Việc chính quyền Việt Nam truy tố hai cựu bộ trưởng cũng là ủy viên trung ương Đảng đặt ra nhiều vấn đề về tình trạng tham nhũng tràn lan hiện nay và hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng của Đảng, một nhà quan sát chính trị từ trong nước nói với VOA.
Hôm 7/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và nguyên Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ Chu Ngọc Anh đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an, khám xét nhà, bắt giữ và truy tố do dính đến bê bối nâng giá bộ xét nghiệm của công ty Việt Á
Theo đó, ông Long bị truy tố về tội ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ còn ông Anh bị truy tố về tội ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’.
Một ngày trước đó, hôm 6/6, Ban chấp hành trung ương Đảng đã có phiên họp bất thường để quyết định khai trừ hai ông Long và Anh ra khỏi Đảng theo đề nghị của Bộ Chính trị.
Ngay sau khi bị khai trừ, ông Long đã bị Quốc hội vốn đang họp tập trung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng y tế, còn ông Anh đã bị hội đồng nhân dân Hà Nội họp miễn nhiệm chủ tịch Hà Nội, chức vụ mà ông nắm giữ kể từ năm 2020 sau khi thuyên chuyển từ Bộ Khoa học-Công nghệ.
Hai vị cựu bộ trưởng bị cho là ‘vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ’, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
‘Tham nhũng hoành hành’
Việc Đảng cấp tập khai trừ, cách chức và truy tố hai ủy viên trung ương cùng một lúc là ‘sự kiện chưa từng thấy’, ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà quan sát chính trị vốn được biết đến rộng rãi với tên ‘Anh Ba Sàm’, nói với VOA từ Hà Nội.
“Trong vụ này Đảng xử lý có vẻ kỹ lưỡng, theo trình tự, rất là bài bản,” ông Vinh nhận định, “Những trường hợp trước đâu cần phải có phiên họp bất thường của Ban chấp hành trung ương để kỷ luật.”
Theo phân tích của blogger này thì hành động này của Đảng ‘có lẽ muốn thể hiện quyết tâm chống tham nhũng không chừa vị trí nào để làm yên lòng dân’.
“Nhưng người ta cũng đặt dấu hỏi là Đảng sẵn sàng làm ở những cấp như thế liệu lên đến những cấp cao hơn thì sao?” ông đặt vấn đề. “Cơ quan công an có chờ cho đến khi có chỉ đạo từ trên xuống khi có mục tiêu chính trị gì đó mới làm tới thì sao?”
Ông chỉ ra thực tế ở Việt Nam có nhiều vụ án tham nhũng ‘không làm tới cùng’ mặc dù Đảng lúc nào cũng tuyên bố là ‘không có vùng cấm’, ‘đốt lò quyết liệt’.
Mặc dù vụ bê bối Việt Á đến nay đã khiến hơn 60 người bị truy tố, lên tới hai ủy viên Trung ương, nhưng việc đó ‘không cho thấy công cuộc chống tham nhũng của Đảng có cái gì đó bừng sáng’, cũng theo lời ông Vinh.
“Ngược lại người ta còn thấy là đến cấp độ như thế, trong tình hình xã hội có bao nhiêu là khó khăn như thế, dịch bệnh khủng khiếp như thế mà họ vẫn ngang nhiên kiếm chác vụ lợi, làm bừa làm ẩu, chắn chắn người dân tin rằng họ (các quan chức bị truy tố) đã nhận hối lội những khoản khủng khiếp,” ông phân tích.
“Từ đó suy ra tình hình tham nhũng trong bộ máy khủng khiếp đến mức độ nào và làm như thế vẫn là chưa đáng kể,” ông nói thêm.
‘Hệ thống có vấn đề’
Blogger này cũng đặt vấn đề về những lỗ hổng trong hệ thống của Đảng Cộng sản khiến tham nhũng hoành hành như vậy.
Thứ nhất, ông cho rằng trong một hệ thống Đảng có nhiều tầng nấc mà để lọt những cán bộ cấp cao làm những việc liều lĩnh như là thông đồng với công ty Việt Á giúp họ nâng khống giá bộ xét nghiệm làm thiệt hại ngân sách nhà nước thì ‘phải chăng phía trên họ có những người che đỡ?’
“Có khả năng dính đến cấp cao hơn, nếu làm triệt để thì sẽ gây tổn thất cho Đảng,” ông nói thêm và cho biết làm đến đâu tùy thuộc vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng.
Thứ hai, ông đặt nghi vấn có tình trạng chạy chức chạy quyền ở những vị lãnh đạo bị truy tố này vì ‘có thể họ làm liều như vậy do họ đã đầu tư quá lớn để có chức vụ nên cần phải bù đắp cho những khoản đầu tư đó và chuẩn bị cho những khoản đầu tư khác cực lớn để leo lên những vị trí cao hơn’.
Ông cho rằng suy đoán này có cơ sở vì ở Việt Nam tình trạng chạy chức chạy quyền ‘diễn ra tràn lan, ai cũng biết. “Trong dư luận biết rất nhiều việc chạy chức chạy quyền từ chủ tịch phường cho đến hiệu trưởng một trường học cũng đã phải chạy nhiều tỷ đồng,” ông chỉ ra.
Qua việc này, ông Vinh bày tỏ nghi ngờ về hệ thống tuyển chọn người của Đảng: “Tại sao ông Long mới lên làm bộ trưởng y tế chưa bao lâu là bị dính ngay? Tại sao quy trình lựa chọn nhân sự cẩn thận như thế mà để lọt người như thế?”
Ngoài ra, vụ Việt Á vỡ lở bung bét ra như thế cho thấy ‘có dấu hiệu hối lộ cực lớn trên phạm vi cực rộng’, ông nói thêm và đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan công an: “Tại sao suốt hai năm hoạt động của họ rất là lộ liễu và lan khắp 62 tỉnh thành mà tại sao cơ quan công an không phát hiện ra, trong chuyện này có điều gì đó có yếu tố chính trị.”
Cho nên, nếu chỉ dừng lại ở việc truy tố một vài cá nhân mà không giải đáp thỏa đáng những thắc mắc này thì ông Vinh cho rằng ‘người dân vẫn bức xúc về tình trạng tham nhũng và cách chống tham nhũng của Đảng’ chứ ‘không thể yên tâm được’.
Cho nên, ông cho rằng các vụ xử lý này của Đảng ‘không có tác dụng gì nhiều để củng cố lòng tin của người dân vào chế độ’. “Chỉ những người ít hiểu biết, ít có thông tin thì mới yên tâm được một chút, nhưng chắc chắn chỉ được dăm bữa nửa tháng,” ông Vinh nói.
‘Không có tác dụng răn đe’
Trả lời câu hỏi tại sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt như thế kể từ sau khi ông lên nắm quyền cách nay hơn 10 năm mà tình trạng tham nhũng không có dấu hiệu giảm bớt, trái lại ngày càng lan rộng, blogger này nhận định rằng cách làm quyết liệt ‘chỉ là bề nổi, còn cái mục ruỗng, thối nát bên trong thì không giải quyết được’.
“Nếu không chỉnh sửa được hệ thống vốn đẻ ra những sâu bọ, ung nhọt thì bắt được kẻ này sẽ đẻ ra kẻ khác thôi,” ông phân tích. “Chưa kể những vụ bắt bớ kiểu này nhiều khi phục vụ mục tiêu chính trị như đấu tranh phe cánh.”
Mặc dù có người lập luận rằng chính vì ông Trọng làm quyết liệt nên mới phát hiện ra nhiều tham nhũng, nhưng ông Vinh đặt vấn đề ‘tại sao chống tham nhũng quyết liệt nhưng không răn đe được người ta tham nhũng?’
“Họ vẫn không sợ, vẫn liều lĩnh, vẫn có những cách tinh vi, khôn ngoan hơn để cơ quan pháp luật không phát hiện ra hay nếu bị phát hiện thì chỉ bị tội nhẹ thôi,” ông phân tích và cho rằng đây là cách ‘hy sinh đời bố để củng cố đời con’.
“Chưa kể những cán bộ vào tù sướng vô cùng, tôi biết nhiều trường hợp họ thật sự nằm ở bệnh viện chứ không phải đi tù, hoặc họ đi tù dạng VIP, có phòng riêng, đầy đủ tiện nghi, được đi đánh tennis,” ông cho biết./.
Leave a Comment