Phạm Lê Đoan – VNTB
Hợp tác quốc phòng là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Ấn Độ.
Gặp gỡ tại Hà Nội, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Ấn Độ. Đồng thời nhấn mạnh Ấn Độ coi Việt Nam là đối tác chủ chốt trong chính sách Hành động hướng Đông.
Điểm nhấn trao đổi chính trị – quốc phòng
Bộ trưởng Rajnath Singh cũng mong muốn quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước tiếp tục phát triển, thể hiện qua các mối giao kết song phương được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ trao đổi về chính trị, quốc phòng an ninh, thương mại, văn hóa, giao lưu nhân dân…
Ở cuộc tiếp kiến sau đó với Thủ tướng Phạm Minh Chính, tin tức cho biết Bộ trưởng Rajnath Singh đồng ý với các ý kiến của Thủ tướng, đặc biệt là sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam – Ấn Độ đến năm 2030 và Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần giữa Bộ Quốc phòng hai nước; ủng hộ thực hiện thực chất và hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, góp phần kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Tin tức quốc phòng cho biết thêm rằng về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, trên cơ sở Tuyên bố “Tầm nhìn chung Việt Nam – Ấn Độ vì hòa bình, thịnh vượng và người dân” được thông qua vào tháng 12-2020, hai Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Việt Nam đã thống nhất tăng cường thúc đẩy hợp tác, triển khai đầy đủ, hiệu quả các văn bản, thỏa thuận đã ký kết, trong đó tập trung tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao; duy trì, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn, giao lưu nhất là cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng; huấn luyện đào tạo; hợp tác quân binh chủng; tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; tăng cường phối hợp, tham vấn trên các diễn đàn đa phương…
Ấn Độ và Việt Nam duy trì kênh trao đổi về tình hình thế giới, khu vực và những vấn đề cùng quan tâm, hai bên thống nhất đánh giá hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo trên thế giới.
Tuy nhiên, môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen, nên cả hai vị Bộ trưởng đều đồng ý việc môi trường an ninh thế giới, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn.
Trong bối cảnh như trên, hai bên cam kết chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Kết thúc hội đàm, hai bên ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam – Ấn Độ đến năm 2030 và Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
Việt Nam hưởng lợi từ IPMDA thông qua Ấn Độ
Bình luận chính trị về các nội dung hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ – Việt Nam, có ý kiến là hãy đặt tất cả các nội dung của Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam – Ấn Độ đến năm 2030 và Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần giữa Bộ Quốc phòng hai nước, vào Hội nghị thượng đỉnh của Bộ tứ an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hồi hạ tuần tháng 5-2022.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã tham dự hội nghị kéo dài hai tiếng tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản hôm 25-5-2022.
Thông cáo chung sau hội nghị được đăng trên website Nhà Trắng cho biết lãnh đạo các nước Bộ tứ phản đối mọi nỗ lực “sử dụng vũ lực làm thay đổi nguyên trạng” tại khu vực Indo-Pacific, dù không chỉ đích danh nước nào.
“Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ hành động ép buộc, khiêu khích hoặc đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng tại khu vực, chẳng hạn như quân sự hóa các thực thể tranh chấp, sử dụng các tàu hải cảnh và lực lượng dân quân biển một cách nguy hiểm, cũng như các nỗ lực quấy nhiễu hoạt động khai thác tài nguyên xa bờ của các nước khác”, các lãnh đạo Bộ tứ nói trong thông cáo.
Bộ tứ đã công bố kế hoạch đầu tư ít nhất 50 tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng tại khu vực trong 5 năm tới và một sáng kiến được cho là nhằm tăng cường giám sát các hoạt động của Trung Quốc trên biển. Sáng kiến này có tên là “Đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về Nhận thức trong lĩnh vực hàng hải” (IPMDA).
Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – AMTI, CSIS, đánh giá: “IPMDA có lẽ là thông báo quan trọng nhất được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua vì có thể có tác động lớn”.
Cụ thể hơn, ông giải thích: “Bằng cách cung cấp miễn phí thông tin cho các đối tác trên khắp Ấn Độ Dương, Đông Nam Á và các quần đảo Thái Bình Dương… nhằm phát hiện tần số vô tuyến hoạt động, bộ tứ sẽ giúp theo dõi dễ dàng hơn những tàu đánh cá bất hợp pháp, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc và các tác nhân bất hợp pháp khác ngay cả khi các đối tượng này tắt bộ phát tín hiệu định danh trên biển (AIS)”./.
Leave a Comment