hóa” đến AVG.
Tư nhân cũng được phép đầu tư xây dựng cơ sở in ấn văn hóa phẩm, tham gia kinh doanh trên nhiều kênh của Đài truyền hình trung ương và địa phương như các Gameshow, chương trình giải trí, thi hoa hậu, …
Quy hoạch báo chí sẽ dẫn đến phải sửa luật báo chí
Với tất cả những gì đã kể ở trên cho thấy thay vì chăm chăm hạn chế quyền tự do báo chí như nội dung “Quy hoạch”, xin lưu ý Điều 14, Luật Báo chí 2016 quy định: “Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí”.
Điều khoản này thể hiện hai điều quan trọng:
1- quy định sự bình đẳng giữa “Các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo cấp tỉnh…” trong việc “Thành lập cơ quan báo chí”.
2- không thể hiện “Cơ quan, tổ chức” chỉ được phép xuất bản “Tạp chí”.
Với nguyên tắc “Cơ quan hành pháp chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”, nếu quy hoạch báo chí quy định “Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp” chỉ được xuất bản “Tạp chí” thì Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cần đề nghị Quốc hội sửa Luật Báo chí theo hướng Luật phải quy định rõ là “Cơ quan, tổ chức” nào được phép xuất bản báo, cơ quan, tổ chức nào chỉ được xuất bản tạp chí?
Điều này là quan trọng để tránh tình trạng Quyết định của Thủ tướng vô tình bị biến thành một loại “giấy phép con”, điều mà lãnh đạo Chính phủ đang quyết tâm loại bỏ.
Nhiều vị lãnh đạo Đảng từng nhấn mạnh “Kinh tế tư nhân là một trong những trụ cột phát triển kinh tế”; “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển đất nước”; “Tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển” …
Khi đề cao vai trò của tư nhân như vậy thì cần có sự đồng bộ về chính sách, vừa đảm bảo quản lý thông tin và tuyên truyền, vừa động viên được nguồn lực toàn xã hội tham gia vào các hoạt động tạo nên món ăn vật chất và tinh thần cho người dân./.
Leave a Comment