Ngày 13 Tháng Sáu, giá dầu thế giới giảm mạnh, rớt khỏi mốc $120/thùng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, từ 15 giờ cùng ngày, mỗi lít xăng được điều chỉnh tăng 800-880 đồng trong khi dầu tăng hơn 2.000 đồng. Sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương – Tài chính, giá xăng bán lẻ trong nước lập kỷ lục mới: Xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95-III vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng một lít.
Ai cũng biết, tăng giá xăng dầu thì nhà nước được lợi. Nếu giá dầu thế giới giảm và ổn định mức này thì phải đợi một khoảng thời gian cả tuần hoặc thậm chí cả tháng phía nhà nước mới điều chỉnh giảm. Độ trễ trong việc giảm giá xăng dầu khi giá dầu thế giới ổn định mở mức giá thấp đã làm cho nhà nước Cộng sản Việt Nam hốt một lượng tiền rất lớn. Bài này Nhà nước đã làm nhiều năm qua. Tăng thì bao giờ cũng tăng ‘khủng’ nhưng giảm thì giảm nhỏ giọt.
Theo bài báo “Mức tiêu thụ xăng của người Việt có thể tăng?” được đăng trên báo Vietnambiz ngày 12/07/2021 thì mức tiêu thụ xăng của người dân Việt Nam là 77 lít/năm, tức 0,211 lít/ngày. Với 100 triệu dân thì mỗi ngày Việt Nam tiêu thụ 21,1 triệu lít. Như vậy, với mức tăng 8.800 đồng/lít xăng thì Nhà nước bỏ túi 16,8 tỷ mỗi ngày.
Được biết tỷ trọng nhiên liệu lỏng tiêu thụ ở thị trường Việt Nam như sau: 58% là dầu Diesel; 36,5% là xăng; 5,5% là dầu hỏa, dầu madut và các loại nhiên liệu hàng không khác. Như vậy lượng dầu diesel ở Việt Nam bằng 1,6 lần lượng xăng. Như vậy nếu tăng giá 2.000 đồng/lít thì nhà nước thu được 67,6 tỷ đồng mỗi ngày nữa. Như vậy sau khi tăng giá xăng dầu các loại thì mỗi ngày Nhà nước thu thêm khoảng 85 tỷ đồng.
Xăng dầu ở Việt Nam là mặt hàng độc quyền, cho nên nhà nước tự quyết định về giá. Ngoài việc áp nhiều mức thuế để tận thu còn việc khi tăng giá xăng dầu thì tăng rất nhanh mà khi cần hạ giá thì rất chậm chạp. Chỉ cần hành động hạ giá chậm chạp thì Nhà nước đã móc túi dân một lượng tiền lớn mà dân ít để ý.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh và cả nền kinh tế. Việc tăng giá xăng dầu cần phải cân nhắc thiệt hơn giữa thu ngân sách và thiệt hại của nền kinh tế thì nhà nước CS Việt Nam dường như họ quên đi tính toán thiệt hại do giá xăng dầu mang lại, cho nên họ tính toán làm sao móc túi dân càng nhiều càng tốt và càng lâu càng tốt.
Bình ổn giá xăng là quỹ mà nhà nước thu của dân khi giá xăng thấp, và bù lỗ khi giá xăng cao. Khi giá xăng tăng thì nhà nước cần phải dùng quỹ này để bù lỗ nhằm làm sao cho giá xăng nhích từ từ không gây sốc cho xã hội. Khi giá xăng giảm thì có thể cho giảm nhanh để dân khỏi mất quyền lợi. Tuy nhiên, phản ứng tăng giá xăng của Nhà nước rất nhanh gây sốc cho xã hội, mà tăng giá nhanh thì xem như quỹ bình ổn đó không được sử dụng. Vậy Nhà nước sử dụng quỹ đấy vào vấn đề gì? Đấy là câu hỏi mà người dân muốn biết? Thậm chí giá dầu thế giới giảm nhà nước cũng tăng giá xăng là có ý gì? Đã không dùng quỹ bình ổn còn vét thêm tiền dân. Đây là hành động trục lợi rõ ràng.
Ngày 9 Tháng Sáu, trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có thông báo Dự thảo dự án Luật Giá. Thiết nghĩ, Bộ Tài Chính nên soạn thảo theo hướng bỏ đi quỹ bình ổn này vì nó không hề ổn định được giá dầu. Khi giá dầu thế giới giảm thì giá xăng trong nước vẫn điều chỉnh tăng. Rõ ràng đây là hành động trục lợi chứ có dùng quỹ bình ổn để ghìm giá xăng dầu khi tăng đâu? Đây là khoản thu rất phi lý.
Thêm một khoản thu phi lý nữa, đó là thuế tiêu thụ đặc biệt đánh lên xăng dầu. Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nó không phải là mặt hàng đặc biệt thì tại sao lại áp “thuế tiêu thụ đặc biệt”? Đây là một sắc thuế tận thu, chủ yếu là khoan vào sức dân để lắp vào phần thiếu hụt ngân sách do lạm chi hoặc do tham nhũng bòn rút. Hoàn toàn không hợp lý. Chính nó góp phần đẩy giá xăng dầu Việt Nam cao chót vót làm cho đời sống dân sinh thêm khó khăn và đẩy hàng hóa tăng giá.
Chi phí nhiên liệu rẻ là một phần quan trọng để nuôi sống và thúc đẩy nền kinh tế vững mạnh. Nước Nhật, nước Đức phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu nhập khẩu từ Nga là vì sao? Đó là vì những quốc gia này muốn đi tìm nguồn nhiên liệu rẻ để nền kinh tế của họ phát triển mạnh hơn. Xăng có thể đánh thuế cao nhằm khuyến khích dân sử dụng phương tiện công cộng. Tuy nhiên với dầu Diesel cần cho công nghiệp thì không nên đánh thuế cao để doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhiên liệu giá rẻ nhằm thúc đẩy nền sản xuất. Tuy nhiên tại Việt Nam, Nhà nước lại cho tăng giá dầu Diesel rất cao, cao gấp 2,5 lần phần tăng giá cho xăng thì không biết Nhà nước này toan tính gì?
Thực tế cho thấy, nhà nước CS tăng giá xăng dầu không theo một chính sách phát triển nào. Logistics phụ thuộc rất lớn vào giá dầu, công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào giá dầu. Không hiểu sao, nhà nước CS lại tăng cao cho loại nhiên liệu này?
Leave a Comment