Quảng Cáo

Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi về chính sách ngoại hối

Quảng Cáo

VOA

Việt Nam vừa bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách giám sát về các chính sách ngoại hối dù không bị chính quyền của Tổng thống Joe Biden xác định là thao túng tiền tệ trong báo cáo bán niên mới nhất của bộ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, người từng dọa đánh thuế hàng hóa Việt Nam vì thặng dư thương mại cao với Mỹ, Việt Nam bị dán mác thao túng tiền tệ nhưng sau đó được chính quyền Tổng thống Biden đưa ra khỏi danh sách này.

Bộ Tài chính Mỹ hôm 10/6 cho biết rằng họ đã thêm Việt Nam và Đài Loan vào danh sách giám sát, cùng với 10 nước khác, gồm cả Trung Quốc, do đã vượt ngưỡng ít hơn 3 tiêu chí trong cả năm 2021 theo Đạo luật Xúc tiến và Thực thi Thương mại 2015 của Hoa Kỳ. Mười quốc gia đã nằm trong danh sách bị giám sát này từ tháng 12 năm ngoái gồm có cả Trung Quốc.

Bộ Tài chính xem xét 20 đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ, gồm cả Việt Nam, có thương mại hàng hóa song phương với Mỹ đạt ít nhất 40 tỷ USD hàng năm.

Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt con số kỷ lục hơn 90 tỷ USD vào năm ngoái, đưa quốc gia Đông Nam Á vào nhóm 3 nước có mức thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico.

Các tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ xem xét là thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, thặng dư đáng kể trong tài khoản vãng lai và bằng chứng về “sự can thiệp dai dẳng từ một phía” vào thị trường ngoại hối.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam đã vượt ngưỡng cả 3 tiêu chí trong báo cáo ở ba kỳ bán niên trước đây – tức tháng 12/2021, 4/2021 và 12/2020.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết dù Việt Nam và Đài Loan không còn đáp ứng 3 tiêu chí cho việc phân tích nâng cao, Bộ sẽ tiếp tục tiến hành phân tích sâu về chính sách kinh tế vĩ mô và tỷ giá hối đoán của các nền kinh tế này cho đến khi họ không đáp ứng cả 3 tiêu chí trên theo Đạo luật 2015 trong ít nhất hai kỳ báo báo liên tiếp.

Đầu năm ngoái, sau khi Việt Nam bị chính quyền Tổng thống Trump xác định là nước thao túng tiền tệ, Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu tăng cường cam kết song phương với Việt Nam theo Đạo luật 2015. Kết quả là sau các cuộc thảo luận thông qua quá trình này, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đạt được thỏa thuận vào tháng 7 năm ngoái để giải quyết những quan ngại của phía Hoa Kỳ về các hành vi chính sách tiền tệ của Việt Nam.

NHNN Việt Nam, trong tuyên bố chung với Bộ Tài chính Mỹ đưa ra lúc đó, cam kết “nỗ lực không ngừng để tiếp tục hiện đại hóa và minh bạch hơn trong chính sách tiền tệ và khuôn khổ tỷ giá hối đoái của mình”.

Bộ Tài chính Mỹ nói rằng họ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với NHNN để theo dõi tiến độ của Việt Nam trong việc giải quyết các mối quan ngại của Bộ và cho đến nay “rất hài lòng với những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được”./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux